Những vết sẹo khắp thân thể của em bé 10 tuổi ấy đã ám ảnh tôi suốt đêm qua. Không ai có thể nghĩ, ngay giữa Thủ đô, ngay giữa nơi cuộc sống văn minh nhất lại có thể tồn tại một điều ngỡ như ở thời Trung cổ: bố và mẹ kế hành hạ con nhẫn tâm đến mức gãy cả xương sườn, rạn cả sọ não.
Ai nhìn vào hình hài của em bé ấy cũng có thể rơi nước mắt, bởi đó chỉ là một đứa trẻ. Và sau đó là sự căm phẫn đến nguyền rủa với người cha ruột của em và bà mẹ kế độc ác. Có lẽ trong suốt 2 năm qua, em đã phải sống trong căn nhà không khác gì địa ngục. Tuổi thơ của em, có lẽ đã in hằn những vết sẹo không thể phai mờ.
Không ủng hộ bạo lực hay nhà tù, nhưng lần này, chắc hẳn nhiều người cũng thốt lên một điều: "Chỉ mong hai kẻ độc ác kia nhận được một mình phạt thích đáng!". Sự vô tâm, thậm chí táng tận lương tâm của họ đã khiến cho cả xã hội lên cơn thịnh nộ. Chắc chắn những con người ấy sẽ phải đối diện với bản án cao nhất, đó là bản án lương tâm.
|
Cháu K. bị hành hạ chi chít vết thương trên cơ thể. |
Nhưng cuối cùng, đớn đau nhất vẫn là đứa trẻ… Cậu bé ấy mới chỉ 6 tuổi đã phải chứng kiến nỗi đau chia ly của bố mẹ. Em đã lớn lên khi không có đủ bố và mẹ ruột ở cạnh bên như bao bạn bè cùng trang lứa khác. Sự chia lìa của người lớn, người lớn đau một, thì những đứa trẻ tổn thương gấp 10. Vì hoàn cảnh, sẽ có những đứa trẻ phải xa mẹ hoặc xa bố, nhưng có lẽ, phụ nữ dù khổ đến đâu thì vẫn nên mang con theo mình.
Đàn bà ạ, dù mang theo một đứa con, có làm mình khó đến với người đàn ông khác, dù con cái có làm cuộc sống của mình chật vật hơn… Dù có nghèo đến mấy, có phải bán rau, ăn uống dè sẻn, có phải sống trong căn nhà trọ chật chội…thì vẫn phải nuôi con.
Đàn ông, dù có đã từng thương con đến mấy, khi đã tìm được hạnh phúc mới cũng sẽ có sự thay đổi. Khi ấy, mối quan tâm lớn nhất của họ sẽ không phải là con, mà họ còn gánh nặng của một gia đình mới, một người vợ mới yêu, mới cưới, thậm chí là cả những đứa con khác mới ra đời. Với đàn ông, bao giờ họ cũng có xu thể dồn sức xây đắp cái mới sau một lần đổ vỡ, và việc họ bất chợt lãng quên bổn phận của mình với đứa con đầu cũng không có gì là khó hiểu.
Trời sinh ra đàn ông bản tính đã vô tâm hơn phụ nữ. Họ còn bận rộn công việc, bù khú bạn bè… nên đôi khi mọi việc giao cả cho vợ mới, kể cả việc chăm con riêng của mình. Đứa trẻ nào may mắn, khi bố lấy được người vợ kế hiền hòa, có lẽ đời chúng chắc bình yên hơn. Tất nhiên, không phải mọi bà mẹ kế đều độc ác, nhẫn tâm như trong câu chuyện trên, nhưng những trường hợp tội nghiệp như thế không phải là không có…
Lại nói về phụ nữ sau ly hôn, chắc chắn rằng khổ hơn, vất vả hơn và bản thân họ đã trải qua sự tổn thương về mặt tinh thần một cách to lớn. Trong ly hôn, vấn đề khó giải quyết nhất vẫn là những đứa con và sự phối hợp nuôi dạy con cái. Nếu trường hợp nào sau ly hôn mà cha mẹ vẫn phối hợp nuôi dạy con cái tốt thì sẽ hạn chế phần nào sự ảnh hưởng của ly hôn. Còn khi mâu thuẫn của cha mẹ quá lớn, thì đứa con sẽ bị tổn thương rất nhiều, nhất là khi chúng còn quá bé.
Có nhiều người mẹ sợ khổ, sợ vất vả nên đùn đẩy cho chồng cũ nuôi con, nhưng chắc chắn, con nhỏ vẫn cần ở cạnh mẹ nhất. Mẹ là người nhạy cảm, biết khi nào con ốm, biết khi nào con đau, biết những thay đổi trong tâm lý của con, biết cho con ăn mặc gọn gàng, biết tâm sự lắng nghe con nhiều hơn… Cũng có người mẹ dành quyền nuôi con nhưng phó mặc cả cho ông bà ngoại. Liệu họ có thể hưởng niềm hạnh phúc riêng một mình?
Đàn bà ạ! Làm mẹ là một bản năng. Có con bên mình cũng là một hạnh phúc của đàn bà sau ly hôn.. Hãy nghĩ về tương lai của con, để đừng quên sứ mệnh cao cả ấy!