Ngôi nhà của người đàn ông có biệt danh Sỹ “lùn” nằm ngay cạnh nhà thờ giáo xứ Nam Dương (huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định). Anh tên là Bùi Minh Pha (SN 1985) – một thợ sửa chữa máy tính nổi tiếng ở địa phương.
|
Anh Bùi Minh Pha đang sửa chữa máy tính cho khách. Ảnh: T.G |
Ngược dòng thời gian, anh Pha trầm lắng kể về tuổi thơ của mình. Năm 5 tuổi, trong một lần ngã xe nhẹ nhưng anh lại bị gãy chân. Ngay sau đó, bố mẹ đưa anh đi bó bột. Thế nhưng chỉ một ngày sau khi tháo bột, anh lại tiếp tục bị ngã và gãy xương. “Sau này đi bệnh viện khám, các bác sĩ thông báo là tôi bị mắc bệnh xương thuỷ tinh. Chứng bệnh khiến xương của tôi có thể bị gãy bất cứ lúc nào nếu bị tác động dù lực rất nhỏ”, anh Pha nhớ lại.
Tuổi thơ của anh là những giọt nước mắt đau đớn kéo dài khi hết lần này đến lần khác bị gãy xương. Anh không thể nhớ được biết bao nhiêu chiếc đinh đã được đóng vào chân mình để nẹp xương. Quãng thời gian được cùng chúng bạn vui đùa, chạy nhảy dần trở nên hiếm hoi, thay vào đó là chuỗi ngày dài nằm bất động trên giường. “Có khi một năm tôi bị gãy xương đến 2-3 lần, số lần bó bột đến nay cũng phải 30 lần. Đến giờ, đôi chân tôi bị teo và ngắn lại thế này đây”, vừa nói, anh Pha vừa chỉ vào đôi chân của mình.
Những ngày đầu vào cấp 1, anh liên tục phải nghỉ học dài ngày để ở nhà bó bột chân. Lo lắng, mẹ anh xin nhà trường cho anh nghỉ hẳn ở nhà và tự dạy học cho con. Đến năm lớp 7, thấy con mình quá khao khát đến trường, mẹ anh phải chiều theo ý con. “Nhờ có kiến thức của mẹ chỉ bảo, tôi quyết tâm học và nhanh chóng theo kịp các bạn trong lớp. Thấy vậy, mẹ tôi mừng lắm”, anh Pha xúc động.
Hồi đó, những ngày đến trường là chặng đường đầy gian nan vất vả đối với chàng trai “ngắn chân”. Con đường từ nhà đến trường THCS Nam Dương chỉ hơn 1 cây số, nhưng với anh Pha là một quãng đường cực dài. Mỗi ngày, anh chậm chạp trên chiếc xe lăn. Lúc đến lớp, áo anh ướt sũng mồ hôi, đôi vai thì mỏi nhừ vì lăn bánh xe.
Thế nhưng, sau đó anh cũng nhận được sự động viên, giúp đỡ của rất nhiều bạn bè khi đến trường. “Có những người bạn hàng ngày thay nhau đến tận nhà đẩy xe giúp tôi tới trường. Có thầy giáo cấp 3 đã đề nghị với nhà trường đặc cách cho riêng lớp tôi được học tại tầng 1 suốt 3 năm trung học phổ thông để tôi không phải lên xuống những bậc thang khấp khểnh. Tôi nhớ nụ cười của mẹ khi nhận thành tích học tập tốt của con…”, anh Pha nghẹn lời.
Tốt nghiệp THPT, anh thi đỗ vào khoa Công nghệ thông tin - Trường đại học Công nghiệp Hà Nội. Quá trình học tập xa nhà, cũng là quãng thời gian khó khăn và vất vả với anh khi phải sống tự lập. Thương mẹ già vất vả, anh cũng cố gắng tìm công việc làm thêm để đỡ một phần kinh phí học tập cho gia đình. Hồ sơ anh gửi đi rất nhiều nhưng không mấy công ty chấp nhận vì họ e ngại về sức khoẻ của anh. Cuối cùng, anh cũng được một công ty về quản trị Webside tiếp nhận.
“Những tháng ngày đi làm tôi sợ nhất là việc leo lên xe bus để tới chỗ làm vì bậc bước lên xe rất cao, đôi chân của mình lại ngắn, hơn nữa là đi xe bus thường đông người. Quãng đường từ trạm xe bus vào công ty phải dài đến hàng trăm mét, chưa kể việc mình phải leo bộ đến 6 tầng. Việc đi lại đã khó mà phải vác thêm một đồ vật dù nhẹ như chiếc máy tính tầm 2-3kg nhưng với tôi cũng là một cực hình”, anh Pha tâm sự.
Tháng 8/2009, tốt nghiệp đại học ra trường với muôn vàn khó khăn trước mắt. Với số vốn ít ỏi có được, anh quyết định đem những kiến thức mà mình được học trên giảng đường về quê mở quán sửa chữa, lắp đặt, bán lẻ linh kiện và thiết bị tin học.
