Khoai sọ có tác dụng gì đối với sức khỏe
Khoai sọ, chứa nhiều tinh bột, lipid, đường, chất xơ, sinh tố và khoáng chất: Sắt, Canxi và nhiều acid amin. Các chất xơ trong khoai giúp tăng hoạt động hấp thu của ruột và tác dụng nhuận tràng chống táo bón; các acid béo chưa no linoleic và linolenic có tác dụng làm hạ huyết áp, giãn mạch, giảm cholesterol máu,
Tăng cường hệ miễn dịch: Theo VTC News, củ khoai sọ chứa rất nhiều vitamin C và chất chống oxy hóa khác có lợi cho việc giữ hệ thống miễn dịch của cơ thể. Bằng cách loại bỏ các gốc tự do, cơ thể sẽ tỉnh táo và chống lại nhiều loại bệnh nguy hiểm.
Chống suy nhược cơ thể: Trong khoai sọ có chất gluxit-đây là một chất chiếm lượng lớn trong khoai sọ. Gluxit có tác dụng cung cấp năng lượng, nuôi dưỡng tế bào thần kinh, chống suy nhược cơ thể. Đặc biệt đối với người gầy, mới ốm dậy hoặc hay có dấu hiệu suy nhược cơ thể thì dùng canh khoai sọ nấu móng giò hoặc dùng khoai sọ nấu thịt nạc sẽ giúp cơ thể mau phục hồi.
Ổn định huyết áp: Đối với những người có huyết áp cao, kali chứa trong khoai sọ có thể giúp ổn định và giảm huyết áp.
Tốt cho tim mạch: Bên trong khoai sọ chứa một số khoáng chất quan trọng như kẽm, magiê, đồng, sắt, mangan và kali. Kali là một thành phần quan trọng của tế bào và chất dịch cơ thể giúp điều chỉnh nhịp tim.
Chống lão hóa hiệu quả: Trong khoai sọ vitamin E, vitamin A là hai loại vitamin có khả năng chống lại sự lão hóa. Nếu bổ sung loại củ này bạn sẽ giảm thiểu và làm mờ được các nếp nhăn, vết thâm. Đồng thời những tế bào bị hư hại cũng sẽ được làm trẻ hóa. Do đó, để có một làn da sáng khỏe thì chị em đừng bỏ qua loại củ này nhé.
Phòng ung thư: Theo Tiền Phong, hàm lượng vitamin C và B6 dồi dào trong khoai sọ giúp cơ thể tăng đề kháng, chống lão hóa. Trong khoai sọ có chứa hơn 17 loại acid amin rất cần thiết cho cơ thể. Khoai sọ còn chứa omega-3 và 6 rất tốt với tim mạch, góp phần ngăn ngừa ung thư cũng như phòng tránh bệnh tật nói chung.
Hỗ trợ trị viêm thận: Không chỉ giàu chất xơ, trong khoai sọ còn chứa cả vitamin và phốt pho tạo điều kiện tốt chữa những người bị viêm thận nên có thể dùng khoai sọ trong thực đơn hàng ngày như nấu với rau muống, canh thịt… nhưng nêm gia vị nhạt hơn so với những người bình thường. Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng khoai sọ nấu với gạo thành cháo, có thể cho thêm một chút đường sẽ có tác dụng phòng cũng như hỗ trợ điều trị bệnh viêm thận mãn tính.
Giảm béo hiệu quả: 100g khoai sọ có thể cung cấp cho cơ thể khoảng 112 calo, trong khi khoai tây chỉ nạp vào 87 calo. Do đó, loại khoai này mang đến năng lượng dồi dào giúp bạn thực hiện các hoạt động sống. Ngoài ra, lượng Carbohydrate phức hợp trong khoai sọ còn có tác dụng làm chậm tiêu hóa giúp no lâu, đồng thời giảm cảm giác thèm ăn. Đặc biệt, chúng còn ít chất béo và giàu protein nên rất phù hợp với những người đang có mong muốn giảm cân.
Trị táo bón, nhuận tràng: Khoai sọ có tác dụng trị táo bón, nhuận tràng, chống suy nhược cơ thể, chống tiêu khát và hỗ trợ viêm thận.
Gợi ý món ngon từ khoai sọ
Canh xương hầm khoai sọ: Khoai sọ 60g, xương cẳng hoặc xương sống lợn 100g. Khoai sọ gọt vỏ rửa sạch, xương lợn chặt thành đoạn ngắn, thêm muối, nước, gia vị. Đun nhỏ lửa trong 2 giờ, ăn ngày 2 lần, có tác dụng khu phong trừ thấp. Dùng cho các trường hợp nổi ban dị ứng, đau nhức tay chân.
Cháo khoai sọ, củ mài: Khoai sọ 200g, sơn dược (củ mài) 50g, gạo tẻ 50g, nấu cháo ăn trong ngày. Thường xuyên ăn món cháo này có tác dụng ích khí (tăng thể lực), bổ tỳ vị (tăng cường chức năng tiêu hóa), dùng chữa chứng đuối sức, mệt mỏi, kém ăn, miệng khát.
Canh cua khoai sọ rau rút: Cua đồng 200g, khoai sọ 60g, rau rút 1 mớ. Cua đồng rửa sạch, bỏ yếm và mai, giữ lại gạch cua, giã nát, lọc lấy nước, cho mắm muối vừa ăn; Khoai sọ cạo bỏ vỏ, rửa sạch bổ miếng vừa ăn: Rau rút nhặt lấy phần lá, cọng non, bỏ rễ và bấc, rửa sạch. Cho khoai vào nước cua, nấu đến khi khoai chín nhừ, cho rau rút vào, đun vừa chín là được. Dùng món ăn này rất tốt cho người tâm trạng bồn chồn, kém ăn, ít ngủ.
Ai không nên ăn khoai sọ?
Người mắc các bệnh dị ứng như nổi mề đay, chàm, hen suyễn hoặc viêm mũi dị ứng vì nó làm trầm trọng thêm triệu chứng bệnh.
Người bị đờm là những người không nên ăn khoai sọ. Điều này là do nó có thể làm tăng lượng đờm trong cơ thể và cản trở sự phục hồi của bệnh.
Hạn chế hoặc không nên cho trẻ ăn khoai vì hệ tiêu hóa của trẻ con yếu nên tiêu hóa khoai tương đối chậm.
Bị gout không nên ăn khoai sọ. Bởi trong khoai có chứa hàm lượng lớn calci oxalat dẫn đến làm trầm trọng thêm triệu chứng bệnh gout.
Lưu ý: Mặc dù khoai sọ rất tốt cho sức khỏe, tuy nhiên bạn cần lưu ý những điều dưới đây để tránh những tác dụng không mong muốn của loại thực phẩm này:
Khi ăn khoai, bạn nên vứt bỏ các phần bị hỏng và mọc mầm để tránh gây ngộ độc.
Không nên gọt vỏ khoai quá dày sẽ làm mất một lượng lớn protein trên vỏ.
Do khoai có chứa chất gây ngứa nên những người có da nhạy cảm nên đeo găng tay khi gọt để tránh gây kích ứng da.
Khi sơ chế, bạn nên ngâm kỹ và nấu chín để giảm bớt hàm lượng calci oxalat.