Cuối tuần trước ở quê có giỗ nên cả nhà tôi đều về, lúc đầu mọi thứ đều rất suôn sẻ cho tới khi bác dâu cả có nói tôi vào nấu canh cá hộ bác.
Dù không phải là người quá giỏi bếp núc nhưng nấu ăn cũng tạm được nên tôi không ngại vào giúp. Canh cá thì nấu cũng đơn giản, không quá khó nên tôi hồn nhiên nấu canh cá như cách mà thường ngày vẫn làm.
Vì cá khá tanh nên tôi chọn rán sơ rồi mới cho vào nấu và đặc biệt là thêm 1 thìa rượu gạo. Loại đồ uống này vừa giúp canh thơm hơn lại khử tanh rất tốt.
Trong lúc tôi đang thêm rượu gạo vào nồi canh thì mẹ chồng bất ngờ từ đâu đi tới. Vậy là giữa bao nhiêu con cháu, dâu rể làm bếp, bà chỉ mặt tôi mắng xơi xơi.
Bà nói: “Chỉ cái loại nhà quê mới rán cá lên rồi nấu canh cá thế này. Còn nữa, ai cho cô bỏ rượu vào canh, cô định hại cả nhà tôi à, mùi thì nồng ai ăn cho nổi. Thật đúng là không được nước non gì, đổ ngay đi”.
Thấy mẹ chồng tôi mắng như thế, các bác lớn tuổi ở bên cạnh cũng xúm vào góp vui.
Họ nói chẳng ai cho rượu khi nấu canh cả, làm phí mất con cá trắm ngon.
Trước những lời mắng mỏ vô lý của mẹ chồng, tôi khóc nghẹn nhưng vẫn cố giải thích thế mà bà không chịu nghe. Cho đến bây giờ tôi vẫn không hiểu tại sao mẹ chồng lại phải làm ra chuyện khiến tôi bẽ mặt đến như vậy. Thậm chí bà còn chưa ăn thử phần canh tôi nấu thì biết ngon dở thế nào mà phán xét.
Thấy tôi “thân cô thế cô”, em dâu vào động viên rồi giúp tôi nấu nốt nồi canh còn dở. Sau khi xong việc tôi cũng xin phép không ăn cơm rồi ra ô tô ngồi chờ chồng con ăn xong và cả nhà về lại thành phố.
Tôi nấu canh cá như thế là sai? Giả dụ tôi có sai thì chẳng phải mẹ chồng nên gọi tôi ra và chỉ bảo riêng hay sao?
Theo các đầu bếp lâu năm, việc cho rượu gạo vào canh cá là hoàn toàn đúng. Khi nấu canh cá để khử mùi tanh thì có 3 loại gia vị bạn không thể bỏ qua đó là: Rượu gạo, hành lá, gừng tươi.
1. Dùng gừng
Gừng sẽ giúp canh cá thơm ngon, khử tanh hiệu quả nhưng thời điểm nào cho gừng mới là mấu chốt. Bạn nên cho gừng khi canh cá sắp chín. Vì nếu cho gừng từ đầu thì sẽ làm giảm tác dụng khử tanh.
2. Thêm hành lá
Hành lá sẽ làm tăng mùi thơm của món ăn. Bạn nên cắt hành từng khúc dài chừng 1 - 2 lóng tay. Chẻ đôi phần gốc trắng của hành ra cho dễ chín. Khi chuẩn bị tắt bếp thì mới cho hành vào như thế vừa giúp canh thơm ngon lại giữ được độ tươi, vị ngọt của loại rau gia vị này.
3. Dùng rượu gạo
Có thể bạn đã biết, rượu gạo có tác dụng khử tanh rất tốt. Bạn đừng lo món ăn bị ám mùi rượu bởi dưới tác động của nhiệt độ rượu sẽ bay mùi rất nhanh. Nếu sợ mùi rượu vẫn còn thì chỉ cần đun lâu hơn 1 chút là được.
Ngoài 3 loại gia vị trên, khi nấu canh cá việc sử dụng nước cũng rất quan trọng. Bạn nên cho cá vào từ nước lạnh sau đó vặn lửa lớn và đun. Nếu cho nước sôi vào cá sẽ khiến thịt cá bị “chín ép”, nước canh trở nên nhạt và không ngon.
Trong khi đó, đun cá từ nước lạnh sẽ khiến cá có thời gian chín từ trong ra ngoài, tiết ra vị ngọt. Đun cá với ngọn lửa lớn sẽ rút ngắn thời gian chế biến, giữ thịt cá ngọt và không bị dai, bã.
Nhiều chị em lo lắng thịt cá bị tanh nếu cho nước lạnh thì bạn có thể rán cá trước rồi mới đem đi nấu canh cá. Cách làm này sẽ giúp thịt cá săn chắc, khử được mùi tanh. Tuy nhiên, canh cá sẽ có nhiều dầu mỡ hơn, nước canh không giữ được vị ngọt thanh mà xen lẫn cả vị béo ngậy.