Câu hỏi: Con tôi năm nay 14 tuổi và được gọi đi tiêm phòng vaccine COVID-19. Tuy nhiên, cháu có tiền sử bị rối loạn tim mạch, vậy cháu có được tiêm vaccine hay không? Nếu được tiêm, cháu cần chú ý điều gì?
Kim Thảo (40 tuổi, TP.HCM).
Theo "Hướng dẫn sửa đổi, bổ sung Hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 đối với trẻ em" ban hành ngày 29/10 kèm quyết định số 5002, Bộ Y tế khuyến cáo nhóm trẻ mắc các bệnh bẩm sinh; bệnh mạn tính ở tim, phổi, hệ thống tiêu hóa, tiết niệu, máu...; tim, phổi có dấu hiệu bất thường cần được chuyển khám sàng lọc và tiêm chủng tại bệnh viện. Trẻ có phản vệ độ 3 trở lên với bất kỳ dị nguyên nào cũng thuộc nhóm cần sàng lọc kỹ trước khi tiêm chủng.
Trẻ đang mắc bệnh cấp tính, mạn tính tiến triển sẽ phải trì hoãn tiêm chủng. Những trẻ phải thận trọng khi tiêm chủng là nhóm có tiền sử dị ứng với bất kỳ dị nguyên nào hoặc rối loạn tri giác, rối loạn hành vi.
Các bác sĩ khám sàng lọc cũng cần chú ý những trường hợp chống chỉ định/trì hoãn khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất đối với loại vaccine COVID-19 hoặc phát hiện có yếu tố bất thường khác.
Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, những trẻ bị suy giảm miễn dịch hoặc mắc bệnh nặng về tim, phổi là nhóm nguy cơ cao mắc COVID-19 nên được ưu tiên tiêm vaccine COVID-19.
Các thử nghiệm vaccine COVID-19 trên bệnh nhân tim mạch khác nhau không phát hiện tác dụng phụ nguy hại nào. Các tác dụng phụ phổ biến là sưng đau vị trí tiêm, đau đầu, đau cơ trong một vài ngày.
Ngày 15/1, Hiệp hội Tim mạch Mỹ kêu gọi những người có các yếu tố nguy cơ tim mạch, bệnh tim, nhồi máu cơ tim và trường hợp sống sót sau đột quỵ nên tiêm phòng càng sớm càng tốt vì họ có nguy cơ nhiễm virus cao hơn nhiều nếu không tiêm vaccine.
Hiện chưa có báo cáo nào cho thấy có tương tác giữa vaccine COVID-19 và các thuốc tim mạch. Vì vậy, bệnh nhân không nên ngừng sử dụng thuốc tim mạch đang sử dụng trước hay sau khi tiêm vaccine COVID-19.
Nguồn: Bộ Y tế Việt Nam; Hiệp hội Tim mạch Mỹ.