Là con út trong gia đình 4 anh em ở miền Tây, từ nhỏ, chị Trầm đã sống trong cảnh bạo hành gia đình. Mỗi lần bị chồng đánh, mẹ chị lại ôm con về nhà ngoại. Sau đó, bố chị hối hận, xin lỗi rồi đón vợ con về.
Năm chị Trầm học mẫu giáo, bố mẹ quyết định đường ai nấy đi sau chuỗi ngày dài những trận chửi bới, đánh đập… “Vì hoàn cảnh gia đình nên mình sớm tự lập, không có cảm giác tự ti, thay vào đó là tự tin có đủ năng lực để lo cho cuộc sống”, chị nói.
Người phụ nữ chia sẻ về những năm tháng bên cạnh người chồng vũ phu. Ảnh: Trần Tuyên
Năm 2019, trong lần đi tìm việc, chị quen biết người sau này là chồng chị. Hai người ban đầu sống chung, mãi tới năm ngoái mới đăng ký kết hôn. Từ ngày sống chung, chị thường xuyên hứng chịu bạo lực cả về vật chất lẫn tinh thần từ chồng.
Chị kể, anh ta ép chị quan hệ tình dục, ‘bắt’ về sống chung với mẹ chồng khi chị đang mang thai. Thời gian ở cữ chưa tròn tháng, người chồng đầu gối tay ấp đã đánh chị bầm mắt, đập vỡ điện thoại.
Chị Trầm chỉ là một trong số hàng trăm phụ nữ tìm đến Ngôi nhà bình yên tại Cần Thơ (thuộc Trung tâm vì sự phát triển phụ nữ đồng bằng sông Cửu Long, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) trong những năm qua.
Trong thời gian tạm lánh tại đây, chị Trầm được hỗ trợ tham vấn tâm lý, đồng thời hoạch định kế hoạch lâu dài cho cuộc sống sau này. Với chị, sắp tới, 2 mẹ con sẽ nương tựa vào nhau, sướng khổ cùng nhau miễn là thoát khỏi những tháng ngày bạo lực u ám.
Bà Ngô Thị Tuyết Em, Giám đốc trung tâm cho biết, đơn vị chính thức đi vào hoạt động từ năm 2018. Đây là nơi tiếp nhận phụ nữ, trẻ em là nạn nhân của bạo lực giới. Độ tuổi bình quân của thân chủ từ 25 - 35, trong đó lớn nhất là U60 và nhỏ nhất là trẻ sơ sinh.
Ngôi nhà bình yên - nơi tạm lánh an toàn, miễn phí tới 3 tháng đối với phụ nữ, trẻ em bị bạo lực gia đình, xâm hại tình dục và 6 tháng với phụ nữ, trẻ em bị mua bán. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp đặc biệt.
Bà Ngô Thị Tuyết Em, Giám đốc Trung tâm vì sự phát triển phụ nữ ĐBSCL. Ảnh: Trần Tuyên
Đó là hoàn cảnh của cô bé tên Hoa 14 tuổi (ngụ TP Cần Thơ) được người quen hứa hẹn trả công hậu hĩnh nếu kết hôn giả với một người đàn ông nước ngoài. Do thiếu hiểu biết và tin tưởng đồng hương, Hoa lọt vào tay những kẻ buôn người, bị bán cho người đàn ông bản địa.
Chung sống nơi xứ người 5 năm, Hoa sinh được 2 đứa con. Cuộc sống quẩn quanh ruộng vườn và có gia đình nhỏ nhưng em vẫn không nguôi nỗi nhớ người thân và quê hương.
Hoa may mắn được một tổ chức lên kế hoạch âm thầm giải cứu. Sau 2 ngày, 2 đêm di chuyển qua nhiều phương tiện, 3 mẹ con cuối cùng đã đặt chân đến khu vực biên giới và được bàn giao cho lực lượng biên phòng.
Nạn nhân bị xâm hại bởi chính cậu ruột, sinh con tại Ngôi nhà bình yên nhưng đứa trẻ đã tử vong sau 1 năm chăm sóc vì bệnh não úng thủy. Ảnh: Nhân vật cung cấp
“Tại Hà Nội, sau gần 1 tháng dưới sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, Hoa có giấy tờ tuỳ thân, nhưng 2 con vẫn mang quốc tịch nước ngoài. Thêm 12 tháng ở lại trung tâm, cô bé được hỗ trợ học nghề, kiếm việc làm nuôi 2 con”, bà Tuyết Em chia sẻ.
Theo bà Tuyết Em, phụ nữ khi bị bạo lực gia đình, có nguy cơ mất an toàn, cần thiết phải rời khỏi nhà, đến nhà tạm lánh nhằm đảm bảo tính mạng của bản thân và con cái trước khi giải quyết theo quy định của pháp luật.
Kết quả nghiên cứu quốc gia về bạo lực với phụ nữ tại Việt Nam năm 2019 do Bộ LĐ-TB&XH thực hiện cho thấy, hơn 60% phụ nữ từng trải qua một hoặc nhiều hình thức bạo lực về thể chất, tình dục, tinh thần và kinh tế, hay chịu hành vi kiểm soát của chồng trong đời.
Bạo lực là vấn đề còn ẩn khuất trong xã hội khi có hơn 90% nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới không tìm kiếm bất kỳ sự trợ giúp nào từ chính quyền, và một nửa trong số đó chưa từng kể với ai về tình trạng bị bạo lực của mình. Thiệt hại kinh tế do bạo lực đối với phụ nữ gây ra chiếm tới 1,81% GDP của cả nước.
* Tiêu đề bài viết đã được biên tập lại