Bệnh thủy đậu bắt đầu bùng phát và ra tăng số người mắc từ trước Tết. Ghi nhận của Kiến Thức thời điểm tháng 1/2017 số bệnh nhi mắc bệnh thủy đậu nhập viện điều trị tại các Bệnh viện như Bệnh viện Nhi trung ương, Bệnh viện da liễu, Bệnh viện E ra tăng đáng kể. Ngoài ra, lác đác có một số người lớn nhiễm bệnh.
|
Bệnh nhân mắc thủy đậu đang được bác sĩ thăm khám và điều trị. Ảnh: Thùy Dương TN. |
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại số lượng bệnh nhân là người lớn nhập viện điều trị vì mắc bệnh thủy đậu bất ngờ ra tăng mạnh so với trước đó. Thậm chí có một số người đã tiêm phòng thủy đậu nhưng vẫn mắc bệnh.
Khảo sát tại Bệnh viện E Hà Nội, trong 1 tuần qua số lượng bệnh nhân là người lớn vào viện thăm khám điều trị vì mắc bệnh thủy đậu ra tăng khá nhanh. Thậm chí có người phải nhập viện điều trị theo dõi biến chứng vì bị sốt cao, đau đầu, mệt mỏi nổi mụn nước khắp vùng mặt, đầu và toàn thân.
Được biết chỉ trong 1 tháng gần đây, khoa nhiệt đới Bệnh viện E tiếp nhận và điều trị hơn 20 ca mắc bệnh thủy đậu trong đó có nhiều bệnh nhân phải nhập viện vì đều có biểu hiện nặng, bội nhiễm, có nguy cơ biến chứng.
Tại Bệnh viện đa khoa Xanh pon các bệnh nhân mắc thủy đậu là người lớn và trẻ em cũng ra tăng mạnh thời điểm sau Tết Đinh Dậu.
Theo thông tin mà bác sĩ khoa khám bệnh bệnh viện này cũng cấp: "Có trường hợp bệnh nhân là giáo viên mầm non 24 tuổi lây bệnh thủy đậu của học sinh tại trường và mắc bệnh. Sau đó, bệnh nhân này tới bệnh viện chữa trị, khỏi bệnh thì lại lây sang cho con gái và cháu ruột. Cuối cùng cả gia đình đó có tới 3 người lây bệnh thủy đậu chéo sang nhau".
Thủy đậu là một bệnh rất dễ lây, dễ bùng phát thành dịch. Cũng giống như sởi và một số bệnh do virus khác, thủy đậu thường bùng phát vào mùa đông xuân hàng năm, kéo dài cho tới hết mùa xuân. Trẻ em trong độ tuổi từ 2-8 tuổi có nguy cơ mặc bệnh cao nhất. Ngoài ra, người lớn vẫn có thể nhiễm bệnh và lây chéo từ người khác. Đa số người mắc chưa được tiêm vắc xin phòng thủy đậu, tuy nhiên cũng có một số trường hợp đã tiêm vắc xin rồi vẫn mắc bệnh.