Hiện nay, cửa hàng của anh được rất nhiều người làng và trong xã biết đến. Anh mong muốn, với thực lực và uy tín đã gây dựng trong nhiều năm qua, quán của anh sẽ phát triển với quy mô lớn hơn. Anh quyết định sẽ không chỉ là người cung cấp các thiết bị, linh kiện và sửa chữa, lắp ráp máy tính quy mô nhỏ lẻ mà sẽ mở rộng thị trường ra các cơ quan, công ty và các nhà trường lân cận…
Chuyện tình đẹp như đêm rằm
Ngày anh Pha khai trương cửa hàng cũng là ngày đặc biệt nhất trong cuộc đời anh. Tại đây, anh gặp mối tình “sét đánh” với một cô gái bán hàng rong. Cô đến với anh nhẹ nhàng như duyên định. Người phụ nữ ấy là Mai Thị Lý (SN 1981) hơn anh bốn tuổi. Mồ côi cha từ bé, gia đình đông anh em, chị Lý đã phải cùng mẹ chăm lo cuộc sống gia đình. Khâm phục và cảm thương trước một cô gái nhỏ nhắn nhưng đã sớm phải tảo tần để phụ giúp gia đình, anh đưa câu hỏi bâng quơ muốn cùng chị san sẻ nỗi vất vả. Và rồi tự bao giờ, họ dành tình cảm cho nhau.
Nhà anh Sỹ, chị Lý cách nhau 7 cây số. Anh nhớ những ngày lái xe lăn qua nhà chị trên con đường đất nhỏ hẹp chỉ vừa một đường xe lăn, chẳng may lảng tay lái đi một chút thôi là có thể cả người cả xe lao xuống ruộng, hoặc xuống sông. Ấy vậy mà anh vẫn sang thăm người yêu đều đặn.
Sau một thời gian tìm hiểu, chị cũng chủ động đến quán của anh dọn dẹp, nấu cơm và chăm sóc cho anh. Có lẽ một người sớm mất mát về mặt tình cảm, một người có khuyết điểm về thể xác khiến họ có sự chia sẻ, đồng cảm nhiều hơn. Một đám cưới nhỏ được diễn ra với vô vàn lời chúc phúc từ hai bên gia đình và bà con lối xóm.
Nói về người phụ nữ của đời mình, anh Pha tâm sự: “Cô ấy là một người phụ nữ hiền lành, tâm lý, hết mực yêu thương chồng con. Ngay từ khi quen nhau, dù biết bệnh tình của tôi như thế và con cái có khả năng di truyền bệnh rất cao nhưng cô ấy vẫn chấp nhận chia ngọt, sẻ bùi”.
“Hàng ngày ngoài việc chăm lo cho gia đình, cô ấy cũng giúp cho tôi được rất nhiều trong công việc. Tôi thường trêu cô ấy là: “Nhân viên lắp ráp, giao vận cấp cao”. Những vấn đề về máy tính đơn giản khi được tôi hướng dẫn, cô ấy tiếp thu và làm được khá nhanh khiến tôi ngỡ ngàng”, anh cười hiền hòa.
Niềm hạnh phúc của đôi vợ chồng được nhân lên khi chị Lý sinh hạ một bé trai kháu khỉnh. Cháu tên là Bùi Xuân Phúc, năm nay lên 4 tuổi. Nhìn bé Phúc tíu tít bên mình, người cha hiền lành chia sẻ: “Mỗi lúc mệt mỏi nghe thầy tiếng cười đùa của vợ con, tôi lại có thêm động lực trong cuộc sống”.
Con trai 4 tuổi, 5 lần bị gãy xương chân
Xen kẽ với niềm vui dạt dào cũng là nỗi lo lắng không yên của vợ chồng anh Sỹ - chị Lý. Cháu Bùi Xuân Phúc mới lên 4 tuổi nhưng cũng bị tới 5 lần gãy xương chân. Gần đây, anh chị liên tục đưa con lên một bệnh viện trên Hà Nội để truyền canxi cho con giúp giảm nhẹ những sang chấn khi bị tác động ngoại lực.
“Tôi vì lý do sức khoẻ nên không thể đưa con lên Hà Nội truyền canxi được. Chỉ có mình mẹ cháu bế cháu lên trên đó. Vì tuổi thơ của tôi luôn bị gò bó bởi lý do sức khoẻ, nên tôi rất thích được đi du lịch đây đó để học hỏi và khám phá những điều hay, mới lạ. Tôi mong con tôi sẽ lớn lên khoẻ mạnh, được học hỏi và đi đến nhiều nơi, thay cho tôi thực hiện ước mơ của đời mình”, anh Pha tâm sự.
>>> Mời quý độc giả xem video Người đàn ông tuyển vợ kỳ lạ (nguồn VTC):