Người phụ nữ tưởng béo bụng không ngờ u buồng trứng gần 13 kg

Google News

Bụng to như mang thai 8-9 tháng, người phụ nữ 60 tuổi không ngờ mang trong mình khối u buồng trứng ác tính “khổng lồ” nặng gần 13 kg.

Tưởng béo bụng không ngờ "u khổng lồ"
Các bác sĩ khoa Ngoại Tổng hợp và khoa Gây mê hồi sức bệnh viện Hữu Nghị vừa phẫu thuật thành công lấy bỏ khối u ác tính buồng trứng “khổng lồ”, nặng gần 13kg.
Bệnh nhân là nữ giới, 60 tuổi (trú tại Thanh Trì, Hà Nội) vào viện trong tình trạng đau tức bụng, khó thở, đại tiểu tiện khó khăn, đặc biệt bụng to như mang thai 8-9 tháng. Theo bệnh nhân kể, vài tháng nay thấy bụng to dần, nghĩ do “béo bụng” nên chỉ ăn kiêng và tập thể dục, tuy nhiên thấy bụng vẫn ngày càng to ra, đau tức nhiều, nằm khó thở, ăn uống kém hẳn, đi lại khó khăn nên mới vào viện khám.
Sau khi chụp cắt lớp ổ bụng, các bác sĩ phát hiện một khối u rất lớn có tính chất ác tính ở buồng trứng, đường kính trên 50cm. Khối này chiếm toàn bộ ổ bụng, dính vào đại tràng bên trái, đè đẩy các tạng ruột non, gan, lách, thận và động mạch, tĩnh mạch chủ bụng. Kèm theo là khối u xơ to ở tử cung.
Sau hơn 2 tiếng phẫu thuật, các bác sĩ đã cắt bỏ thành công khối u buồng trứng và cắt toàn bộ tử cung đi kèm. Kết quả giải phẫu bệnh là ung thư biểu mô buồng trứng. Hiện tại sau mổ bệnh nhân tỉnh táo, đã ăn uống bình thường và dự kiến ra viện trong vài ngày tới.
Nguoi phu nu tuong beo bung khong ngo u buong trung gan 13 kg
Phẫu thuật thành công khối u ác buồng trứng “khổng lồ” tại bệnh viện Hữu Nghị - ảnh BVCC
Theo BS Hoàng Việt Dũng, người trực tiếp phẫu thuật bệnh nhân: Ung thư buồng trứng là một trong những căn bệnh ung thư phổ biến ở nữ giới. Bệnh diễn tiến âm thầm, triệu chứng không rõ ràng nên khó nhận biết, dễ nhầm lẫn với triệu chứng của nhiều bệnh lý khác. Các dấu hiệu gợi ý như: đầy bụng hoặc đau bụng vùng hạ vị; ăn uống kém; gầy sút cân; rối loạn tiêu hóa; chu kỳ kinh nguyệt bất thường, ra máu âm đạo.
Khi khối u to lên chèn ép vào bàng quang, niệu quản gây rối loạn tiểu tiện, ứ nước thận; chèn ép đường tiêu hóa gây tắc ruột, rối loạn đại tiện; chèn ép vào động mạch - tĩnh mạch chủ bụng làm tăng áp lực ổ bụng gây khó thở. Những khối u buồng trứng kích thước lớn có nguy cơ vỡ gây chảy máu, tràn dịch ổ bụng, gây viêm phúc mạc toàn thể, khối u có thể bị xoắn gây hoại tử do thiếu máu nuôi, đau gây sốc...
Đặc biệt nguy hiểm hơn khi khối u có tính chất ác tính, phát hiện muộn dẫn tới di căn xa, ảnh hưởng đến tính mạng. Việc chẩn đoán ung thư buồng trứng dựa vào các triệu chứng lâm sàng, xét nghiệm CA 125 trong máu, chụp cắt lớp vi tính. Tùy từng giai đoạn các bác sĩ sẽ tư vấn và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân.
Nguoi phu nu tuong beo bung khong ngo u buong trung gan 13 kg-Hinh-2
BS Hoàng Việt Dũng đang khám lại sau mổ cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC
Kẻ giết người thầm lặng triệu chứng không rõ ràng
Bác sĩ Nguyễn Xuân Tuấn, Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt cho biết, ung thư buồng trứng được xem là “kẻ giết người thầm lặng” vì các triệu chứng không rõ ràng và chỉ xuất hiện ở giai đoạn muộn.
Ung thư buồng trứng là khối u ác tính có xuất phát từ một hoặc cả hai buồng trứng. Theo thống kê tỷ lệ mắc bệnh ung thư buồng trứng khoảng 4,6/100.000 phụ nữ. Bệnh có thể xảy ra ở nhiều độ tuổi tuy nhiên hay gặp nhất là phụ nữ trên 50.
Ung thư buồng trứng là khối u ác tính có xuất phát từ một hoặc cả hai buồng trứng. Các tế bào ung thư là các tế bào bất thường chúng phát triển không theo sự kiểm soát của cơ thể và không tuân theo nhu cầu của cơ thể. Và các tế bào ung thư này có thể xâm lấn và phá hủy các mô, cơ quan xung quanh. Không chỉ vậy chúng có thể di căn tới các cơ quan ở xa trong cơ thể và gây ung thư thứ phát tại cơ quan đó.
Những đối tượng có nguy cơ mắc ung thư buồng trứng cao hơn gồm:
