Theo lời mẹ của bé kể, trước đó, cháu ngủ trưa ở sàn nhà, khi thức dậy than ngứa tai, không đau nhức, không sốt. Mẹ bé nhìn thì nghĩ là ráy tai. Đến chiều, bé cảm thấy khó chịu nhiều hơn trong tai nên mẹ bé đưa đến phòng khám đa khoa gần nhà thăm khám.
Tại đây, sau khi soi đèn, các bác sĩ phát hiện trong tai bé có một “vị khách” không mời mà đến. Đó là một con rết chui vào tai vẫn còn sống.
Ngay lập tức, bác sĩ điều trị đã tiến hành gắp dị vật ra. Rất may là “vị khách” này không “quậy phá” nên cháu bé chỉ cảm giác ngứa và hơi đau nếu không thì có thể bị tổn thương thủng màng nhĩ.
|
Con rết được các bác sĩ gắp ra.
|
Các bác sĩ chia sẻ, khi côn trùng bò vào tai mà không xử lý kịp sẽ gây đau nhức, trầy xước, rách da ống tai, nặng hơn thì gây sang chấn, thủng màng nhĩ. Trong trường hợp côn trùng bị chết ngạt ở trong tai, lâu ngày sẽ gây ung thối, mụn nhọt, viêm nhiễm... lúc này sẽ rất khó khăn trong điều trị.
Các bác sĩ khuyên người dân nên thường xuyên dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát để ngăn côn trùng vào trú ẩn trong nhà. Nên ngủ giường, không ngủ đất và không nên ăn uống để thức ăn vung vãi trên giường, nệm ngủ,... để tránh chiêu dụ côn trùng đến.
Nếu phát hiện tai có dị vật, không nên cố gắng dùng các dụng cụ thông thường để lấy dị vật ra vì có thể làm dị vật bị đẩy vào sâu hơn trong ống tai gây trầy xước, dẫn đến viêm nhiễm… Trong một số trường hợp, dị vật có thể tự rơi ra ngoài khi nghiêng đầu và kéo vành tai ra sau.
Đối với trường hợp dị vật là côn trùng, cần nhỏ nước muối sinh lý vào đầy tai để làm chết chúng trước khi đến cơ sở y tế để bác sĩ gắp ra đúng cách. Trường hợp lấy ra không được thì nên đi gặp bác sĩ chuyên khoa, không nên có biện pháp can thiệp sâu hơn gây tổn thương tai.