Riềng là một thành viên thuộc họ gừng. Chúng là loại thảo mộc lâu năm, phổ biến ở đông nam Trung Quốc và vùng đồng bằng Tây Bengal, Assam và Đông Himalaya ở Ấn Độ.
Riềng ở Việt Nam được bán giá rẻ chỉ vài chục ngàn đồng/kg nhưng ít ai biết, nó đã được khoa học chứng minh rất nhiều lợi ích tuyệt vời.
Từ xa xưa, y học cổ truyền Ayurveda Ấn Độ và y học cổ truyền Trung Quốc đã biết sử dụng các bộ phận khác nhau của củ riềng để điều trị cảm lạnh, đau dạ dày, viêm, tiểu đường, loét, buồn nôn, tiêu chảy, bệnh chàm và các bệnh cấp tính và mãn tính khác nhau.
Hạt của riềng được sử dụng như một chất làm thơm miệng, làm sạch răng miệng, hỗ trợ tiêu hóa và nhuận tràng. Hoa riềng được sử dụng như một loại gia vị hoặc rau. Rễ cây riềng được sử dụng như một loại gia vị và nguồn tinh dầu (như gừng).
Theo lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Việt Nam), trong Đông y riềng là loại củ có vị cay thơm, tính ấm vào hai kinh tỳ và vị. Riềng củ thái lát mỏng, đem muối chua có tác dụng chữa ho, viêm họng, tiêu hóa kém. Hạt riềng tán nhỏ, uống 6 - 10g có thể chữa ăn không tiêu, buồn nôn.
Khoa học chứng minh riềng chữa bệnh gì, có tác dụng gì?
1. Sở hữu đặc tính chống đái tháo đường
Theo một nghiên cứu trên động vật năm 2015, chiết xuất methanolic của riềng có khả năng chống đái tháo đường. Khi các nhà khoa học lấy chiết xuất riềng cho chuột mắc bệnh tiểu đường sử dụng, kết quả cho thấy riềng làm giảm mức cholesterol và chất béo trung tính, cải thiện chuyển hóa lipid và ngăn ngừa các biến chứng tiểu đường.
Chiết xuất của riềng được phát hiện có tác dụng ức chế chuyển hóa carbohydrate, giảm thiểu sự tăng đột biến đường huyết sau bữa ăn. Hoạt động kiểm soát glucose ngang bằng với các loại thuốc trị đái tháo đường tổng hợp.
Ngoài ra, do hoạt động chống oxy hóa của nó, loại thảo dược này có thể bảo vệ gan và tuyến tụy của bạn khỏi tác động và tổn thương do oxy hóa gây ra.
Riềng đem về rất nhiều lợi ích cho sức khỏe.
2. Chống ung thư dạ dày, ung thư da
Chiết xuất nước của riềng có thể ức chế sự tăng sinh của các dòng tế bào khối u dạ dày của con người. Thân rễ của củ riềng có chứa hai hợp chất quý, đó là acetoxychavicolacetate và p-coumaryl alcohol-O-methyl ether - được biết là có tác dụng chống lại các tế bào ung thư.
Chiết xuất từ riềng cũng có tác dụng chống ung thư trên các tế bào u ác tính (da), ngăn ngừa ung thư da.
3. Có thể giúp điều trị viêm khớp và các loại viêm khác
Thân rễ riềng có chứa flavonoid, tannin, saponin, glycosid và một số hợp chất phenol. Các chất phytochemical này cho thấy tác dụng chống viêm và giảm đau mạnh. Ngoài ra, các chất chống viêm như gingerol có trong riềng có thể làm giảm các triệu chứng viêm khớp, đặc biệt là viêm khớp dạng thấp .
4. Riềng có tác dụng tăng số lượng, chất lượng tinh trùng
Một nghiên cứu năm 2014 được thực hiện bởi Tạp chí Y học Sinh sản Iran về tác động của củ riềng đối với khả năng sinh sản của nam giới đã kết luận rằng việc áp dụng thảo dược này đã làm tăng số lượng tinh trùng di động lên gấp 3 lần.
Lưu ý:
- Riềng đã được sử dụng trong y học cổ truyền Ayurvedic và Trung Quốc trong nhiều thế kỷ. Loại củ này thường an toàn khi nó được tiêu thụ với lượng vừa phải. Các nghiên cứu trên động vật cho thấy dùng quá nhiều riềng có thể khiến cơ thể dẫn đến các tác dụng phụ nghiêm trọng, bao gồm hôn mê, tiêu chảy, đi tiểu nhiều, chán ăn, giảm mức năng lượng và tử vong.
- Nước ép và tinh dầu của nó có thể giúp kiểm soát các vấn đề tiêu hóa, cảm lạnh, ho, tiểu đường và tăng huyết áp. Bạn có thể thử thay thế gừng bằng riềng trong trà thảo mộc của mình. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng loại gia vị này khi bạn đang dùng thuốc.
- Không giống như gừng, riềng không cần gọt vỏ.
- Lương y Vũ Quốc Trung khuyến cáo riềng là loại củ có tính nóng nên phụ nữ có thai nên hạn chế sử dụng kẻo làm ảnh hưởng đến thể trạng, trước khi sử dụng bất cứ loại thảo dược nào để chữa bệnh bà bầu cũng nên tham khảo ý kiến của bác sĩ.