Tại buổi làm việc của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ với Bộ Y tế về BHYT và giá dịch vụ y tế chiều qua, ông Phạm Lương Sơn, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam chỉ ra nhiều điểm bất cập về giá vật tư y tế, khi cùng một loại nhưng giá chênh nhau quá nhiều.
BHXH đề nghị tổ chức đấu thầu vật tư, trang thiết bị y tế tập trung cấp quốc gia ngay trong năm nay, tập trung vào 6 nhóm sử dụng nhiều và giá trị thanh toán lớn.
|
Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn |
Nhóm 1: Thủy tinh thể nhân tạo các loại. Trong năm 2017, quỹ BHYT thanh toán gần 300.000 thủy tinh thể với giá trị gần 900 tỉ đồng.
Tuy nhiên BHYT cho rằng, dải giá rất rộng, từ 200.000 đồng nhân cứng lên 28 triệu đồng nhân mềm. Do đó cần chia nhỏ dải giá theo nhóm tiêu chí kĩ thuật.
Nhóm 2: Stent động mạch vành. Năm qua, quỹ BHYT thanh toán hơn 29.500 stent với giá trị gần 1.100 tỉ đồng. Mức giá dao động từ 12-60 triệu đồng, chưa kể stent sinh học có giá trên 200 triệu/cái.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cắt ngang: “Cái này phải chứng minh 1 stent như nhau nhưng giá khác nhau thế nào, còn dải giá khác nhau với nhiều loại stent khác nhau là chuyện bình thường. Nói cho chính xác, không truyền thông, dư luận hiểu sai”.
Ông Sơn nêu dẫn chứng, một loại stent mạch vành của Đức, giá tại một BV ở Thanh Hoá là hơn 58 triệu đồng, giá tại BV đa khoa Thống Nhất (Đồng Nai) là 38,5 triệu đòng, trong khi tại BV đa khoa tỉnh Bắc Giang chỉ 29,4 triệu đồng.
Nhóm 3: Khớp nhân tạo: Số lượng thanh toán năm 2017 là hơn 16.000 cái với tổng giá trị 541 tỉ đồng.
Trong đó dù ổ khớp cùng loại nhưng giá tại Phú Thọ là 58 triệu đồng, tại Thanh Hoá là 38 triệu đồng.
Nhóm 4: Kim luồn tĩnh mạch: Năm qua, quỹ thanh toán gần 15 triệu chiếc, tổng chi trên 156 tỉ đồng.
Nhóm 5: Đinh nẹp vít, ốc vít: Số lượng sử dụng rất lớn, gần 813.000 cái, tương đương 952 tỉ đồng.
Nhóm 6: Bóng nong: Quỹ BHYT thanh toán hơn 40.000 cái, tổng giá trị trên 294 tỉ đồng.
Cần tránh nền y tế giá rẻ
Với tư cách là chuyên gia nhiều chục năm trong ngành, ông Nguyễn Xuân Hiệp, Giám đốc BV Mắt TƯ giải thích, hiện có quá nhiều nhà cung cấp thủy tinh thể đến từ nhiều quốc gia.
Ngay cùng một nước cũng có nhiều tiêu chí khác nhau, trong mỗi nước lại có nhiều hãng, chưa kể các hãng còn liên doanh với các nước khác... nên kiểm soát về giá và chất lượng rất khó.
|
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo, trong đấu thầu trang thiết bị y tế, không thể vì giá mà hy sinh quyền lợi của người bệnh |
“Làm chuyên môn mấy chục năm trong ngành thì mình biết, có những hãng lớn, họ đầu tư rất nhiều vào công nghệ nên giá cao. Cũng tại nước đó, nhiều hãng ít tên tuổi hơn lại có tiêu chí khác. Giờ thêm nhiều hãng ở Hàn Quốc, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ... cùng vào, khi đấu thầu không cẩn thận dễ vi phạm pháp luật”, ông Hiệp nói.
Giám đốc BV Mắt TƯ chia sẻ thêm, giám đốc các BV rất muốn làm đúng, có văn bản quy phạm rõ ràng để thực hiện nhưng thực tế vẫn chưa có nên rất khó khăn. Nếu theo quy chế đấu thầu, lấy theo giá thấp nhất trong tình trạng nhiều nhà cung cấp mới như hiện nay, e không đảm bảo chất lượng.
Đồng thuận, ông Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế cho rằng, thuốc kém chất lượng có thể điều chỉnh đổi thuốc, nhưng nếu vật tư tiêu hao cấy vào người rất khó mổ ra.
“Cái này phải cân nhắc, lựa chọn giữa tiêu chí kĩ thuật với giá sao cho phù hợp để tránh nền y tế giá rẻ”, ông Tuấn nói.
Kết luận, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ lưu ý, đừng cầu toàn trong đấu thầu trang thiết bị, ngay năm nay cố gắng thí điểm trong phạm vi các BV trực thuộc Bộ Y tế trước.
“Tinh thần là công khai, minh bạch, chất lượng phải đặt trên hàng đầu, đảm bảo tính cạnh tranh về giá. Không thể vì giá mà hy sinh quyền lợi của người bệnh”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.