Kính gửi chị Hạnh Dung,
Em có một nỗi khổ tâm lớn: chồng em bị nghiện ma tuý. Trước khi cưới nhau, anh không có biểu hiện gì. Cưới nhau về khoảng nửa năm thì em phát hiện. Má chồng em lúc đó mới nói ra sự thật: anh nghiện từ hồi học đại học, ban đầu chỉ là theo bạn bè hút thuốc cho vui, sau đó nặng dần.
|
Ảnh minh họa.
|
Mấy lần cai nghiện rồi lại tái nghiện. Ba má đổ tiền bạc, công sức nhiều lắm anh mới tốt nghiệp được đại học. Cũng nhờ sự động viên và thành quả đó, anh đi làm, gặp em, yêu rồi cưới. Gia đình có một thời gian tưởng đã yên ổn, không ngờ bây giờ cơn nghiện lại trở lại.
Anh bỏ việc, gia đình có xe nên anh đăng ký chạy taxi công nghệ, anh nói như vậy cho tự do, tính anh không thích gò bó. Nhưng nhiều lần anh đi rất khuya, em gọi điện thoại thì không bắt máy, định vị xe cũng tắt.
May một người bạn tài xế nói cho em biết, anh bạn này có lần bắt gặp chồng em phê thuốc trong xe, sợ lỡ có chuyện không lành nên nhắc em canh chừng, nếu thấy chồng nghiện thì đừng để chạy xe nữa. Em nhục nhã lắm chị ơi. Hễ nói đến chuyện này với chồng là ảnh bỏ đi, nhưng không nói thì không biết ngày nào xảy ra tai nạn.
Bây giờ ba má ảnh cũng nói em coi lại mình, ba má đã giúp ảnh cai rồi, giờ trách nhiệm này là của em. Ba má đã lấy xe lại, không cho chạy nữa, chồng em ở nhà càng có nhiều thời gian rảnh để tụ tập bạn bè, đi những đâu em cũng không biết nữa.
Em ngày nào cũng hốt hoảng, đi làm về không thấy chồng thì lo mà thấy chồng nằm dài ở nhà thì chán nản, bế tắc…
Cẩm Liên (TP.HCM)
Em Cẩm Liên thân mến,
Đây không phải là nỗi khổ tâm của riêng em đâu, mà còn là nỗi khổ của gia đình em, gia đình ba má, của địa phương và của cả xã hội. Vì vậy, điều đầu tiên mình phải nhớ, đó là không thể giải quyết vụ này một mình được. Mình cần sự giúp đỡ của rất nhiều người, kể cả người trong gia đình, và cả người ngoài nếu cần thiết.
Em nên nói chuyện với ba má. Ba má đã có quá nhiều kinh nghiệm trong việc này. Chồng em đã nhiều lần cai, rồi tái nghiện. Ba má cũng biết đây là chuyện dài nhiều tập, không đổ hết lỗi lên em đâu. Cha mẹ thương con nên mình chỉ có thể dựa vào cha mẹ, đó là cách vững bền nhất, người ngoài khó ai kiên nhẫn được.
Em nên hỏi ba má mọi chuyện. Em cần biết rõ về tất cả, từ việc chồng em dùng loại ma túy nào, đến bạn bè của anh ấy, những thói quen khi lên cơn, khi không có thuốc, những cách để kiềm chế anh ấy, hay ai là người có thể giúp mình.
Em nhờ ba má hỗ trợ đưa chồng đến cơ sở cai nghiện phù hợp, hoặc nếu ba má sẵn sàng giúp em, có thể cùng tìm những phương thức cai tại nhà. Không nên giấu giếm việc chồng em nghiện, vì một khi lên cơn, anh ấy có thể gây nguy hiểm cho những người thân trong gia đình và cả cộng đồng, hàng xóm xung quanh.
Cần xác định đây là một tình trạng báo động đỏ của toàn gia đình, đừng nghĩ mọi chuyện vẫn đang êm ả, đang ổn thỏa mà lơ là. Đến khi chuyện xảy ra thì đã quá muộn.
Ngày xưa, bên cạnh chồng em chỉ có ba má, chồng em đã một lần cai nghiện thành công; ngày nay, bên cạnh anh ấy có em và tình yêu của em, có thể lần này sẽ đạt được kết quả tốt. Em đang phải trải qua một giai đoạn rất khó khăn, nhưng đừng để mình chìm trong những suy nghĩ tiêu cực, bế tắc.
Hạnh phúc gia đình khó mà giữ vẹn tròn được trong trường hợp chồng mình nghiện. Nhiều đôi đã phải chấp nhận tan vỡ khi người chồng hoặc vợ không thể cai nghiện được. Hãy chuẩn bị tinh thần cho những gì xấu nhất, nhưng hãy cố gắng hết sức. Mong em chuẩn bị đầy đủ sức lực, tinh thần để bắt đầu cuộc chiến đấu của mình.