Một đứa trẻ có thể say sưa chơi dù chỉ với một chiếc thìa nhỏ hay một mẩu gỗ. Nhìn cảnh đó, nhiều người sẽ tự hỏi có nhất thiết phải mua cho chúng những món đồ chơi hàng hiệu đắt tiền?
|
Đồ chơi cho trẻ không nhất thiết phải đắt tiền. Ảnh minh họa. |
Trong một nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí Science, hai nhà nghiên cứu tâm lý học nhận thức Aimee Stahl và Lisa Feigenson lần đầu tiên chứng minh rằng, trẻ em học hỏi điều mới rất tốt khi gặp những tình huống bất ngờ xảy ra với đồ vật xung quanh, không quan trọng đồ vật đó có hình thù thế nào và đáng giá bao nhiêu. Khi một đối tượng vận hành không theo cách thông thường, não bộ của trẻ sẽ tập trung vào việc cố gắng để tìm hiểu sự vật đó tốt hơn.
"Đối với trẻ em đang trong giai đoạn học hỏi, thế giới xung quanh là một nơi phức tạp và đầy tính kích thích", Lisa Feigenson nói. Nhà nghiên cứu cũng khẳng định, khi ngạc nhiên em bé có cơ hội để học hỏi thêm về một điều gì đó mới mẻ đang diễn ra xung quanh mình.
Hai nhà khoa học đã khảo sát 4 trải nghiệm khác nhau dành cho các em bé từ 11 tháng tuổi. Họ sử dụng những trái bóng, máng trượt và một số dụng cụ hỗ trợ, lần lượt tạo các tình huống đương nhiên sẽ xảy ra và cả những tình huống bất ngờ: một chiếc ô tô đồ chơi "đi" trên không, hay một trái bóng đột ngột xuất hiện trên mặt bàn…
Kết luận rút ra từ các thí nghiệm trên là: các em bé đều thích nhìn ngắm những vật thể chuyển động không như bình thường. Nhiều bé còn ngoái đầu, xoay người để dõi theo những đồ vật "kỳ lạ" này và không hề để tâm tới những món đồ chơi mới tinh, bắt mắt nhưng không có gì bất ngờ.
Nhà nghiên cứu Aimee Stahl kết luận: "Trẻ em không chỉ cần được trang bị thông tin về các nguyên tắc cơ bản của thế giới xung quanh mà cũng cần phải được tiếp nhận những tri thức mới mẻ". Kết quả nghiên cứu này có thể là gợi ý giúp các bậc cha mẹ chọn cho con mình những món đồ chơi thật sự ý nghĩa…