Trong đêm tân hôn, chị đã khóc rất nhiều và nỗi ám ảnh ấy cứ đeo đẳng suốt cuộc đời chị. Giờ đây, nguồn sống, điểm tựa duy nhất của chị là người con gái học giỏi, ngoan ngoãn...
Hôn nhân chóng vánh
|
Niềm vui và sự động viên lớn nhất lúc này của chị T là đứa con gái ngoan ngoãn, học giỏi. Ảnh: Đức Tùy |
Nhiều năm nay, người dân xã Tống Phan (huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên) đã quen với hình ảnh chị Trần Thị T (SN 1978) bị nhiễm HIV và con gái nhỏ sống trong ngôi nhà nằm nép mình giữa khoảng không sông nước. Có lẽ gần 10 năm qua, chị T không chỉ chịu nhiều khổ hạnh khi sống chung với căn bệnh thế kỷ, mà còn bị xa lánh của người đời. Cuộc sống càng khốn khó bao nhiêu thì chị càng khát khao được sống, làm việc để có kinh tế nuôi con bấy nhiêu.
Chị T cho biết: “ Ngày ấy, không hiểu tại sao tôi lại đồng ý lấy anh V.P.L (SN 1970) và bản thân tôi mắc phải căn bệnh này cũng là từ anh ấy. Nhưng dẫu sao, đó cũng là duyên phận vợ chồng và tôi không trách ai cả”. Là con út trong gia đình có 8 anh chị, chị T được bố mẹ cho ăn học đến nơi đến chốn. Tốt nghiệp THPT, chị ra TP Hạ Long (Quảng Ninh) bán hàng cùng vợ chồng anh trai.
Làm được bao nhiêu tiền, chị tích cóp một ít cho bản thân, phần lớn số tiền chị gửi về phụng dưỡng bố mẹ ở quê. Sống nơi đất khách quê người, chưa khi nào chị nghĩ mình sẽ lấy chồng sớm để ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, lấy nhau là do duyên phận chứ đâu phải gò ép và rồi mọi thứ cũng đến. “Dịp Tết năm 2006, trong lần về quê chơi thì được người nhà mai mối với anh L. Trước đây, gia đình anh ở cùng làng, nhưng sau đó chuyển ra TP Hải Phòng sinh sống. Không lâu sau lần gặp mặt ấy, tôi và anh L đã nên vợ thành chồng”, chị T tâm sự.
Cuộc hôn nhân chóng vánh khiến chị T chưa có nhiều thời gian tìm hiểu chồng cùng gia đình nhà chồng, trong khi anh L đã nghiện ma túy từ lâu và đúng ngày cưới, chị mới phát hiện ra sự thật đau lòng. “Lúc đi mời rượu khách trong lễ cưới, tôi thấy mọi người xì xào to nhỏ và tôi không tin chồng mình như thế. Đến khi mẹ chồng nói ra sự thật thì tôi như chết lặng”, chị T nghẹn ngào.
Để giúp chồng đoạn tuyệt với ma túy, chị và gia đình đã động viên anh L cai nghiện. Những lúc đó thì anh nghe lời, nhưng sau lưng lén lút dùng lại. Đến lúc này, chị quyết định chuyển nhà về quê ngoại để chồng tránh xa môi trường cũ với mục đích giúp chồng cai nghiện. Bao nhiêu số tiền tích cóp khi còn đi làm, chị mua căn nhà nhỏ ở quê sinh sống. Ngoài vài sào ruộng khoán, những lúc nông nhàn ai thuê gì chị làm đó, còn anh L đi làm thợ xây ở cạnh nhà. Tưởng chừng khi về môi trường mới và có việc làm sẽ làm cho chồng chị quên đi ma túy, nhưng không lâu sau, anh lại tái nghiện mà lần tái nghiện sau nặng hơn lần trước. Khi khuyên nhủ không thành, chị đành làm đơn li hôn. Khi đó, con gái V.T.N.T chưa đầy tuổi.
