Tôi đang tham gia một nhóm thực hành ăn chế độ kiềm hóa do bạn bè giới thiệu khoảng một tháng nay. Chế độ này có hiệu quả với bệnh ung thư không thưa bác sĩ?
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện TP Thủ Đức (TP.HCM)
Chế độ ăn kiềm hóa là tên gọi chung của chế độ ăn có tính axit hoặc tính kiềm. Dựa trên việc quan sát thấy môi trường bên trong và xung quanh khối u thường có tính axit, người ta cho rằng kiềm hóa máu có thể ngăn khối u phát triển. Tuy nhiên, đây chỉ suy đoán. Đến nay, chưa có chứng cứ khoa học để khẳng định chế độ ăn kiềm hóa đẩy lùi bệnh ung thư.
Những người theo trường phái này tin rằng nếu ăn thực phẩm giàu kiềm như các loại hạt, rong biển, trái cây, rau củ quả, đồng thời tránh xa các thực phẩm sinh axit như thịt, cá, trứng, thức uống có cồn, sẽ giúp kiềm hóa máu.
Tuy nhiên, bạn cần nhớ rằng sự cân bằng kiềm toan trong cơ thể là một quá trình tinh vi và phức tạp. Độ pH của máu phải rất ổn định. Chỉ số này tăng hay hạ quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể, thậm chí khiến người bệnh tử vong.
Ngoài ra, chỉ số pH trong nước tiểu do thận điều tiết nhằm giữ pH trong máu ổn định. Vì vậy, người ta không thể đo độ pH của nước tiểu để suy luận ra độ pH của cơ thể.
Chế độ ăn kiềm hóa, nước ion hóa... không tác động đến pH trong máu và cũng không thể tác động đến khối u hay tế bào ung thư.
Tuy nhiên, việc ăn nhiều rau củ, trái cây, không sử dụng rượu bia là chế độ ăn lành mạnh với cơ thể. Tốt nhất, chúng ta nên duy trì chế độ ăn uống cân đối, đầy đủ chất, kết hợp với vận động thể thao phù hợp.