Các dữ liệu trên dựa vào phân tích của Viện Nghiên cứu Millennium Cohort Study. Người ta theo dõi cuộc sống của 13.000 cặp vợ chồng, bắt đầu từ chín tháng sau khi họ sinh con. Sau đó, họ sẽ được phỏng vấn thêm một lần nữa khi đứa con của họ mười bốn tuổi.
Kết quả cho thấy, nếu người mẹ hạnh phúc thì đứa con sẽ ít khả năng có các vấn đề về tâm thần. Người mẹ hạnh phúc cũng có nhiều cơ hội gần gũi với con gái khi chúng bước vào tuổi vị thành niên, và họ cũng có mối quan hệ bền chặt với người bạn đời hơn. Trong khi đó, một người cha hạnh phúc hầu như không có ảnh hưởng gì đến sức khỏe tinh thần của con.
|
Ảnh minh họa |
Paul Coleridge, người sáng lập tổ chức Marriage Foundation, cũng là người đứng đầu cuộc nghiên cứu liên kết với Trường đại học Lincoln, chia sẻ: “Mặc dù có nhiều thay đổi xã hội trong vòng năm mươi năm qua, dù thích hay không thích, nguyên liệu để tạo nên một tổ ấm bền vững vẫn là sự hiện diện của người mẹ”.
Ngài Coleridge, cựu thẩm phán tòa án tối cao, chuyên về các vấn đề gia đình nói thêm, sự nghiệp riêng của ông cũng phản ánh phần nào sự thành công của mỗi người, có sự đóng góp to lớn từ sự thành công của gia đình, mà nguyên nhân chính là hình ảnh và quyền lực của người mẹ.
Mặc dù hàng triệu phái mạnh đã ngày càng ảnh hưởng đến cuộc sống của con cái - đặc biệt là khi so với thế hệ ông cha của họ, những người ít khi hiện diện vào thời điểm con cái ra đời - nghiên cứu chỉ ra rằng phụ nữ vẫn là trung tâm tình cảm và sức mạnh của gia đình.
Harry Benson, Giám đốc nghiên cứu của Marriage Foundation, nói: “Hạnh phúc của phụ nữ quan trọng hơn hạnh phúc của nam giới trong vai trò xây dựng sự bền vững của gia đình”.
Với những nhà hoạt động nữ quyền, các câu nói như “vợ hạnh phúc, gia đình ấm êm”, hay “vợ là bà chủ”, lại là cách nói hạ thấp phụ nữ, bởi nó ám chỉ nếu các ông chồng không tham khảo ý kiến của vợ hay bạn gái, họ sẽ bị cằn nhằn hay chỉ trích. Nhưng Benson lại cho rằng khi sự chú ý của người mẹ chuyển sang đứa con mới ra đời, đó là lúc người cha phải đảm nhiệm trách nhiệm duy trì sự bền vững của mối quan hệ trong gia đình.
Một tài liệu khác được đăng trên tạp chí Journal of Marriage and Family (tạp chí hôn nhân và gia đình) cho biết, khi đàn ông không cảm thấy hạnh phúc với cuộc hôn nhân của họ, thì họ vẫn hài lòng với cuộc sống nói chung, miễn là vợ của họ vui vẻ hạnh phúc.
“Niềm hạnh phúc của người vợ trong một cuộc hôn nhân có khả năng làm lu mờ sự không hạnh phúc của người chồng trong hôn nhân, và khiến họ cảm thấy hài lòng với cuộc sống” - Deborah Carr, giáo sư xã hội học của Trường đại học Rutgers và là đồng tác giả của nghiên cứu trên, chia sẻ.
|
Ảnh minh họa |
Giáo sư Carr và đồng nghiệp Vicki A. Freedman, giáo sư Trường đại học Michigan đã phân tích số liệu quốc gia qua nhật ký vào năm 2009 của 18.000 người. Những cặp vợ chồng tham gia nghiên cứu đều ở độ tuổi trên năm mươi, và sự hài lòng trong hôn nhân sẽ được họ đánh giá theo thang điểm từ 1 đến 4.
Kết quả cho thấy, nếu người chồng chấm 1 điểm cho hôn nhân của họ, còn người vợ cho 4 điểm, thì cả hai sẽ hài lòng với cuộc sống nói chung. Trong khi nếu cả hai vợ chồng đều cho 1 điểm, thì độ hài lòng với cuộc hôn nhân của cả hai đều thấp. Ngược lại, hạnh phúc của phụ nữ không phụ thuộc vào mức độ hài lòng trong hôn nhân của đàn ông.
Giải thích điều này, giáo sư Carr cho biết: “Nếu đàn ông không hạnh phúc trong hôn nhân, nhưng phụ nữ lại cảm thấy hạnh phúc, thì người phụ nữ sẽ có khuynh hướng mang lại những lợi ích để làm cho cuộc sống của cả hai trở nên vui vẻ hơn. Cô ấy sẽ năng động hơn trong quan hệ tình dục, hỗ trợ tình cảm và làm việc nhà nhiều hơn”.
Ngược lại, tại sao sự hạnh phúc của phụ nữ lại có vẻ không bị ảnh hưởng bởi mức độ hài lòng trong hôn nhân của đàn ông? Là bởi vì nói chung, đàn ông không bộc lộ hay nói về cảm xúc của họ, dẫn đến việc phụ nữ không nhận ra đàn ông có hài lòng với cuộc sống hôn nhân của họ hay không.
Giáo sư Carr nói tiếp: “Nếu phụ nữ không hài lòng về cuộc hôn nhân, họ sẽ làm gì đó, có thể là cô ấy sẽ phàn nàn, sẽ ít thể hiện tình yêu thương hay hỗ trợ. Đàn ông sẽ không là người mở đầu câu chuyện để cải thiện tình trạng hôn nhân. Nếu họ không cảm thấy hạnh phúc, họ sẽ ngồi một góc và suy nghĩ về điều đó”. Giáo sư Carr cũng nhận xét: “Một cuộc hôn nhân hạnh phúc phần nhiều ảnh hưởng bởi những đóng góp của mọi người qua những việc họ làm trong ngôi nhà của họ, tình yêu thương và sự quan tâm của họ lan tỏa trong gia đình”.
Giáo sư Carr gợi ý vợ chồng nên dành thời gian để trò chuyện cùng nhau một cách thường xuyên về cả mặt tốt và xấu trong mối quan hệ của họ: “Cuộc nói chuyện có thể căng thẳng, nhưng hãy cho vợ chồng cảm giác được lắng nghe. Một cuộc nói chuyện căng thẳng còn hơn là vợ chồng không nói gì với nhau cả”.