Những loại mụn thường gặp như trứng cá, mụn bọc, đầu đen,… khiến bạn vô cùng khó chịu. Nó sưng tấy, gây ngứa ngáy, mất thẩm mỹ vô cùng cho chủ nhân sở hữu chúng.
Tuy nhiên, nặn mụn một cách an toàn không phải ai cũng làm đúng. Đặc biệt, ít ai biết rằng, những chiếc mụn có thể là cửa ngõ đưa các loại vi khuẩn xâm lấn vào đường huyết từ đó gây nhiễm trùng huyết dẫn đến nguy cơ tử vong một cách không ngờ.
|
Thói quen sai lầm trong nặn mụn có thể khiến nhiều người bỏ mạng. Ảnh minh họa |
Bác sĩ Nguyễn Văn Thường, bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết: “Nguyên nhân gây mụn mủ 90% là do vi khuẩn tụ cầu, tụ cầu là môt trực khuẩn gram (+) có động lực rất mạnh. Nếu mụn mủ (viêm da do tụ cầu) này khi vỡ tràn vào gây nhiễm trùng huyết là bệnh lý rất nặng hoàn toàn có thể gây tử vong, thậm chí tử vong rất dễ dàng. Vi khuẩn xâm lấn gây nhiễm đường huyết, dẫn đến bệnh nhân sốc do nội độc tố của vi khuẩn.
Vùng mặt, đặc biệt là vùng xung quanh miệng có một vài tĩnh mạch xoang hang, vi khuẩn cực kỳ dễ xâm lấn. Các mụn xung quanh miệng thường được dân gian gọi là “đinh râu”. Từ một cái mụn nhọt, vi khuẩn vào trong máu gây nhiễm trùng huyết sản sinh nội độc tố khiến sốc nhiễm khuẩn dẫn đến tử vong hoặc có điều trị cũng rất khó khăn”.
Bác sĩ Thường chia sẻ, bản thân bác sĩ cũng từng gặp trường hợp một bệnh nhân nữ 13 tuổi xuất hiện mụn ở ngực, tự nặn sau đó bị áp xe, sốc nhiễm khuẩn dẫn đến tử vong.
Bác sĩ Thường nhấn mạnh: “Nặn mụn phải đảm bảo vô trùng, thứ hai là phải làm mủ rồi như dân gian hay nói là mủ trắng đầu, xung quanh bớt đỏ. Bớt đỏ vì khi đó hệ thống miễn dịch của cơ thể con người đã hoạt động, các kháng thể tập trung khu trú vi khuẩn lại mới chích nặn. Còn lại mụn mủ chưa trắng, vùng xung quanh còn đỏ tức là cơ thể chưa sản sinh được kháng thể, vi khuẩn chưa được bao vây.
Tay, chân chưa được vô trùng, ngoài vi khuẩn cũ ở mụn, vi khuẩn mới xâm nhập vào gây bội nhiễm, nguy cơ vi khuẩn xâm nhập vào máu dẫn đến nhiễm trùng huyết cao. Nguy cơ tử vong với bệnh nhân vì thế cũng tăng lên”.
Các bác sĩ khuyến cáo, để tránh bị mụn, mọi người cần duy trì thói quen rửa mặt đều đặn vào mỗi buổi sáng và buổi tối trước khi đi ngủ, để loại trừ những bụi bẩn và chất nhờn bám trên da, giúp cho các lỗ chân lông được thông thoáng. Khi lựa chọn sữa rửa mặt, người dùng nên chọn loại sữa rửa mặt có khả năng loại trừ chất nhờn trên da hữu hiệu, bởi lẽ chất nhờn chính là "thủ phạm" gây nên mụn trên da.
Ngoài ra, nếu muốn sử dụng thuốc chữa mụn, người mua hàng không nên tự ý mua thuốc trị mụn về sử dụng, mà thay vào đó hãy đến gặp các bác sĩ chuyên khoa da liễu để được thăm khám và kê đơn thuốc điều trị hiệu quả. Tránh việc tự nặn mụn, tự mua thuốc về sử dụng, bởi nếu thiếu sự hiểu biết không những không giúp việc trị hiệu quả mà còn khiến cho tình trạng trở nên tồi tệ hơn rất nhiều.
Khi mới phát hiện vết sưng đỏ, chưa có mủ cần dùng bông chấm cồn iốt 1-3% lên chỗ sưng nhiều lần trong ngày. Trong trường hợp mụn sưng to, kèm theo nóng, đỏ và đau nhức, mệt mỏi, sốt li bì, người bệnh nên đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.