Bác sĩ Thongchai Lertwilairattanapong – thanh tra Bộ Y tế Thái Lan hôm nay (9/7), cho biết 4 cầu người thuộc đội bóng Thái Lan vừa được giải cứu khỏi hang Tham Luang (tỉnh Chiang Rai) đã trải qua một loạt các kiểm tra về sức khoẻ tại bệnh viện Prachanukroh, bao gồm: Xét nghiệm máu, chụp X-quang phổi, xét nghiệm nước tiểu…
Theo ông Thongchai, các cầu thủ nhí sẽ được gặp người thân vào tối nay (9/7) sau khi hoàn tất quá trình kiểm tra sức khoẻ. Tuy nhiên, họ chỉ được nói chuyện từ xa cho đến khi có kết quả kiểm tra máu của các cầu thủ.
Cũng theo ông Thongchai, các bác sĩ đang làm các xét nghiệm để chắc chắn rằng 4 cầu thủ đội bóng Thái Lan được cứu không mắc các căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như Melioidosis hay Leptospirosis (2 loại bệnh nhiễm khuẩn cấp tính).
|
Ở trong hang lâu, các cầu thủ nhí có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như Melioidosis hay Leptospirosis (2 loại bệnh nhiễm khuẩn cấp tính) |
Cụ thể, bệnh Melioidosis gây ra từ vi sinh vật có trong đất và nước tại khu vực có bệnh lưu hành. Bệnh có tiềm ẩn bệnh động vật và lây lan từ người sang người nhưng những trường hợp này hiếm khi được báo cáo.
Vi khuẩn Burkholderia pseudomallei được phân loại là chất độc sinh học cấp 1 bởi Chương trình chất độc sinh học Mỹ cùng với Bacillus anthracis, vi rút Ebola và các vi khuẩn khác.
Bệnh này thường gặp vào mùa mưa. Đường lây truyền do tiếp xúc với bùn đất, nước hoặc do hít phải vi khuẩn. Thời gian ủ bệnh từ 1-21 ngày. Biểu hiện lâm sàng bệnh đa dạng, tỷ lệ tử vong từ 10-30%, bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết nặng có sốc tử vong lên đến 85-90%.
Người mắc bệnh Melioidosis khó điều trị, kháng sinh phổ biến như penicillin và gentamicin không có hiệu quả. Tỷ lệ tử vong bệnh cao, những ca tử vong chủ yếu là tử vong trong vòng 48 giờ. Tỷ lệ tử vong ca bệnh là 60% tại Campuchia, 40% tại Thái Lan và 14% Bắc Úc.
Ước tính có 165.000 ca bệnh Melioidosis ở người mỗi năm trên toàn thế giới. Ước tính tổng số trên thế giới có 89.000 trường hợp tử vong.
Ngoài ra, sống trong hang lâu, các cầu thủ nhí Thái Lan còn dễ mắc bệnh Leptospira. Nhiễm Leptospira là một bệnh nhiễm trùng cấp tính toàn thân do xoắn khuẩn Leptospira gây nên. Trên lâm sàng, bệnh có nhiều thể khác nhau, từ nhiễm trùng không có biểu hiện lâm sàng đến bệnh tối cấp gây tử vong.
Bệnh Leptospira thường gia tăng khi ngập lụt. Bệnh gây tổn thương cùng lúc nhiều cơ quan gan, thận, màng não…; bệnh dễ nhầm với sốt rét nặng thể vàng da, viêm gan siêu vi…
Chuột đồng và các loại chuột ở thành thị - đặc biệt là chuột cống, đều có thể mang Leptospira. Mầm bệnh được thải trừ theo nước tiểu và làm ô nhiễm các nguồn nước. Mầm bệnh có thể có trong các mô của súc vật và làm ô nhiễm thực phẩm.
Bệnh lây truyền sang người chủ yếu do nhiễm vào các vết trầy sướt khi lội qua các vùng đồng lầy, ruộng, ao, cống rãnh có nhiều Leptospira do động vật thải ra.
Sau khi xuyên qua các vết trầy sướt ở da và niêm mạc, xoắn trùng Leptospira đi vào máu và ở tại đây trong những ngày đầu của bệnh. Nhờ tính chất di chuyển xoắn ốc mà Leptospira có thể dễ dàng đến các nội tạng và tấn công đặc biệt vào các mô và cơ quan: gan, thận, thượng thận. Các tổn thương đa cơ quan gây ra các rối loạn chức năng vàng da, suy thận, tán huyết nội mạch, lách to, hạch to, sung huyết thượng thận…
Bệnh có những biểu hiện rất điển hình như sốt cao; mệt mỏi; nhức đầu; sung huyết kết mạc mắt; đau cơ nhiều nhất là ở cơ bụng chân, cơ lưng, cơ bụng, đau nhiều hơn khi xoa bóp, có thể đau rất nhiều khiến cho bệnh nhân không đi lại được, đôi khi kèm theo đau khớp. Trường hợp nặng xuất hiện vàng da sậm, suy thận, xuất huyết, viêm màng não, viêm cơ tim và tử vong.