Tôi ở quê nhưng lấy anh là trai thành phố, vợ chồng lại bằng tuổi nên ngay từ đầu bố mẹ chồng tôi phản đối ghê lắm. Bất chấp tất cả, chúng tôi vẫn đến với nhau và giờ đây sau 5 năm chung sống, vợ chồng tôi có hai bé gái rất dễ thương.
Vì chẳng ưa nên từ ngày mới về làm dâu mẹ chồng luôn rào trước đón sau, ý nói con trai bà là vàng là ngọc, còn tôi, dẫu gì cũng chỉ là phận gái quê mùa, phải biết nhường nhịn, phục vụ chồng con và đừng có dại dột mà lấn át chồng.
Như nhiều gia đình thành phố khác, tôi thấy bà chiều con trai một cách thái quá, không để anh phải động tay động chân việc gì. Ai đời con trai 40 tuổi đến nơi, mà sáng nào mẹ cũng phải nhắc đeo khẩu trang, đeo kính, mang áo mưa... Thậm chí, sáng nào bà cũng lọ mọ dậy nấu nấu nướng nướng chuẩn bị đồ ăn, nước hoa quả gói gói ghém ghém bắt chồng tôi mang đi làm.
Nhiều hôm anh khó chịu, nhất quyết không mang đi, bảo bà đừng làm nữa thì bà lại sốt sắng: "Thế con muốn ăn gì? Mai mẹ làm món khác nhé. Ngoài đường toàn đồ bẩn thỉu, ăn rồi rước bệnh vào người chứ chẳng đùa!"
Những lúc như vậy, tôi chỉ còn biết thở dài thườn thượt.
|
(Ảnh minh hoạ) |
Sống với bố mẹ chồng, biết thân biết phận mình lép vế hơn nên tôi luôn cố gắng để không phật ý bố ông bà. Ấy thế nhưng, chạy trời chẳng khỏi nắng, hàng xóm nhà tôi là những chiếc loa phát thanh di dộng đích thực. Họ có thể buôn chuyện mọi lúc, mọi nơi, và tôi, cái con bé tỉnh lẻ lớ ngớ vớ được anh chồng cao to, đẹp giai, ngon nghẻ luôn là chủ đề để các bà bắt đầu những câu chuyện đầy ly kỳ và hấp dẫn của mình.
Nào thì nói tôi bẫy anh để được cưới; dân tỉnh lẻ giả tạo, rồi lại bảo tôi ghê gớm, đanh đá nên "dắt mũi" chồng, cãi mẹ chồng như chém chả; rồi thì bảo tôi đi làm cho có chứ lương được bao nhiêu,...Nhiều lần đến tai nhưng tôi cũng mặc kệ, mình sống thế nào mình biết chứ hơi đâu lo thiên hạ nói gì. Nhưng mẹ chồng tôi thì không, bà cũng có những suy nghĩ giống họ. Mà không nghĩ thì cũng phải nghĩ, ngày nào bà chẳng buôn chuyện hàng tiếng đồng hồ với các bà ấy.
Chồng tôi được bố mẹ sắp xếp cho một công việc nhà nước ổn định còn tôi làm hành chính ở một công ty tư nhân. Hàng tháng, lương anh được hơn chục triệu thì anh đưa mẹ một nửa, số còn lại anh đưa hết cho tôi để chi tiêu chung. Nhưng tôi biết ý nên vẫn chừa lại cho anh một khoản để chi tiêu bạn bè.
Mẹ chồng tôi chẳng vừa lòng, bà không muốn con trai phải đưa nốt lương của mình cho vợ nên không ít lần bà nói bóng gió rằng: "Đàn ông đàn ang thì phải có chính kiến, phải làm chủ gia đình. Nhà nào cũng thế, chồng mà chiều vợ quá sẽ sinh hư." Thật lòng, tôi thấy mình là người biết điều, đâu có lấn lướt chồng đến mức bà phải nói vậy.
Chồng tôi hiền lành lại hơi trẻ con nên mỗi lần mẹ và tôi bất đồng, anh lại bảo tôi lựa lựa tự giải quyết vì anh không muốn ở giữa hai mẹ con. Suốt nhiều năm, tôi ấm ức gì mà nói với anh, anh cũng chỉ buông thõng một câu: "Bà già rồi, lẩm cẩm, em chấp làm gì". Nhiều khi nghĩ cũng thấy tủi vì mình “già” hơn chồng, nghĩ cho chồng con nhưng vẫn phải thỏa lòng bố mẹ chồng.
Mấy hôm nay báo đài đưa tin về việc Bộ luật Lao động sửa đổi và đề cập đến chuyện “tiền lương chồng gửi vào tài khoản vợ”. Mấy bà hàng xóm ở khu tôi chẳng hiểu sao cập nhật nhanh thế. Chiều tôi đi làm về thấy xôn xao cả một góc và nghe loáng thoáng giọng mẹ chồng tôi: "Chẳng phải bảo, con dâu tôi kiểu gì chả xúi chồng nó chuyển hết vào tài khoản của nó, lần này lại còn có luật hẳn hoi, vào túi nó rồi đời nào nó nhả, khéo lại chắt bóp mang hết về ngoại!"
Tôi nghe đến đó ức phát điên, chỉ muốn xông vào nói cho ra nhẽ nhưng còn hai đứa trẻ, thật chẳng hay hớm gì nếu để chúng chứng kiến chuyện này, vậy là tôi lại nuốt ấm ức vào trong.
Tôi đã nhẫn nhịn chuyện ban chiều và có lẽ đã dừng lại ở đó và không căng thẳng nếu như tối hôm ấy trong bữa cơm, mẹ chồng tôi hồn nhiên nói với với con trai: “Luật bảo chuyển lương được cho vợ hở con? Thế hay con uỷ quyền chuyển thẳng cho mẹ đi. Mẹ lo chi tiêu và tiết kiệm hộ hai đứa, hai vợ chồng tiêu bằng lương của vợ con là đủ rồi."
Chồng tôi, như mọi khi, cười hì hì: "Con thế nào chẳng được!"
Nghe đến đó, tôi không nhịn được nữa, đang ăn dở miếng cơm mà phải buông bát xuống để nói lại: "Tại sao phải chuyển vào tài khoản của mẹ? Con có phải đứa ăn tàn phá hại hay bo bo giữ tiền cho bản thân đâu mà mẹ phải làm thế!"
Mẹ chồng nghe tôi nói vậy thì tỏ thái độ ra mặt, bà rời bàn ăn và bỏ lên gác, trước khi đi còn thêm câu: "Nhà này loạn rồi!"
Từ hôm đó đến nay, mẹ chồng tôi lúc nào cũng mặt nặng mày nhẹ. Bà đã như thế, vậy mà lại thêm cái ông chồng ba phải của tôi, người khác nói gì cũng được, chẳng bao giờ lên tiếng bênh vợ đến nửa câu.
Mấy ngày nay không khí trong nhà căng thẳng mà tôi chẳng biết giải quyết thế nào. Mọi người có thể cho tôi xin lời khuyên được không?