Tôi yêu Tấn được gần 1 năm và chúng tôi dự định sẽ làm đám cưới trong thời gian tới. Về điều kiện nhà chồng tương lai, bố mẹ Tấn đều là viên chức, nhà cửa khang trang, cuộc sống khá giả. Nếu lấy anh, tôi sẽ không phải lo khoản nhà cửa, xe cộ đi lại. Vì Tấn là con một, mọi thứ của bố mẹ sau đều sẽ là của anh.
Khi hẹn hò với Tấn, tôi cũng được biết thêm một vài người bạn của anh. Trong đó có 1 chị vừa là hàng xóm, vừa là bạn học cùng lớp với anh.
Một lần 2 chị em ngồi ăn cùng nhau, chị ấy khẽ thủ thỉ vào tai tôi: "Mẹ Tấn ghê lắm đấy, tiết kiệm có tiếng ở ngõ nhà chị. Mai mốt về ra mắt thì liệu mà cư xử nhé. Đừng để bác ấy thấy mình tiêu tiền theo cách của mình, sẽ sinh chuyện đấy".
Được chị ấy nhắc nhở thế, tôi có phần chột dạ nhưng khi hỏi Tấn, anh chỉ cười: "Mẹ anh già rồi. Ngày xưa vất vả nuôi anh ăn học thì tiết kiệm tí cũng là đương nhiên. Không tiết kiệm sao được cái cơ ngơi như bây giờ?".
Hôm về ra mắt nhà Tấn, tôi cảm nhận bác gái cũng là người dễ gần, không quá khó tính như lời chị bạn của Tấn nói. Bác có hỏi tôi hơi kỹ một chút về công việc và đồng lương nhưng tôi nghĩ điều đó cũng là bình thường, bởi người ta cũng cần tìm hiểu mình thế nào chứ.
Tuy nhiên đến lúc làm cơm thì tôi vỡ mộng. Hôm đó nhà Tấn mời cả họ hàng đến chơi, tổng cộng phải làm 3 mâm cơm. Tôi biết ý cũng xuống bếp giúp một tay một chân. Nhà Tấn như muốn thử tôi hay sao đó mà để cho tôi gần như một mình "đạo diễn" tất cả 3 mâm cỗ.
Đã thế mẹ Tấn còn mua thực phẩm rõ ít. Để làm 3 mâm cơm nhìn đầy đặn thì phải cực kỳ khéo. Cũng may, ở nhà tôi được mẹ chỉ bảo khá nhiều khoản bếp núc nên dù có hơi khó khăn nhưng tôi vẫn vượt qua bài kiểm tra thành công.
Khi tôi gần sắp xong 3 mâm cơm, mẹ chồng tương lai có xuống bếp để liếc qua. Thấy tôi nấu ăn ngon, bày biện đâu ra đó, bà mỉm cười có phần hài lòng. Mẹ chồng tương lai bảo mấy đứa em vào bê hộ tôi lên nhà trên, còn tôi ở bếp bổ đĩa hoa quả cho cả nhà tráng miệng.
Khi vừa mở tủ ra, đập vào mắt tôi là miếng chanh đã bỏ vào từ bao giờ, co quắt, thâm đen, thậm chí có phần hơi bị thối. Tôi đoán nửa quả chanh này cũng phải cắt ra nhiều hôm rồi. Nhìn nó vậy, tôi chẳng nghĩ nhiều mà nhặt ra rồi thẳng tay ném cái vèo vào thùng rác cách đó mấy bước chân.
Ngay khi miếng chanh nằm trong túi rác, tôi giật thót mình vì tiếng hét của mẹ Tấn: "Ối giời ơi, sao lại ném miếng chanh ấy đi?"
Tôi vô tư đáp lại: "Cháu thấy miếng chanh ấy cắt ra lâu ngày rồi và có phần bị thối nữa..."
Vậy nhưng mẹ chồng tương lai không để tôi nói nốt, bà mắng sa sả: "Miếng chanh đó vẫn dùng tốt, việc gì cháu ném nó đi? Bác vừa mới cắt hôm qua, bỏ tủ lạnh sao mà hỏng được. Cháu lãng phí như thế mai này sao vun vén tốt cho cuộc sống gia đình? Hôm nay là miếng chanh, mai là cái bánh, miếng thịt,... rồi những thứ to tát hơn thì sao? Tuổi trẻ các cháu cậy có sức khỏe, cậy mình làm ra tiền thì vung của cải ra cửa sổ không biết tiếc. Không phải bác tiếc miếng chanh nhưng từ những hành động nhỏ có thể đánh giá được tính cách, thái độ của 1 con người đó".
|
Ảnh minh hoạ |
Tôi sốc vì những lời bác ấy mắng mình. Chỉ là một miếng chanh thối thôi mà? Tấn và mọi người cũng chạy vào bếp xem có chuyện gì.
Khi tôi kể sự việc ra, Tấn chẳng những không bênh vực tôi lại còn thêm dầu vào lửa: "Mẹ anh nói đúng đó. Miếng chanh không ăn thì cứ để đó cũng thơm tủ. Em nên xin lỗi mẹ một câu rồi ra ngoài ăn cơm đi. Mọi người đợi em từ sáng đến giờ".
Nghe xong lời Tấn, tôi chỉ muốn về ngay. Từ sáng đến trưa tôi lọ mọ làm cơm, chẳng có ai hộ hành, ấy thế mà anh lại trách tôi để cả nhà chờ? Hơn thế nữa vì miếng chanh mà cả nhà anh đánh giá tôi hoang phí, tiêu tiền không biết nghĩ...
Sau bữa cơm tôi xin phép về ngay. Đến nhà thì tôi nhắn tin chia tay Tấn. Anh ấy mắng tôi trẻ con.
Thực sự chuyện hủy hôn chỉ vì miếng chanh nghe quá vớ vẩn, nhưng thái độ của mẹ chồng như thế e rằng mai này tôi khó mà sống được. Hiện tại, bố mẹ đã đồng ý cho tôi chia tay và tôi không cảm thấy hối hận về hành động của mình.