Nhiều bộ phận của cây dưa bở đều có thể làm thuốc

Google News

Nhiều người chỉ biết dưa bở có tác dụng giải khát, trừ phiền mà không biết nhiều bộ phận của cây dưa bở từ hoa, lá, cuống, vỏ, hạt... đều có thể làm thuốc.

Dưa bở thuộc họ bầu bí, có tên khoa học là Cucumis melo L. Đông y gọi là việt qua, hoàng qua. Trái dưa bở khi chín mềm, bở, có vị nhạt. Dưa có hình trụ nhiều sọc màu vàng, xanh lục.
Thành phần dinh dưỡng trong dưa bở gồm 95% nước, 3,72% glucid, 0,06% lipid, 0,11% protid, 0,23% cellulose, vitamin A, B, C.
Theo đông y, dưa bở vị ngọt lạnh, tính hàn, có tác dụng giải khát, trừ phiền, thông khí, lợi tiểu... có thể ngừa cảm nắng trong những ngày nóng bức.
Hạt dưa có vị ngọt, tính mát, tác dụng thanh phế, nhuận tràng, chữa ho khan, đại tiện táo. Hoa cây dưa bở chữa nấc cụt, lá trị mất kinh ở phụ nữ. Cuống dưa vị đắng, tính lạnh, có độc, tác dụng gây nôn, thông đại tiểu tiện, giải độc chữa sốt phát cuồng, sốt rét cơn.
Nhieu bo phan cua cay dua bo deu co the lam thuoc
 Thịt quả dưa bở có tác dụng giải khát, trừ phiền, ngừa cảm nắng.
Bài thuốc từ thịt dưa bở
- Trị mất ngủ: Dưa bở 200 g, hạt sen 100 g, hoa nhài 20 g, đường trắng 200 g. Cho hoa nhài vào nước đun kỹ, gạn lấy 300 ml nước hoa nhài. Hạt sen giã nhỏ, cho tất cả vị thuốc vào nồi đun nhỏ lửa, khuấy đều đến khi hạt sen chín nhừ, cho đường vào trộn đều, ngày ăn một lần.
- Trị cảm nắng: Nước ép dưa bở, nước bột sắn dây hòa chung vào cốc rồi uống giúp giải nhiệt, ngăn ngừa miệng khô rát, khó chịu, tang tân dịch, giải cảm.
- Chữa mụn trứng cá, tàn nhang giúp da nhẵn mịn: Dưa bở 250 g, đại táo bỏ vỏ, hạt 250 g, thêm 150 g cà rốt luộc nhừ. Tất cả nguyên liệu nghiền nhuyễn, ăn 2 lần mỗi ngày.
Thuốc từ vỏ quả dưa bở
- Tiêu mỡ thừa, giảm cân: 50 g vỏ dưa bở, 50 g vỏ bầu phơi khô, sắc uống.
- Trị quáng gà, khô mắt: 15-20 g vỏ dưa bở, 15 g cúc hoa, sắc uống 7-15 ngày, giúp sáng mắt, trị bệnh khô mắt.
Thuốc từ lá cây dưa bở
- Trị vô kinh: Lá dưa bở 20 g, sử quân tử 20 g, cam thảo 20 g , sắc uống trong 7-10 ngày.
- Chống mề đay, ngứa da: Lá dưa bở nấu nước tắm mỗi ngày.
- Trị rụng tóc, hói đầu: Giã nát lá dưa bở, vắt lấy nước thoa lên chỗ tóc rụng, giúp tóc mọc nhanh hơn.
Thuốc từ hoa dưa bở
Chữa nấc cụt: Hoa dưa bở 8 g, sắc uống ngày một lần.
Nhieu bo phan cua cay dua bo deu co the lam thuoc-Hinh-2
Hoa dưa bở chữa nấc cụt. 
Bài thuốc từ hạt dưa bở
- Chữa táo bón: Hạt dưa bở 10 g, khoai lang 300 g, đường đỏ 10 g. Giã nhỏ hạt dưa cùng khoai lang, cho 250 ml nước đun nhỏ lửa, khi khoai chín cho đường vào trộn đều, ăn trong 5 ngày.
- Chữa ho khan: Hạt dưa bở mỗi lần ăn 10 g, 2 lần/ngày.
- Chữa hôi miệng: Lấy hạt dưa bở bóc vỏ, nghiền mịn trộn đều với mật ong. Sau khi đánh răng dùng súc miệng, xúc một thìa ngậm cho thuốc tan dần. Làm như vậy trong 5-7 ngày.
- Trừ phong thấp, chữa đau lưng, mỏi gối: Ngâm 100 g hạt dưa bở trong rượu trắng, 10 ngày sau lấy ra nghiền nát, mỗi lần ăn 10 g với ít rượu, ngày 3 lần.
Bài thuốc từ cuống dưa bở
- Gây nôn trị sốt rét, sốt phát cuồng: Cuống dưa bở 4-8 g, sắc nước uống, nôn ra đờm là khỏi.
- Giải độc: Tán nhỏ 1 g cuống dưa bở, 2 g đậu đỏ, trộn lẫn, uống bằng nước sắc đậu đen giúp nôn ra chất độc trong dạ dày.
Lưu ý khi dùng dưa bở:
Những người bị dị ứng loại dưa này không được dùng.
Những người tỳ vị hư hàn, bụng trướng, đại tiện phân lỏng không nên ăn.
Những người bị xuất huyết, thể chất hư nhược không dùng cuống dưa bở.
Nên chọn quả dưa bở rạn một chút ở vỏ, ruột vàng, không nên chọn quả dưa có vỏ nứt nhiều, hư hỏng.
Theo Bác sĩ Vũ Duy Thành / Sức khỏe và Đời sống

>> xem thêm

Bình luận(0)