Uống thuốc kích thích đẻ non
Chị Minh (Hà Đông, Hà Nội) đến giờ vẫn chết lặng khi hay tin cô con gái của mình mới 17 tuổi đã mang thai rồi gặp biến chứng sau phá thai. Vốn được mọi người biết đến là một học sinh ngoan, khi biết mình có thai, Ngọc Anh – con gái chị Minh đã vô cùng sợ hãi. Cô bé đã cùng người yêu đi tới một phòng khám ở chỗ kín đáo để phá thai. Sau thủ thuật, bác sĩ cho thuốc kháng sinh rồi dặn Ngọc Anh nghỉ ngơi, tẩm bổ. Thế nhưng vì sợ mọi người biết, cô bé vẫn cố gắng đi học bình thường và không dám mua thuốc uống.
Trước ngày vào viện kiểm tra, Ngọc Anh bị sốt nhiều ngày nhưng không nói với bố mẹ. Cố gắng đi học mỗi ngày, chỉ khi bị sốt không chịu được nữa cô bé mới nghỉ. Thuốc thang cho con mà mãi không thấy con đỡ, chị đưa con đi khám. Nghe bác sĩ kết luận Ngọc Anh bị viêm nhiễm tử cung mà chị không thể tin nổi. Đến khi chính con thú nhận rằng mình đã phá thai, chị mới bàng hoàng. Bác sĩ cho biết nếu tình trạng nhiễm trùng quá nặng không cải thiện được, Ngọc Anh có nguy cơ bị cắt bỏ tử cung.
|
Uống thuốc kích thích đẻ non để vứt bỏ con, nhiều bạn trẻ cho rằng an toàn nhưng hệ quả rất lớn. Ảnh minh họa |
Không chỉ là đi phá thai ở các cơ sở "chui", nhiều bạn trẻ còn tự ý uống thuốc kích thích đẻ non để vứt bỏ con đi. Thuốc hay được những thai phụ trẻ này tự ý mua về để tự phá thai là thuốc làm mềm tử cung và thuốc đẩy thai ra.
Theo bác sĩ sản khoa Lê Thị Kim Dung, đa phần các trường hợp phá thai kiểu này chỉ phát hiện khi thai phụ gặp tai biến, nhập viện. Cách "phá thai" này được nhiều người truyền nhau nghĩ rằng an toàn, không can thiệp ngoại khoa. Song phá thai bằng thuốc không đơn giản chỉ uống thuốc là xong. Có nhiều trường hợp sau khi uống thuốc tai biến chảy máu, băng huyết, sót rau phải nhập viện.
Nỗi đau khi "trẻ con làm mẹ"
Theo BS Kim Dung, phá thai ở bất cứ tuổi nào cũng có nguy cơ vô sinh do nhiễm khuẩn, dính buồng tử cung, tắc vòi trứng... Ở các bé gái nguy cơ càng cao hơn bởi cổ tử cung còn khép kín, các thao tác dễ gây tổn thương hơn.
Xưa vẫn có câu "một lần sảy bằng bẩy lần đẻ" để so sánh nỗi đau giữa sảy thai, nạo phá thai. Đáng buồn có những bạn nghĩ quan hệ lần đầu chắc không có thai. Khi xảy ra hậu quả, phần lớn các bạn gái sợ sệt nên giấu diếm không dám nói với ai, không tìm được sự giúp đỡ. Thai to quá mới phát hiện rồi đi xử lý nên dễ biến chứng. Các em chỉ nghĩ bỏ thai là một giải pháp giúp mình thoát khỏi tình huống rắc rối mà không biết phá thai to thực ra là một cuộc đẻ. Bên cạnh đó, có những bạn gái trẻ khi phải phá thai còn có thái độ dửng dưng như không có chuyện gì.
TS. Vũ Việt Anh, Tổng giám đốc Học Viện Thành Công cho biết, khi mang thai ở tuổi vị thành niên dễ dẫn đến các biến chứng do thai nghén như: Dễ bị sẩy thai, đẻ non, nhiễm độc thai nghén, làm tăng nguy cơ tử vong mẹ. Làm mẹ quá trẻ, cơ thể chưa phát triển đầy đủ dẫn đến thiếu máu, thai kém phát triển dễ bị chết lưu hoặc trẻ thiếu cân, con suy dinh dưỡng cao. Em bé sinh ra từ những bà mẹ trẻ này có sức khỏe yếu ớt, còi cọc, chậm phát triển…
Cùng với đó, các bạn trẻ gặp phải tình trạng đẻ khó do khung chậu chưa phát triển đầy đủ, dễ phải can thiệp bằng các thủ thuật và phẫu thuật (Fooc-xep, giác hút). Tỷ lệ mắc bệnh tật và tử vong của trẻ sơ sinh ở người mẹ nhỏ tuổi cao hơn nhiều so với các bà mẹ ở tuổi trưởng thành. Dễ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, trong đó có cả HIV/AIDS.
"Nạo phá thai dễ dẫn đến nguy cơ thủng dạ con gây vô sinh sau này. Nếu đi đến hôn nhân hoặc sinh con thì bản thân các em gái sẽ mất đi cơ hội học hành, không có công ăn việc làm, thiếu kiến thức chăm con. Về mặt tinh thần, khi làm mẹ sớm dễ bị căng thẳng, khủng hoảng tâm lý, tổn thương tình cảm và thiếu điều kiện tốt trong cuộc sống. Một số bạn gái có thể rất chán nản và cảm thấy bị cách biệt với gia đình và bạn bè" – TS Vũ Việt Anh nhấn mạnh.