Mới đây, bà PMK (ngụ Bình Dương) đã gọi điện thoại đến báo Pháp Luật TP.HCM nhờ tư vấn về thủ tục thay đổi tên đệm cho con gái trong giấy khai sinh của bé.
Chồng lấy tên tình cũ làm chữ đệm?
Bà K. trình bày: Lúc mới sinh con gái, vợ chồng bà đã thống nhất đặt tên bé là HPMV (lấy chữ M làm chữ đệm). Thế nhưng tám tháng sau, khi có dịp cầm giấy khai sinh của con để làm thủ tục đi máy bay về quê thì bà mới phát hiện ra tên bé trong giấy khai sinh là HPTV (lấy chữ T làm chữ đệm).
Bà K. hỏi chồng, chồng bà giải thích rằng khi làm thủ tục cấp giấy chứng sinh ở bệnh viện, ông mắc nghe điện thoại nên không để ý đến chi tiết tên của con là MV hay TV. Rồi sau đó bà nội bé đi ra UBND xã đăng ký khai sinh cũng không để ý.
“Người Việt lại đặt tên con kiểu Anh, Mỹ,…rất phản cảm”
Bà K. không đồng ý với cách giải thích này bởi theo bà, chữ đệm tên của con chính là tên người tình cũ của chồng bà. Vì vậy, bà K. đã đến gặp cán bộ tư pháp xã đề nghị hủy giấy khai sinh, làm lại giấy khai sinh mới ghi tên con là HPMV. Tuy nhiên, cán bộ tư pháp xã giải thích rằng giấy khai sinh được cấp đúng quy định trên cơ sở là giấy chứng sinh của bệnh viện (cũng ghi tên bé HPTV) nên không có cơ sở để hủy bỏ...
Một trường hợp khác, khi đi làm thủ tục đăng ký khai sinh cho con, ông A (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) tự ý đặt họ tên cho bé mà chưa được sự đồng ý của vợ. Mấy tháng sau, vợ ông A. phát hiện và hai bên có mâu thuẫn, tranh chấp việc đặt tên con trong giấy khai sinh.
Vợ ông A. bèn yêu cầu UBND phường thay đổi, cải chính họ tên cho bé. Sau đó UBND phường mời hai vợ chồng đến hòa giải. Lúc này vợ chồng ông A. lại cùng đồng lòng yêu cầu phường hủy bỏ giấy khai sinh, cấp giấy khai sinh mới cho bé với tên, họ khác theo đúng ý vợ ông A...
Ngày 16/6/2017, Phòng Tư pháp quận Bình Thạnh đã phải gửi công văn đến Sở Tư pháp TP.HCM báo cáo về trường hợp này và kiến nghị khi có tranh chấp thì nội dung đăng ký khai sinh được thực hiện theo yêu cầu của người cha (theo tập quán).
Muốn thay đổi, phải yêu cầu tòa giải quyết
Tại buổi họp giao ban tư pháp ở TP.HCM sáu tháng đầu năm 2017, ông Nguyễn Triều Lưu (Trưởng phòng Hộ tịch-Quốc tịch Sở Tư pháp TP) cho biết: Điểm a khoản 1 Điều 4 Nghị định 123/2015 (quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch 2014) quy định: Họ, chữ đệm, tên và dân tộc của trẻ em được xác định theo thỏa thuận của cha, mẹ theo quy định của pháp luật dân sự và được thể hiện trong tờ khai đăng ký khai sinh; trường hợp cha, mẹ không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được thì xác định theo tập quán.
Điều 26 BLDS 2015 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2017) cũng quy định cá nhân có quyền có họ, tên (bao gồm cả chữ đệm, nếu có); họ của cá nhân được xác định là họ của cha đẻ hoặc họ của mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha mẹ.
Như vậy, việc đặt họ, chữ đệm, tên… trẻ em trong giấy khai sinh trước hết cần phải có sự thống nhất của cha mẹ trẻ. Cán bộ tư pháp, hộ tịch chỉ xác định theo tập quán khi cha mẹ trẻ không thống nhất, thỏa thuận được. Trường hợp chưa xác định được cha đẻ thì họ của trẻ được xác định theo họ của mẹ đẻ...
Ông Lưu cũng lưu ý tên của công dân Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam; không đặt tên trẻ bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ; việc đặt tên bị hạn chế trong trường hợp xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác hoặc trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự Việt Nam.
Về trường hợp sau khi đăng ký khai sinh theo đúng trình tự, thủ tục quy định mà phát sinh tranh chấp giữa cha mẹ trẻ, không thể thỏa thuận được về nội dung đăng ký khai sinh cho trẻ thì ông Lưu hướng dẫn là không có căn cứ để hủy bỏ giấy khai sinh. Bấy giờ cán bộ tư pháp, hộ tịch có thể hướng dẫn đương sự yêu cầu TAND có thẩm quyền giải quyết tranh chấp theo quy định của BLTTDS. Sau khi có bản án, quyết định của tòa án thì cán bộ tư pháp, hộ tịch sẽ căn cứ vào đó để làm cơ sở giải quyết hồ sơ về hộ tịch.