Tôi lấy chồng cùng quê. Hai nhà cùng tỉnh, khác huyện. Bố mẹ tôi kinh doanh nhỏ còn gia đình nhà chồng thuần nông, cũng thuộc diện khá khó khăn.
Ngày tôi dẫn người yêu về ra mắt, dù rất ưng tính tình của con rể tương lai nhưng khi biết hoàn cảnh của nhà anh, mẹ tôi đã tỏ ý không thích. Hay nói đúng hơn, mẹ tôi đã phản đối kịch liệt việc con gái gả về nhà nghèo như vậy. Mẹ tôi sợ tôi phải chịu khổ. Thời gian ấy, tôi phải thuyết phục mãi mẹ tôi mới chấp nhận cuộc hôn nhân này.
Sau khi kết hôn, chúng tôi thuê nhà và làm việc ở Hà Nội, thỉnh thoảng về quê thăm ông bà hai bên.
Ảnh minh họa
Do hệ tư tưởng khác nhau nên khi tôi sinh con, giữa mẹ đẻ và mẹ chồng tôi có nhiều điều không hài lòng về nhau. Mẹ đẻ tôi là người có tư tưởng khá tân tiến trong khi mẹ chồng lại có phần cổ hủ. Thế nên khi chăm tôi ở cữ, hai bà liên tục "va" nhau mà không ai chịu nhường ai.
Rồi những lúc con tôi bị ốm, mẹ đẻ liên tục giục tôi đưa đi bệnh viện. Còn mẹ chồng lại muốn chữa bằng các biện pháp dân gian. Chính vì vậy, nhiều lúc tôi ở giữa cũng có phần khó xử.
Biết mẹ đẻ và mẹ chồng không hợp nhau nên tôi cũng hạn chế tối đa việc nhắc đến thông gia trước mặt hai bà. Khi nào thật sự có việc, tôi mới đề cập đến. Thế nhưng, vừa qua, một chuyện không may đã xảy ra khiến tôi đang rơi vào tình huống vô cùng éo le.
Chẳng là cách đây không lâu, mẹ chồng tôi kêu hay khó thở, đau ngực và mệt nhiều nên bảo tôi cho đi khám. Kết quả, bà mắc bệnh lý tim mạch, cần phải can thiệp phẫu thuật.
Mẹ chồng phải nhập viện chuẩn bị cho ca mổ. Nhà tôi lại là con trưởng, không thể đùn đẩy trách nhiệm cho ai.
Nhưng thú thực đúng thời điểm đó, công việc của tôi đang gặp chút vấn đề. Việc kinh doanh của chồng cũng chậm nên thu nhập không ổn định. Trong khi nhà tôi mỗi tháng cũng phải chi tiêu khá nhiều khoản nên hầu như không để được chút tiết kiệm nào.
Đang không biết vay ai, tôi bỗng nhớ trước đó hơn một tháng mẹ đẻ có nhờ tôi mở một cuốn sổ tiết kiệm 100 triệu đồng để phòng khi có việc thì dùng đến. Tiền của ông bà nhưng tôi là người đứng tên để tiện cho việc giao dịch ở ngân hàng.
Suy đi tính lại, tôi quyết định rút số tiền tiết kiệm của mẹ đẻ về để có tiền đóng viện phí cho ca mổ và thuốc men cho mẹ chồng. Khi đó, tôi chỉ nghĩ đơn giản, nhà đang có việc cần đến tiền nên vay tạm mẹ đẻ. Lúc nào xoay được tiền lại mở lại sổ cho mẹ đẻ sau.
Tuy nhiên, chuyện bất ngờ đã xảy ra. Em trai tôi đang học lớp 11 mới đây không may bị tai nạn xe máy cũng phải vào viện cấp cứu. Mẹ đẻ gọi cấp tốc cho tôi đi rút tiền về để đóng viện phí cho em.
Khi ấy, tôi hơi rối vì thực chất tôi đã tiêu hết tiền cho mẹ chồng rồi. Sau khi bị bà hỏi nhiều quá, tôi đành thú nhận là đã lấy tiền của bà để lo cho mẹ chồng trước đó. Tôi sẽ cố vay mượn để có tiền lo cho em trai.
Nghĩ mẹ sẽ thông cảm cho mình. Thế nhưng, tôi đứng hình khi thấy bà lớn tiếng trong điện thoại: "Chị giỏi lắm. Giờ trong mắt chị chỉ có mẹ chồng là nhất. Mẹ chồng là ưu tiên số 1. Nhà ngoại có là gì đâu.
Tiền tôi chắt chiu, nhặt nhạnh tiết kiệm từng đồng từng hào bảo chị đi gửi tiết kiệm, chị lại lấy đi lo cho mẹ chồng mà không nói với tôi câu nào. Thế hóa ra tôi phơi mặt ra kiếm tiền để cho kẻ khác hưởng à. Giờ nhà tôi cần đến tiền thì chị kêu đi vay. Chị nghĩ xem, như thế có chấp nhận được không".
Chưa kịp để tôi lên tiếng, mẹ tôi tiếp tục: "Ngay từ ban đầu tôi đã nói là đừng lấy về nhà đấy chị không nghe. Bây giờ sáng mắt ra chưa. Cái gì cũng đến tay. Bà ấy đi mổ thì chị lo từ A đến Z, ở lại chăm bẵm ngày đêm để được cái gì. Nhà ấy có thừa kế cho chị của chìm của nổi gì không mà chị hết lòng như thế".
Sau khi mắng con gái xối xả, mẹ tôi cúp máy. Tôi biết mình sai khi rút tiền của mẹ mà không nói với bà câu nào. Nhưng cách bà nói về nhà chồng tôi, tôi thấy hơi quá.
Để làm dịu cơn nóng giận của bà, tôi đã phải phi đi gom vay mượn khắp nơi để mang đủ số tiền 100 triệu trả cho mẹ. Nhưng bà vẫn hậm hực, cầm tiền và không thèm nhìn mặt tôi.
Hiện giờ, mẹ đẻ vẫn đang giận tôi. Tôi nên làm thế nào để xoa dịu chuyện này?