Ước mong con có bộ máy tính để học
Nhìn con gái đang mải miết học bài, chị T lại khóc. Chị cho biết, sau khi chia tay chồng, chị đưa con vào miền Nam lập nghiệp để quên đi những tháng ngày cơ cực và mong làm lại từ đầu. Ở nơi đất khách quê người, chị làm đủ mọi việc để kiếm sống. Sau mỗi ngày làm việc, chị thấy cơ thể có những dấu hiệu khác lạ, hay mệt mỏi và ốm vặt. Cùng thời điểm này, chị nhận được tin anh L qua đời vì AIDS và sau khi đi xét nghiệm, chị biết mình cũng bị lây nhiễm HIV từ chồng, nhưng may thay cháu N không nhiễm phải căn bệnh này.
Ôm con nhỏ trở về quê, chị không còn chỗ ở, vì mảnh đất và mọi tài sản đã bị người chồng cũ bán hết. Rồi tin chị T bị nhiễm HIV đã nhanh chóng lan truyền khắp làng trên xóm dưới, ai cũng xa lánh, thậm chí cả người thân, họ hàng. Nhiều lúc chị đã nghĩ đến cái chết để giải phóng bản thân. Nhưng nếu chị chết thì ai sẽ nuôi con đây, nghĩ vậy chị lại gắng gượng sống. Chị chia sẻ: “Có những lúc suy nghĩ nhiều, bệnh tật hành hạ, tôi tưởng mình chết rồi, đi được vài bước chân là kiệt sức. Nhưng nghĩ đến con, tôi phải sống để nuôi nấng nó đến hơi thở cuối cùng”.
Nhớ lại ngày con đi học, chị T kể: “Cháu N đến trường, nhiều phụ huynh đã phản đối không đồng ý cho cháu học cùng con họ vì sợ bị bệnh và lây bệnh. Lúc đó, tôi khổ tâm lắm, nhưng nếu không cho con đi học thì cháu thua thiệt, trong khi bản thân cháu không bị nhiễm virus HIV. Thậm chí, tôi giải thích thế nào, mọi người cũng không nghe. Đến khi, tôi mang giấy chứng nhận con tôi không bị bệnh thì mới được học”.
Cuộc sống cứ như vậy trôi đi. Hai mẹ con chị nương tựa vào nhau, dần dần mọi người cũng hiểu mọi chuyện và thương hai mẹ con chị hơn. Sau đó, chị được địa phương tạo điều kiện cho xây dựng một ngôi nhà nhỏ nằm trên phần đất của anh trai. Cùng thời gian đó, chị T tham gia Trung tâm Phòng chống HIV tỉnh Hưng Yên. Từ đây, chị được các bác sĩ tư vấn, được uống thuốc ngăn ngừa bệnh và giúp cho sức khỏe dần được cải thiện, có thể lao động trở lại. Đồng thời, biết cách để bảo vệ bản thân, bảo vệ cộng đồng xung quanh tránh lây nhiễm.
Cho chúng tôi xem bảng thành tích học tập của cháu N, chị T nghẹn ngào kể, biết hoàn cảnh khốn khó của gia đình và mẹ bị bệnh nên cháu N luôn có ý thức vươn lên trong học tập. Suốt 7 năm qua, cháu luôn là học sinh giỏi của trường và nhiều năm được gọi vào đội tuyển đi thi học sinh giỏi cấp huyện. Tuy nhiên, cũng chỉ vì khó khăn về kinh tế cho nên con chị phải lỗi hẹn. “Nhiều lần nhà trường đưa cháu N vào đội tuyển thi học sinh giỏi cấp huyện môn giải Toán trên mạng Internet, nhưng cháu không có máy tính để ôn luyện cho nên cháu không được vào. Lúc này, tôi chỉ mong có được bộ máy tính giúp cháu học và ôn thi được tốt”, chị T nghẹn ngào.