Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) vừa điều trị cho một bệnh nhi 13 tuổi nguy kịch do uống quá nhiều nước ngọt và bánh kẹo. Bé nhập viện trong tình trạng lơ mơ, sốc mất nước nặng, da khô và tái nhợt. Kết quả xét nghiệm khiến các y bác sĩ bất ngờ khi bé bị nhiễm toan ceton máu rất cao do bệnh đái tháo đường.
Theo lời kể của gia đình, bé gái uống rất nhiều nước ngọt, có lúc bé uống 3-5 chai mỗi ngày và ăn nhiều loại bánh kẹo khác nhau.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra nước ngọt và một số đồ uống có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ, mắc bệnh lý mạn tính, nguy hiểm.
Nước tăng lực
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí của Hiệp hội Tim mạch châu Âu năm 2015 cho thấy nước tăng lực có hàm lượng caffein cao, dẫn tới một số tình trạng bất lợi cho sức khỏe như đau thắt ngực, rối loạn nhịp tim, thậm chí đột tử.
Caffein được xem là chất giúp tỉnh táo, an toàn, song hàm lượng này trong nước tăng lực khá lớn. Đặc biệt, theo bác sĩ Rula Hajj-Ali, Cleveland Clinic, nước tăng lực còn chứa nhiều chất kích thích khác. Nếu uống quá nhiều loại nước này có thể dẫn tới hiện tượng nhịp tim nhanh. Đây là “sát thủ” gây tử vong nhiều bậc nhất tại Anh và thế giới.
“Đã có nhiều trường hợp uống nước tăng lực trong thời gian dài phải nhập viện vì đột quỵ và xuất hiện não nghiêm trọng. Họ đều là những người trẻ, khỏe mạnh ở độ tuổi 30 hoặc 40”, bác sĩ Ali nói thêm.
Nhiều người sử dụng nước tăng lực để giảm cảm giác mệt mỏi. Theo các chuyên gia, chỉ cần một ly nước tăng lực cũng đủ kích hoạt rối loạn nhịp tim, tăng nguy cơ đột quỵ gấp 5 lần.
Một nghiên cứu khác từ Đại học Texas, Mỹ, chỉ ra nước tăng lực còn gây ra nhiều vấn đề về tim khi chúng làm thu hẹp mạch máu của bạn. Động mạch bị thu hẹp dễ bị tắc nghẽn – nguyên nhân hàng đầu gây đau tim, đột quỵ.
Tiến sĩ John Higgins, Đại học Texas, cho biết caffein, taurine, đường và các thành phần thảo dược khác làm hỏng lớp niêm mạc của động mạch, tĩnh mạch. Trong khi đó, một nghiên cứu khác phát hiện loại đồ uống này có thể gây tác dụng phụ như đau đầu, co giật.
Nước ngọt có ga
Nước ngọt là đồ uống yêu thích của nhiều người. Nó không chứa chất xơ, không có vitamin, chất khoáng hay dinh dưỡng, song, hàm lượng đường rất cao.
Số lượng đường ở một chai nước ngọt có ga tương đương dùng để uống 22 cốc cà phê trong ít nhất 10 ngày. Lượng đường quá lớn đi vào cơ thể khiến insulin tăng vọt, gan nhanh chóng biến đường thành chất béo gây tăng cân, béo phì.
Một nghiên cứu tại Mỹ phát hiện chất gây ung thư 4-MIE có trong một số loại nước ngọt có ga. Chất này nằm trong caramel làm màu cho nước giải khát. Thử nghiệm cho thấy, nó có thể gây ra ung thư phổi, gan, tuyến giáp và bệnh bạch cầu ở chuột.
Việc uống nước ngọt khiến cho người trẻ mắc các chứng bệnh tim mạch, đái tháo đường sớm hơn, đây đều là những nguyên nhân gián tiếp làm tăng nguy cơ bị đột quỵ.
Tháng 6/2020, Amy Louise Thorpe (34 tuổi, người New Zealand) đang mang thai 15 tuần, đã qua đời sau thời gian nghiện nước ngọt có ga. Cô uống đến 2 lít nước ngọt/ngày và khoảng 0,5-1 lít nước tăng lực.
Một trường hợp khác nam thanh niên 22 tuổi ở Trung Quốc đột ngột qua đời sau khi uống hết 1,5 lít nước ngọt trong 10 phút.
6 tiếng sau, bệnh nhân thấy bụng căng phồng kèm cơn đau dữ dội và được đưa đến cấp cứu Bệnh viện Chaoyang ở Bắc Kinh. Kết quả chụp CT cho thấy ở thành ruột và tĩnh mạch (cửa cung cấp máu cho gan) của bệnh nhân có nồng độ cồn bất thường. Điều này là nguyên nhân dẫn đến việc chàng trai bị thiếu oxy, thiếu máu cục bộ ở gan. Sau 18 giờ điều trị, bệnh nhân đã không qua khỏi.
Rượu, bia
Theo nghiên cứu gần đây của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), rượu, bia là đồ uống trực tiếp gây ung thư. Không ít bài báo cũng khẳng định tác hại của thức uống này với sức khỏe.
Một nghiên cứu di truyền học công bố trên tạp chí The Lancet cho thấy uống rượu nhẹ đến vừa cũng làm tăng huyết áp và nguy cơ đột quỵ. Nghiên cứu thực hiện trên 500.000 người ở Trung Quốc trong 10 năm.
Tại Anh, khoảng 16% nam giới và 20% phụ nữ bị đột quỵ ít nhất một lần trong đời. Nếu họ uống thêm rượu bia, dù chỉ 1-2 ly/ngày, nguy cơ này cũng tăng lên gấp đôi.
Theo Giáo sư David Spiegelhalter, Đại học Cambridge, Anh, người uống nửa chai rượu mỗi ngày có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn 38%. Trên thực tế, một nghiên cứu khác cũng cho thấy rằng uống 1-2 ly rượu mỗi ngày có thể làm tăng 10-15% nguy cơ đột quỵ. Đặc biệt, con số này ở người uống trên 4 ly mỗi ngày là 35%.