Theo ThS khoa học Lê Việt Thắng, Cục hóa chất, ngộ độc thủy ngân đang là mối lo ngại không chỉ của mỗi gia đình mà còn là của toàn cầu. Bởi thủy ngân tồn tại trong hầu hết các nguồn sản phẩm hàng ngày như thuốc trừ sâu, chất diệt sinh vật, thuốc sát trùng tại chỗ, nhiệt kế và áp kế, máy đo độ ẩm, các thiết bị đo điện tử, thiết bị chuyển mạch, pin, ắc quy, bóng đèn, các biển báo phát sáng… Thậm chí, thủy ngân còn có trong vật liệu hàn trám răng, hay trong xà phòng và các loại kem làm trắng da như một chất bảo quản và không có chất bảo quản thay thế hiệu quả và an toàn.
Không những thế, chúng ta hàng ngày cũng tiếp xúc với các nguồn thủy ngân từ tự nhiên như khói độc từ đốt rác, đốt than đá, rác thải bệnh viện, than nói chung, khai thác vàng hay ngành luyện kim…
Cũng theo vị chuyên gia này, thủy ngân dạng kim loại không độc và trơ nhưng thủy ngân hơi và hợp chất thủy ngân hữu cơ rất độc. Hợp chất thủy ngân hữu cơ là thủy ngân kết hợp với các chất khác sau đó tích tụ thành chuỗi như thủy ngân xuống nước, ngấm vào tảo, đơn bào ăn tảo, cá lại ăn đơn bào, người ăn cá gây độc. Sự nguy hiểm của thủy ngân cũng vì thế mà tăng dần theo các cấp độ.
Các chuyên gia nhấn mạnh, việc không kiểm soát được nguồn giải phóng thủy ngân có thể khiến nhiều người đã bị nhiễm độc mà không rõ. Các biểu hiện bệnh như viêm da do dị ứng với thủy ngân, loét trong miệng, đau dạ dày – ruột, bệnh rối loạn thần kinh do nhiễm độc thần kinh, các triệu chứng về mắt…
“Hợp chất thủy ngân hữu cơ có độc tính cao, chúng gây độc cho thần kinh một chiều, nguy hiểm cho não, dễ chui qua màng tế bào sinh học, cư trú trong mô mỡ… Chất này còn nguy hiểm cho thai nhi và là nguyên nhân khiến nhiều trẻ em sinh ra bị dị tật thần kinh, não”, ThS Lê Việt Thắng nói.
|
Bệnh Minamata là một căn bệnh thần kinh do nhiễm độc thủy ngân. Ảnh: Interne |
Trước đây, năm 1956 lần đầu tiên tại Nhật Bản đã phát hiện ra căn bệnh Minamata. Đây là căn bệnh gây ra khi ăn một lượng lớn cá và sò trong vùng biển bị ô nhiễm nặng vì methyl thủy ngân thải ra vịnh Minamata do một nhà máy. Thống kê đến năm 2004 cho thấy, có 2.265 người mắc bệnh, trong đó 1.784 người chết. 10.000 người được bồi thường, chi phí khắc phục hết 86 triệu USD. Sau này, Minamata được gọi chung để chỉ về nhiễm độc thủy ngân. Công ước về khai thác, sử dụng về thủy ngân cũng được đặt tên này.
Bệnh Minamata là một căn bệnh thần kinh do nhiễm độc thủy ngân. Triệu chứng bao gồm mất điều hòa hoạt động, tứ chi run rẩy do yếu cơ, tầm nhìn hướng tâm bị che khuất, mất khả năng thính giác, nói khó khăn. Trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến chứng điên cuồng, tê liệt, hôn mê, cuối cùng bệnh nhân tử vong sau vài tuần kể từ khởi phát triệu chứng đầu tiên. Dạng bất thường bẩm sinh của bệnh có thể ảnh hưởng đến bào thai trong bụng mẹ.
Bệnh Minamata lần đầu tiên được phát hiện ở thành phố Minamata, Kumamoto, Nhật Bản vào năm 1956. Đến năm 1968, chính phủ Nhật bản mới ra tuyên bố rằng bệnh Minamata là do công ty Chisso làm ô nhiễm môi trường gây nên.
Nhà máy hoá học của Tập đoàn Chisso đã cho xả thải chất methyl thuỷ ngân (methylmecury hay thuỷ ngân methyla) trong chất thải công nghiệp của mình suốt từ năm 1932 đến 1968. Chất hoá học cực độc này đã tích tụ sinh học lại trong nhuyễn thể và cá ở vịnh Minamata và biển Shiranui, mà sau khi những người dân ăn phải sẽ dẫn tới ngộ độc thuỷ ngân. Trong khi những cái chết của chó, mèo, lợn và người diễn ra liên tục suốt 36 năm, chính phủ và công ty đã làm rất ít trong việc phòng chống ô nhiễm.
Cho đến tháng 3/ 2001, 2,265 nạn nhân đã chính thức được xác nhận là mắc bệnh Minamata (trong đó 1,784 người đã chết) và khoảng hơn 10,000 người đã nhận được bồi thường kinh tế từ Chisso.
Đến năm 2004, Tập đoàn Chisso đã chi trả 86 triệu USD tiền bồi thường, và cũng trong năm đó, công ty này bị yêu cầu phải rửa sạch khu vực bị ảnh hưởng. Ngày 29/3/2010, một khoản thanh toán khác đã được tiến hành để bồi thường cho những nạn nhân khác mà chưa được xác nhận.
Nhận thức được mối quan ngại về tác hại sức khỏe của thủy ngân, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc đã có Quyết định số 25/5 ngày 20/2/2009 nhằm cho ra đời một công cụ quản lý toàn cầu về thủy ngân – Công ước Minamata về Thủy ngân.
Tại Quyết định số 1811/QĐ-TTg ngày 04/10/2013, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đồng ý Việt Nam ký kết Công ước Minamata về thủy ngân. Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang đã thay mặt Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký Công ước lúc 15h ngày 11/10/2013 tại Hội nghị đại diện quốc gia, diễn ra tại Minamata, Nhật Bản.
Nội dung chính của Công ước Minamate về Thủy ngân là đưa ra quy định kiểm soát các hoạt động liên quan đến sản xuất, xuất nhập khẩu, kinh doanh, phân phối, vận chuyển, sử dụng, lưu trữ và thải bỏ thủy ngân nhằm mục tiêu bảo vệ sức khỏe con người và môi trường do phát thải nhân sinh của thủy ngân và các hợp chất thủy ngân. Các quốc gia thành viên sau khi ký kết sẽ có lộ trình đến giai đoạn năm 2020- 2025 để thực thi các quy định của Công ước.