Tôi quê ở Thái Bình, lấy chồng Hà Nội. Bố mẹ tôi đều là giáo viên cấp 3 về hưu, kinh tế cũng được gọi là khá giả. Nhưng trong mắt mẹ chồng thì thông gia là những con người không đáng coi trọng, thậm chí là khinh thường.
Ngày mới lấy nhau, tôi từng nhắc đến chuyện xin ở riêng nhưng mẹ chồng nghe được thế là bà làm um cả nhà lên khiến tôi từ bỏ luôn ý định đó. Mẹ chồng tôi bảo:
“Cảm thấy không sống được ở nhà này thì bước, con trai tôi bỏ vợ nhưng không bao giờ bỏ mẹ. Liệu mà sống”.
Tôi đã cố gắng hết mình để có thể chung sống hòa bình với mẹ chồng, mong bà xóa được định kiến “con nhà quê” với tôi nhưng càng ngày tôi lại nhận ra điều đó là không thể. Mẹ chồng luôn miệng chê tôi không hiểu biết, cư xử sặc mùi “nông dân”.
|
Bài chia sẻ (Ảnh chụp màn hình) |
Nhiều khi chồng tôi cũng bênh vợ nhưng bà vẫn không bỏ đi cái ác cảm đấy nên anh cứ bảo mặc kệ bà.
Mang tiếng có con gái lấy chồng thành phố nhưng biết tính thông gia nên bố mẹ tôi cũng hạn chế xuống chơi, nhờ vả thì tuyệt nhiên là không bao giờ. Khi tôi sinh con trai đầu lòng cũng là việc cần thiết nên mẹ tôi mới chịu xuống chăm 1 tuần.
Trong 7 ngày ngắn ngủi ở nhà con gái, mẹ tôi phải chịu biết bao nhiêu tủi hờn từ những lời lẽ xúc phạm của mẹ chồng tôi. Có những đêm, vừa cho cháu ti bình mẹ tôi vừa sụt sịt khóc mà không để tôi nhìn thấy. Mẹ đếm từng ngày, mở mắt ra câu đầu tiên mẹ hỏi tôi là:
“Đỡ đau hơn chưa con, có thể tự chăm cháu chưa để mẹ về, ở nhà còn nhiều việc”.
Trong khi chị dâu gọi điện cho tôi thì vẫn bảo: “Mẹ cứ yên tâm ở đó chăm cố Thắm, việc nhà đã có vợ chồng con lo”. Tôi hoài nghi hỏi mẹ đã xảy ra chuyện gì nhưng mẹ không nói, cứ bảo mẹ sốt ruột muốn về thôi.
Cho đến khi mẹ chồng tôi làm ầm lên, mọi chuyện mới vỡ lẽ. Đúng hôm các cô, thím bên chồng đến thăm con thì mẹ chồng tôi chỉ mặt thông gia trước mặt mọi người:
“Cứ tưởng thế nào, bà túng thiếu thì cứ nói với tôi một câu là xong. Tiền với tôi không thành vấn đề, cớ sao lại đi ăn cắp cái nhẫn vàng 2 chỉ của tôi để mang tiếng cả mấy đời không hết”.
Mẹ chồng tôi nói với thái độ hả hê, còn mẹ đẻ tôi nước mắt nước mũi tèm lem, lắp bắp: “Bà đổ oan cho tôi rồi, tôi không nhìn thấy cái nhẫn nào của bà, tôi cũng chưa bao giờ vào phòng của bà đâu”.
“Đấy, ai khảo mà đã khai. Phòng tôi lúc nào đi đóng về cài, làm sao người ngoài vào được. Tôi đi chùa về mới tháo nhẫn ra để rửa tay, quay vào đã mất luôn rồi. Nhà này chẳng ai có tính ấy nên ngoài mẹ con bà ra thì ai lấy, ai lấy hả?”.
Mẹ là người sinh ra tôi, tôi hiểu mẹ thế nào, mẹ nói không là không, tôi tin mẹ 100%. Không để mẹ phải chịu uất ức, tôi ngồi dậy bảo: “Mẹ đừng xúc phạm mẹ con khi không có bằng chứng, để con cho mẹ xem cái này thì sáng tỏ thôi”.
Vừa nói tôi vừa mở điện thoại check lại camera: “Con biết kiểu gì cũng có ngày này nên đã bảo chồng con lắp camera trong nhà để trống trộm, ai ngờ nó phát huy tác dụng nhanh thế?”.
Xem xong ai cũng lắc đầu ngao ngán khi thấy cảnh mẹ chồng tôi lén lút nhìn trước ngó sau tháo chiếc nhẫn ra khỏi tay rồi đặt xuống ngay bàn ăn cạnh chỗ mẹ tôi đang nấu cơm.
Nhưng ngay sau đó không thấy mẹ tôi động tĩnh gì nên bà đã cầm chiếc nhẫn cất luôn vào túi xách.
Tôi bảo: “Nhẫn ở trong túi của mẹ đấy, nhưng con nghĩ việc mẹ nên làm lúc này là xin lỗi mẹ con. Nếu không con sẽ mang chuyện này kể hết cho bạn bè và bên ngoại đấy”.
Chẳng cần tôi nói thêm, các thím cũng yêu cầu mẹ chồng bắt buộc phải xin lỗi thông gia. Không nói một lời, bà quỳ sụp xuống cầu xin mẹ tôi bỏ quá cho.
Và đương nhiên với tính bao dung của mẹ thì mẹ bỏ qua. Còn tôi, tôi sẽ ghi nhớ chuyện này để mỗi sau này mẹ chồng đừng hòng mà “hành tỏi” gì tôi trong nhà này nữa.