Loại virus khiến WHO họp khẩn có khả năng lây sang Việt Nam không?

Google News

Virus Marburg có thể truyền từ dơi ăn quả sang người và lây từ người sang người. Thế giới từng ghi nhận các ca bệnh do đi du lịch khi đến thăm hang động có dơi ăn quả sinh sống tại châu Phi.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) cho biết virus Marburg lần đầu tiên được phát hiện trên người vào năm 1967. Một nhóm nghiên cứu bắt khỉ về phòng thí nghiệm, virus này đã từ khỉ lây sang người. Vụ việc xảy ra tại phòng thí nghiệm Marburg và Frankfurt, Đức và ở Belgrade, Nam Tư cũ (nay là Serbia), tỷ lệ tử vong khá cao. Khi đó, họ đã khoanh vùng và khống chế được vụ dịch này.
Sau đó, tại châu Phi vẫn có những vụ dịch lẻ tẻ lây từ động vật sang người. Theo BS Cấp, đặc điểm của virus này là khi nhiễm bệnh tỷ lệ tử vong khá cao, có thể lên đến 80%. Nó có 2 mặt. Thứ nhất, với người bị lây nhiễm thì cực kỳ nguy hiểm vì tỷ lệ tử vong rất cao.
Loai virus khien WHO hop khan co kha nang lay sang Viet Nam khong?
Virus Marburg có thể truyền từ dơi ăn quả sang người và lây lan từ người sang người (Ảnh: O.T). 
Thứ 2, với cộng đồng vì bệnh không có nhóm triệu chứng nhẹ, không có triệu chứng nên khó có thể lan rộng mạnh mẽ như bệnh có nhóm không có triệu chứng.
Biểu hiện của bệnh do virus Marburg cũng giống như các sốt virus thông thường có sốt, đau đầu, buồn nôn tuy nhiên sau đó tiến triển nặng nhanh chóng, rối loạn đông máu, có thể suy đa phủ tạng, tử vong. Nguy cơ tử vong tương đối nhanh, tương tự như virus Ebola, có thể tử vong sau một vài ngày. Bệnh cũng chưa có thuốc điều trị, chưa có vaccine.
"Người mắc bệnh tử vong nhanh, khi nhiễm bệnh họ nằm bệt luôn. Vì thế, xác suất mầm bệnh bay từ nước này sang nước khác, từ khu vực này sang khu vực khác thấp hơn so với bệnh có thời gian ủ bệnh dài hoặc có nhóm không có triệu chứng", BS Cấp cho biết.
Bệnh tồn tại trên động vật từ lâu, đến vụ dịch tại Marburg mới xuất hiện đầu tiên và lây cho con người. Mức độ lây rất mạnh mẽ khi tiếp xúc với mầm bệnh.
Virus Marburg có thể truyền từ dơi ăn quả sang người và lây lan từ người sang người. Virus lây lan qua tiếp xúc (chẳng hạn như qua vết thương trên da hoặc niêm mạc ở mắt, mũi hoặc miệng) với:
- Máu hoặc chất dịch cơ thể (nước tiểu, nước bọt, mồ hôi, phân, chất nôn, sữa mẹ, nước ối và tinh dịch) của người bị bệnh hoặc chết vì bệnh do virus Marburg.
- Các đồ vật bị nhiễm chất dịch cơ thể của người bị bệnh hoặc đã chết vì bệnh do virus Marburg (chẳng hạn như quần áo, khăn trải giường, kim tiêm và thiết bị y tế).
Sự lây lan của virus giữa mọi người đã xảy ra trong môi trường gần gũi và giữa những người tiếp xúc trực tiếp. Phơi nhiễm trong phòng thí nghiệm cũng có thể xảy ra khi nhân viên phòng thí nghiệm xử lý virus Marburg còn sống.
Dù vậy, toàn cầu hóa và du lịch quốc tế ngày càng tăng làm tăng nguy cơ lây lan mầm bệnh ra toàn cầu. Thực tế đã có những trường hợp phát bệnh sau khi đi du lịch, như đến thăm hang Kitum, một hang động nổi tiếng có dơi ăn quả sinh sống trong Công viên quốc gia Mount Elgon tại châu Phi.
Theo Nam Phương/Dân Trí

>> xem thêm

Bình luận(0)