Theo lời người nhà người bệnh, cách vào viện 3 ngày người bệnh có ăn tiết canh lợn, uống rượu nhiều ngày. Sau ăn, người bệnh mệt mỏi, xuất hiện mảng bầm tím vùng đùi trái và nhiều mảng bầm tím ở vùng ngực và được người nhà đưa vào Trung tâm Y tế huyện Thanh Sơn khám và điều trị.
Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết, các bác sĩ khoa khoa Cấp cứu, khoa Hồi sức tích cực - Chống độc chẩn đoán nhiễm liên cầu lợn - rối loạn chuyển hóa lipid- xơ gan/lạm dụng rượu. Sau 5 ngày điều trị, sức khỏe người bệnh ổn định.
Ảnh minh họa.
Theo BS CKI Mai Giang Nam – Trưởng khoa Cấp cứu, khoa Hồi sức tích cực - Chống độc cho biết, liên cầu khuẩn lợn là tác nhân gây bệnh (viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng huyết, viêm khớp ở lợn). Tuy nhiên vi khuẩn có thể cư trú ở đường hô hấp trên (mũi, họng), đường sinh dục và tiêu hóa của lợn khỏe mạnh.
Vi khuẩn liên cầu lợn lây từ lợn sang người thông qua tiếp xúc trực tiếp với lợn mang vi khuẩn (lợn lành, hoặc lợn bị bệnh) thông qua những vết thương nhỏ, hoặc trầy xước trên da trong quá trình giết mổ lợn, chế biến thịt lợn, hay ăn tiết canh, thịt lợn chưa chế biến kỹ.
Đặc biệt, tiết canh - món vạn người mê - tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm, nhiễm liên cầu rất lớn. Tiết canh chế biến từ máu sống cùng với những loại thịt, xương nên nhiều khả năng chứa vi khuẩn. Thời gian ủ bệnh khi nhiễm liên cầu khuẩn lợn là từ vài giờ đến 2-3 ngày hoặc có thể sau vài tuần.
Nhiễm trùng liên cầu khuẩn lợn mặc dù được điều trị, tỷ lệ tử vong chung cho các thể bệnh là 17%. Trường hợp bệnh nhân đã có biểu hiện sốc nhiễm khuẩn, tỷ lệ tử vong rất cao lên đến 60- 80%.
Bệnh này hiện chưa có vaccine điều trị. Vì vậy, để phòng bệnh, Trung tâm Y tế huyện Thanh Sơn khuyến cáo người dân không nên ăn tiết canh và các nội tạng động vật chưa được nấu chín; những người chăn nuôi, chế biến gia súc nên đeo găng tay và phương tiện phòng hộ khi tiếp xúc với thịt lợn tái, sống. Và khi có các triệu chứng của bệnh, cần đến ngay các cơ sở y tế để thăm khám, điều trị kịp thời.