"Ở đây vẫn còn rất đau. Chúng đày đọa tôi, thậm chí đẩy tôi ra ban công. Tôi có chăn nhưng nhiều đêm không ngủ được vì quá lạnh", Emily Eliza (tên được đổi để bảo vệ danh tính nhân vật), y tá về hưu, kể về những ngày bị con cái bạo hành.
Người phụ nữ 63 tuổi mắc bệnh tiểu đường cho biết bà đã bị con trai và con dâu ngược đãi trong suốt khoảng thời gian cách ly xã hội vì đại dịch.
|
Cách ly xã hội trở thành nỗi ám ảnh với nạn nhân bạo lực gia đình.
|
Bà Eliza nói rằng mình bị các con trấn lột toàn bộ số lương hưu ít ỏi. Người mẹ 3 con đang sống tại Luton, ngoại ô London (Anh), cũng bị người thân tịch thu chìa khóa nhà, cấm đến các cửa hàng tạp hóa.
"Chúng đi mua sắm và chỉ mua thứ chúng thích. Tôi không thể mua thứ mình muốn dù đó là tiền của tôi. Với bệnh tình của mình, thông thường tôi sẽ ăn ngày 5 bữa nhỏ nhưng khi cách ly xã hội điều đó không xảy ra", bà Eliza nói.
Sau khi lấy hết lương hưu của mẹ, con trai của bà Eliza đã cướp luôn những món đồ trang sức. "Khi tôi không còn tiền, chúng nói sẽ lấy sợi dây chuyền vàng của tôi. Tôi quá yếu để có thể chống cự".
Những ngày bị giam lỏng trong nhà cùng những kẻ ngược đãi, bà Eliza luôn sống trong sợ hãi. "Tôi cố gắng bước đi nhẹ nhàng, không sử dụng nhà vệ sinh vì sợ xả nước làm ồn. Tôi cũng không bật ấm điện để pha trà".
|
Tình trạng lạm dụng, bạo lực với trẻ em, phụ nữ đã trở nên đáng báo động khi lệch cách ly xã hội, phong toả ban hành trên khắp nước Anh.
|
Tổ chức phi lợi nhuận Housefinder, nơi chuyên giúp đỡ những người như bà Eliza, cho biết tình trạng lạm dụng, bạo lực với trẻ em, phụ nữ đã trở nên đáng báo động khi lệnh cách ly xã hội, phong tỏa ban hành trên khắp nước Anh.
Báo cáo lạm dụng tăng 700%, các cuộc gọi cầu cứu tăng 200% kể từ khi người dân thực hiện lệnh giãn cách xã hội, hạn chế ra ngoài từ ngày 24/3.
Các vụ giết người do bạo lực gia đình cũng tăng gấp đôi trong thời gian đại dịch bùng phát. Có ít nhất 16 vụ giết người do lạm dụng xảy ra trong khoảng thời gian từ 23/3 đến 12/4.