Vợ sang nhà mẹ đẻ, chồng mở cửa sổ gọi về
Lê Hữu Trường (SN 1995) và Lê Thị Thanh (SN 1997), quê ở huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa), vốn là bạn thanh mai trúc mã, nhà chỉ cách bức tường rào, 2 cổng cách nhau 15m.
Cái thời "ngày xưa ấy", Trường và Thanh cùng chơi đuổi bắt, đánh khăng, bắn bi… và coi nhau như anh em. Có đồ ăn ngon, cả hai chia sẻ cho nhau. Có những buổi trưa, Trường và Thanh cùng trẻ con trong xóm, trốn bố mẹ đi chơi đến chiều mới về. Những kỷ niệm thời thơ ấu cũng chính là điều gắn kết tình cảm giữa hai người.
Trường và Thanh (2 người được khoanh đỏ) chụp ảnh cùng người thân.
Không chỉ Trường và Thanh, hai bên gia đình cũng gần gũi, thân thiết. Chị gái của Trường coi Thanh như em gái. Khi trưởng thành, mỗi người đi học, đi làm một nơi nhưng vẫn giữ tình cảm tốt đẹp, lần nào về cũng “í ới” gọi nhau.
"Từ nhỏ bọn mình đã chơi với nhau thân thiết, chia sẻ mọi thứ. Nhưng thời đó còn bé nên hai đứa chỉ coi nhau là anh em. Năm 2017, mình đi Nhật xuất khẩu lao động, thi thoảng nhắn tin nói chuyện với Thanh.
Hai đứa kể chuyện ở quê, ở Nhật Bản cho nhau nghe. Mình cũng tâm sự với Thanh rất nhiều để vơi nỗi nhớ quê hương. Năm 2022, mình về Việt Nam chơi được nửa năm thì hai đứa nảy sinh tình cảm rồi chính thức yêu đương”, Trường chia sẻ.
Hai gia đình thấy các con yêu nhau thì mừng ra mặt, tìm mọi cách tác hợp. Đến đầu tháng 3/2024, Thanh và Trường về chung một nhà. Ngày cưới là ngày có nhiều kỷ niệm đáng nhớ nhất với Thanh và Trường. Vì quá gần nên hai nhà phải bàn bạc chia ngày, chia hàng xóm để mời.
"Khi đón dâu, nhà trai chỉ cần đợi đúng giờ lành thì đi bộ sang nhà gái mất tầm 2 phút. Cô dâu đứng bên này nhìn chú rể từ bên kia, lại giơ tay chào trêu chọc", Trường chia sẻ.
Anh cho rằng bản thân rất may mắn vì lấy vợ gần nhà. Không chỉ tiết kiệm được nhiều chi phí đám cưới như tiền xe hoa, đi lại mà cả hai còn được về thăm bố mẹ thường xuyên. Sau này có con, vợ chồng anh có thể gửi ông bà chăm sóc hộ.
Ảnh chụp ngày cưới tái hiện bức ảnh tuổi thơ.
Lúc vợ chồng giận nhau, thi thoảng Thanh vẫn hay nũng nịu chuyện không được ngồi xe hoa. Nhưng Trường hiểu, vợ giận nên nói vậy chứ cô rất hạnh phúc vì lấy được chồng gần, được thường xuyên về nhà bố mẹ đẻ.
Hai năm trước, nhà Trường và nhà vợ đều được xây lại, vẫn làm hàng rào ngăn cách. Nhưng Trường đã làm một cái cửa thông hai nhà để đi lại đỡ phải vòng ra ngõ.
"Gần rồi lại muốn gần thêm, mình làm cái cổng như vậy để vợ tiện là chạy sang luôn, khỏi phải mất công mở cổng to. Phòng mình ở tầng 2, nhìn xuống là cửa tầng 1 nhà vợ, cách nhau tầm 5m. Vậy nên ngày nào vợ sang nhà mẹ đẻ chơi, nếu không sang tận nơi, mình hay mở cửa sổ để gọi về", Trường cho biết.
Mẹ chồng quý con dâu như con gái
Cưới nhau được hơn 2 tháng, Trường sang Nhật tiếp tục công việc, còn Thanh ở quê cùng với nhà chồng.
Trường kể, vì nhà gần nhau nên mấy lần vợ đi làm về, tiện đường phóng xe luôn vào nhà mẹ đẻ, quên mất việc đã đi lấy chồng. Mỗi ngày, Thanh về nhà "thăm" bố mẹ 8 - 10 lần. Hai nhà gần nhau nên việc đi qua, đi lại, về thăm hay ngủ lại nhà bố mẹ đẻ, mẹ chồng cũng không để ý và luôn tạo điều kiện cho con dâu.
Thi thoảng, nhà nào không nấu kịp cơm thì chạy sang nhà kia ăn hoặc xin thức ăn mang về. Có đồ ăn ngon, hai nhà thường xuyên mang sang cho nhau. Từ ngày lấy vợ hàng xóm, Trường càng yên tâm khi đi làm ăn xa.
Nhà Trường (2 tầng), nhà Thanh (1 tầng) chỉ cách nhau hàng rào.
Mẹ chồng Thanh là người rất tâm lý, yêu thương con dâu như con gái. Hai bên gia đình thông gia quen biết, thân thiết từ xưa nên tình cảm tốt đẹp.
"Mẹ mình hay nhờ con dâu nhổ tóc bạc, 'buôn' đủ thứ chuyện trong xóm, trong làng rồi cười nói rất vui vẻ. Nhìn cảnh đó, mình thấy ấm lòng. Mẹ nhiều tuổi nhưng tính tình hiện đại, thoải mái, thích đi mua sắm. Mẹ mua máy giặt, máy sấy, máy rửa bát về cho con dâu dùng để đỡ vất vả", Trường nói.
Nhưng đó là bà sắm cho con dâu dùng, còn những lúc con bận, mẹ chồng lại tranh thủ giặt tay vì không thích dùng máy. Bà giặt cả quần áo của con dâu và phơi phóng cho con đỡ vất vả khi đi làm về.
Cặp đôi hạnh phúc bên nhau.
Cuối tuần được nghỉ, nàng dâu chở mẹ chồng đi chợ, mua sắm đồ. Tình cảm gia đình thắm thiết khiến Trường quên đi nỗi vất vả ở nơi xa.
“Giờ đây, mình đang ở Nhật lao động, thấy mẹ và vợ mình quý mến nhau, mình yên tâm rất nhiều. Đối với mình, lấy vợ gần là điều tuyệt vời và vô cùng may mắn”, Hữu Trường bộc bạch.