Dù rỗng túi vẫn không từ chối các cuộc hẹn đi chơi
Khi kể về Thảo Trang (25 tuổi, nhân viên văn phòng), bạn bè thường nhận xét rằng cô là người không bỏ bất kỳ cuộc chơi nào, chỉ cần gọi là sẽ có mặt. Nhờ sự hoạt ngôn của bản thân, Thảo Trang có rất nhiều bạn bè và gần như cuối tuần nào cũng có vài ba cuộc hẹn gặp gỡ đi chơi.
"Mình là một người ham chơi điển hình, thường rất khó để có thể từ chối những cuộc hẹn từ bạn bè. Vào cuối tuần, mình thường sẽ có 2-3 cuộc hẹn đi chơi cùng người thân hoặc bạn bè. Đó thường là những lần đi ăn trưa hoặc ăn tối rồi sẽ đi uống nước trò chuyện. Mỗi lần như vậy, mình tiêu khoảng 300-600 nghìn đồng tuỳ thuộc vào mức độ 'sang chảnh' của buổi đi chơi đó".
Bên cạnh đó, cô bạn cũng có những buổi đi ăn phát sinh cùng đồng nghiệp trong công ty, mỗi tháng Thảo Trang chi khoảng 3,5-4,5 triệu đồng cho những lần đi ăn. Đây là chưa kể đến những lần bạn bè rủ đi mua sắm, cũng là một khoản chi không nhỏ. Do mức thu nhập mỗi tháng khoảng 10-12 triệu, trong đó tiền thuê nhà đã chiếm 3,5 triệu đồng, việc chi tiêu quá nhiều khiến cô bạn có những lần chưa đến cuối tháng đã hết sạch tiền.
"Có nhiều khi mình phải vay tiền bạn bè để có thể trang trải chi phí sinh hoạt cho cuối tháng. Thật ra, mình vẫn hiểu rằng khi sắp tiêu hết tiền lương, bản thân cần từ chối các cuộc hẹn đi chơi. Song, mình hiếm khi làm được, rất nhiều tháng mình tiêu cho đến đồng cuối cùng vì đi chơi".
|
Ảnh minh họa. |
Cũng giống như Thảo Trang, Linh Chi (26 tuổi, nhân viên văn phòng) là người thường xuyên rỗng túi vì chi tiêu quá đà. Cô bạn nghiện mua sắm online, mua nhiều đến mức khi bạn bè muốn tư vấn sản phẩm nào dù là sữa rửa mặt, son môi, hay đồ dùng trong gia đình, Linh Chi đều có thể đưa ra một vài cái tên nhãn hàng phù hợp với nhu cầu của họ.
Song, cũng vì chi tiêu mua sắm online quá nhiều, có những tháng chỉ sau 20-25 ngày nhận lương, Linh Chi đã không còn đồng nào trong tài khoản ngân hàng. "Mình thường bị 'hớp hồn' bởi đồ giảm giá, đó cũng là lý do chính khiến mình chi tiêu cho các trang TMĐT nhiều hơn. Bởi vì, chỉ cần dành chút thời gian ngồi lướt trang TMĐT, mình đã tìm được vô số món đồ hay ho với mức giá khá hời, nhưng phần lớn những sản phẩm đó là dành cho chi tiêu tự thưởng".
Đến cuối tháng, nếu có những khoản chi bất ngờ như bảo trì đồ dùng hỏng hóc trong nhà, đi đám cưới, sinh nhật,..., cô bạn sẽ cần vay người quen để có thể chi trả cho những khoản này.
Nỗ lực thiết lập thói quen chi tiêu hiệu quả
Sau một thời gian chi tiêu thiếu kiểm soát, Thảo Trang đã quyết định phải học cách lập ngân sách để tránh trường hợp tháng nào cũng rỗng ví. "Đi chơi với bạn bè đúng là rất vui, nhưng dù sao niềm vui đó cũng không thể lấp đầy những ngày bất an do thiếu tiền gây ra. Mình cũng nhận thức được bản thân không còn trẻ, không thể làm được bao nhiêu liền tiêu bấy nhiêu".
Cô bạn chia sẻ rằng bước đầu tiên cần thực hiện đó chính là lên kế hoạch chi tiêu hàng tháng. Trong đó, cô bạn đặt cho bản thân 1 khoản chi tiêu cố định cho tự thưởng bao gồm đi ăn, đi mua sắm cùng bạn bè, tối đa 2 triệu đồng.
"Mình đọc được rằng một số chuyên gia tài chính khuyên chỉ nên tiêu 10% thu nhập cho tự thưởng. Tức là với mức thu nhập 10-12 triệu, mình chỉ nên tiêu khoảng 1-1,2 triệu cho ăn chơi và mua sắm. Song, trên thực tế việc đó quá khó với một người có nhiều bạn bè và cũng ham chơi như mình. Do vậy, mình quyết định với mức 2 triệu, một khoản vừa đủ với bản thân".
Bên cạnh đó, Thảo Trang cũng học cách nói từ chối với những lời mời của bạn bè, xem xét ngân sách trước khi nhận lời đi bất kỳ cuộc hẹn nào. Những tháng đầu, cô bạn cảm thấy khó chịu vì không thể đi chơi nhiều như trước. Tuy nhiên, khi nhận ra cuối tháng bản thân không còn phải đi vay mượn bạn bè, tài chính vững vàng, cô cảm thấy an tâm hơn rất nhiều.
Còn Linh Chi đã cài đặt sẽ có nhắc nhở khi bản thân sử dụng các ứng dụng TMĐT quá số giờ quy định. Bên cạnh đó, cô bạn đã sắp xếp lại đồ đạc trong nhà để biết bản thân mình đang dự trữ bao nhiêu đồ, có bao nhiêu món đồ mua về mà không sử dụng đến và lên kế hoạch mua sắm cụ thể.
"Mình nhận ra bản thân có đến 3 lọ sữa rửa mặt, nhiều kiểu chén bát khác nhau dù chỉ sống 1 mình, rất nhiều quần áo chưa cắt mác,... Mình đã phân loại các sản phẩm này để đặt ra giới hạn mua sắm cho bản thân. Chẳng hạn, chỉ được mua sữa mặt mới sau khi dùng hết 3 lọ trước đó, nửa năm sau mới được mua đồ mới,...".
Bên cạnh đó, Linh Chi cho rằng việc lập ngân sách là khó khăn nên mỗi khi nhận lương, cô bạn sẽ gửi một khoản tiết kiệm. Sau đó, cố gắng chi tiêu có chừng mực với khoản tiền còn lại, mỗi ngày đều kiểm tra xem tài khoản còn bao nhiêu tiền. Điều này giúp cô bạn kiểm soát được tiền bạc cũng như tránh mua sắm quá đà.