Thừa cân, béo phì: Thừa cân, béo phì làm tăng nguy cơ phát triển nhiều bệnh ung thư, trong đó có ung thư buồng trứng. Bởi vì nhiều lý do như: sự tăng trưởng dư thừa của mô mỡ trong cơ thể, rối loạn hormone, khả năng kháng viêm giảm, sự ảnh hưởng của insulin…
Một nghiên cứu của Mỹ những phụ nữ bị béo phì dễ mắc bệnh ung thư buồng trứng, đặc biệt ở những người chưa bao giờ sử dụng liệu pháp thay thế hormone trong thời kỳ mãn kinh. Ở những đối tượng này, nguy cơ mắc ung thư buồng trứng cao hơn 83% so với những người có trọng lượng trung bình.
Vệ sinh vùng kín sai cách: Khi nhắc tới thói quen vệ sinh vùng kín dễ gây bệnh phụ khoa, ung thư buồng trứng, chắc chắn các chị em sẽ nghĩ tới vệ sinh kém. Điều này không hề sai, tuy nhiên, ít ai biết rằng nếu vệ sinh quá mức cũng có thể khiến bạn tự rước bệnh ung thư buồng trứng vào người.
Tiền sử gia đình mắc ung thư: Ung thư buồng trứng có thể di truyền trong gia đình. Nguy cơ ung thư buồng trứng của người phụ nữ tăng lên nếu mẹ, chị em gái hoặc con gái của bạn bị ung thư buồng trứng. Nguy cơ cũng cao hơn khi bạn có nhiều người thân bị ung thư buồng trứng.
Sinh con muộn, dậy thì sớm hoặc mãn kinh muộn:
Phụ nữ mang thai lần đầu sau 35 tuổi hoặc chưa bao giờ mang thai đủ tháng có nguy cơ mắc ung thư buồng trứng cao hơn. Những phụ nữ đã mang thai và sinh đủ tháng trước 26 tuổi có nguy cơ mắc ung thư buồng trứng thấp hơn so với những phụ nữ không mang thai. Nguy cơ giảm xuống với mỗi lần mang thai đủ tháng. Cho con bú có thể làm giảm nguy cơ hơn nữa.
Phụ nữ dậy thì sớm (trước 12 tuổi) và mãn kinh muộn (sau 55 tuổi) cũng có nguy cơ mắc bệnh ung thư buồng trứng cao hơn người khác. Nguyên nhân là do những phụ nữ này chịu tác động lâu dài của hormone estrogen và progesterone. Nhóm phụ nữ này cũng có nguy cơ cao mắc nhiều bệnh ung thư khác liên quan tới hormone như ung thư vú, ung thư tử cung…
Từng mắc một số bệnh ung thư, bị rối loạn di truyền: Ngoài tiền sử gia đình có người mắc ung thư, nếu bản thân bị một số bệnh ung thư như: ung thư vú, ung thư ruột kết hoặc nội mạc tử cung thì phụ nữ cũng dễ mắc ung thư buồng trứng hơn. Trong đó, người từng mắc ung thư vú hoặc tiền sử gia đình ung thư vú cũng có nguy cơ cao nhất.
Phụ nữ có các rối loạn di truyền như Hội chứng Lynch và hội chứng Peutz - Jeghers dễ bị mắc ung thư vú hơn. Hội chứng Lynch được đặc trưng bởi một nguy cơ cao về ung thư đường tiêu hóa, đường tiết nước bọt và các cơ quan khác. Hội chứng Peutz-Jeghers cho thấy tăng nguy cơ phát triển polyps trong đường tiêu hóa và một số loại ung thư, bao gồm vú, ruột kết, trực tràng, tụy, dạ dày, tinh hoàn, buồng trứng, phổi và cổ tử cung.
Đột biến gen: Yếu tố dễ gây ung thư vú. Ví dụ như người đột biến BRCA1 làm tăng nguy cơ ung thư buồng trứng cao hơn từ 35 - 70%. Phụ nữ có đột biến BRCA2 có nguy cơ cao hơn từ 10 - 30%.
Chế độ ăn uống, nghỉ ngơi không lành mạnh: Chế độ ăn quá nhiều chất béo, tiêu thụ quá nhiều thực phẩm chiên rán, thực phẩm siêu chế biến được xem là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư buồng trứng. Theo Đại học Hoàng gia London, tăng thêm 10% lượng thực phẩm siêu chế biến có liên quan đến tăng 2% khả năng mắc bất kỳ bệnh ung thư nào và tăng 19% nguy cơ mắc ung thư buồng trứng.
Ung thư buồng trứng phổ biến thứ 3 trong các bệnh ung thư ở nữ giới, sau ung thư vú và ung thư tử cung. Nó cũng được xem là “kẻ giết người thầm lặng” đối với phụ nữ vì các triệu chứng thường không rõ ràng và chỉ xuất hiện ở giai đoạn muộn.
Thống kê của Tổ chức Ung thư Toàn cầu GLOBOCAN cho thấy, có khoảng 1/3 số trường hợp được chẩn đoán khi bệnh đã quá muộn cho việc phẫu thuật. Vì vậy, việc phòng chống, phát hiện sớm là vô cùng quan trọng.
Chị em phụ nữ cần đi khám phụ khoa định kỳ để được thăm khám sàng lọc các bệnh lý ung thư nói chung và ung thư buồng trứng nói riêng. Khi có các triệu chứng như đã nêu ở trên hoặc các dấu hiệu bất thường khác cần đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.

Thúy Nga

>> xem thêm

Bình luận(0)