Chị Phan Hồ Điệp được rất nhiều người biết đến với tên gọi gần gũi là "mẹ thần đồng Đỗ Nhật Nam". Đây là người phụ nữ được rất nhiều "mẹ bỉm sữa" Việt hâm mộ, yêu quý bởi mẹ của Đỗ Nhật Nam luôn có những quan điểm dạy con đúng, hợp lý.
|
Gia đình của "thần đồng" Đỗ Nhật Nam. |
Cũng giống như hàng triệu bà mẹ khác, chị Phan Hồ Điệp đã từng trải qua giai đoạn nuôi con vất vả, gặp nhiều khó khăn ở Nhật Bản. Chị cũng rất khiêm tốn khi thừa nhận mình là người không phải biết tất cả, phải học hỏi từ những người xung quanh.
Mới đây, mẹ “thần đồng” Đỗ Nhật Nam đã chia sẻ trên trang Facebook cá nhân hai câu chuyện nhỏ về cách dạy con lúc còn bé. Chắc chắn khi đọc qua hai câu chuyện này, bạn sẽ rút ra được kinh nghiệm về việc chăm sóc, nuôi dạy con.
"1. Hồi Nam còn nhỏ cũng hay bị ốm, sốt.
Con đường từ nhà đến bệnh viện đẹp mê man. Nhưng mình vẫn gọi là “con đường đau khổ”.
Rất nhiều năm sau mình vẫn nhớ cảnh hai mẹ con bồng bế nhau đến bệnh viện. Có khi vừa đi nước mắt vừa rơi lã chã. Hồi đó mình còn trẻ quá, chưa có kinh nghiệm gì nên cứ con ốm là lo, là sợ.
Mình rất nhớ ông bác sĩ già thường khám cho Nam.
Lúc nào nhìn thấy hai mẹ con, ông cũng nở một nụ cười thật hiền.
Và đôi lần Nam sẽ phải tiêm.
Mỗi lần như thế, ông đều cầm cái xi-lanh lên, giải thích: Đây là ống tiêm nhé, nó có cái đầu kim hơi nhọn, khi bác cắm vào người con sẽ đau đấy nhưng rất nhanh thôi. Xong xuôi, bác sẽ dán một hình sticker vào chỗ tiêm. Giờ con chọn hình đi.
Có lần, Nam đang thiu thiu ngủ. Mình nghĩ thầm, thôi cứ để vậy tiêm vèo một cái cho con khỏi khóc.
Nhưng không, ông bác sỹ vẫn lay vào người Nam rồi chỉ vào cái xi-lanh nói: Bác tiêm nhé.
Thấy mình có vẻ băn khoăn, ông giải thích rằng ông không muốn Nam sẽ sợ việc ngủ trên tay mẹ nếu bị tiêm bất thình lình…
2. Năm Nam 2 tuổi, mình có cho Nam đến tham gia một nhóm trẻ gia đình, do các bà mẹ trong khu tự tổ chức.
Mỗi lần chia tay mẹ, Nam hay mếu máo. Thương lắm.
Vì thế, ngày thứ ba đến lớp, nhân thể lúc con đang chơi, mình nhẹ nhàng mở cửa sau định về.
Cô giáo (mà thực ra là một bà mẹ) thấy vậy nói: Em ơi, trước khi em về, em nói cho bé đi.
Mình suỵt suỵt ra hiệu là để cho con chơi và nói thầm: Sợ là Nam biết mẹ về Nam sẽ khóc.
Nhưng cô ấy mỉm cười và nói: Không, chị nghĩ là em vẫn nên nói cho bé biết là em sẽ về, rồi hẹn con giờ mẹ đến đón.
Mình nghe theo lời cô, quay lại, ôm Nam từ phía sau và nói: Nam chơi vui nhé, mẹ về nhà. 3h mẹ sẽ quay lại đón em…
Hai câu chuyện tuy nhỏ nhưng mình luôn ghi nhớ trong quá trình nuôi dạy Nam.
Rằng đừng nghĩ là trẻ con thì không biết gì, chưa hiểu gì, có nói cũng vô ích.
Không đâu, trẻ con cũng cần được tôn trọng.
Trẻ con cần được giải thích để không có cảm giác bị “lừa”. Để biết rằng, tiêm có thể gây đau, để không lo sợ khi nằm ngủ trên tay mẹ mà không an toàn, để không sợ hãi vì thấy mẹ đột nhiên biến mất khỏi lớp học.
Trẻ con chưa biết thể hiện tất cả mọi điều chúng nghĩ bằng lời nói. Nhưng người lớn không vì thế mà vô tình.
Đừng vì sợ tiếng khóc của con mà gây cho con nỗi hoang mang trong lòng. Trẻ cần tin tưởng vào cuộc sống, để bước vào đời tự tin, bao dung.
Mình luôn ghi nhớ điều đó!".