Chị Y Bal (ở làng Kon Gung, xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) buồn rầu kể về những lần vượt cạn khi sinh ra 2 đứa con dị dạng.
Các con của chị ngay từ khi mới sinh đã có làn da trắng bệch, đôi mắt đỏ ngầu, sợ ánh sáng, chỉ thích sống trong bóng tối. Chính điều này khiến dân làng nghĩ rằng con chị là “ma cà rồng”. Thương con, người mẹ đau khổ ấy đã quên mình để cứu con và cùng các con sống trong chuỗi ngày rụt rè, e ngại.
|
Hai chị em Y Sol và Y Hil. Ảnh: Bàu Thanh Thủy |
Chỉ thích sống trong bóng tối
Làng Kon Gung là nơi xa nhất của xã Đăk Mar, muốn vào làng phải vượt qua nhiều ngọn núi, khe suối. Làng Kon Gung đẹp, yên bình giữa thiên nhiên hoang dã của núi rừng Tây Nguyên. Khi hỏi thăm về 2 chị em “ma cà rồng”, già làng Y Vai vẻ mặt trầm tư: “Khổ các cháu ấy, không biết mắc bệnh gì, mười mấy năm nay chỉ sống trong bóng tối, chúng không chịu được ánh nắng mặt trời”. Nói rồi, già làng liền gọi chị em Y Sol, Y Hil ra gặp chúng tôi.
Y Sol 14 tuổi, người dong dỏng cao, da và tóc trắng toát như hoa cà phê. Còn Y Hil mới 6 tuổi, da và tóc trắng hơn cả chị. Thi thoảng, 2 cô bé đưa bàn tay che mặt rồi hé mắt nhìn chúng tôi qua kẽ tay. Y Sol bảo: “Ở ngoài trời sáng, cháu không mở mắt ra được. Nếu mở mắt sẽ đau, chảy nước, không nhìn được gì”.
Nghe Y Sol nói vậy, chúng tôi dẫn 2 chị em vào nhà, đóng cửa, căn nhà tối om, chỉ còn thứ ánh sáng lờ mờ. Lúc này, Y Sol và Y Hil dần trở nên dạn dĩ, linh hoạt. Khi chúng tôi bật màn hình điện thoại, mắt của 2 cô bé như “hút” ánh sáng, trở nên đỏ rực như những hòn than. Thấy vậy, chúng tôi hỏi: “Hai cháu thích điều gì?”. Không ngần ngại, Y Sol trả lời ngay: “Cháu thích bóng đêm”, rồi nắm lấy tay Y Hil đứng nép vào một góc nhà.
Người dân làng Kon Gung kể, nhiều lần họ chứng kiến cảnh chị em Y Sol, Y Hil say sưa chơi các trò chơi trong bóng đêm. Khi đưa ra dưới ánh sáng mặt trời các cô bé đáng thương này đều không chịu được. “Có bận khi con gà gáy lần thứ nhất, người ta còn thấy Y Sol trèo cây hái ổi sau vườn. Hàng ngày, bố mẹ các cháu đi tưới rẫy mì, chăm cây cà phê ở tận bên kia sông. Thi thoảng Y Sol cũng đi cùng, nhưng vì mắt sợ ánh sáng nên cháu phải đi từ khi trời chưa sáng và trở về nhà lúc mặt trời đã xuống núi”, già làng Y Vai cho biết.
Ký ức kinh hoàng của người mẹ bất hạnh
|
Già làng Y Vai cho biết, chị em Y Sol và Y Hil rất thích bóng đêm. |
Cho đến giờ, chị Y Bal vẫn chưa hết rùng mình khi nhớ lại giây phút vừa sinh xong Y Sol. Lúc đó thấy hình hài của con gái chị kỳ lạ, dân làng cho rằng con chị là “ma cà rồng”, sau này lớn có thể làm phương hại đến họ. Vì vậy, họ ép vợ chồng chị phải chôn sống cháu bé.
Quá hoảng sợ và thương con, nhưng chị không có cách giải thích nào có thể lọt tai dân làng. Trong sự tuyệt vọng, chị ôm con đến gặp cán bộ y tế xã, huyện. Qua thăm khám ban đầu của bác sỹ cho thấy, con gái chị bị bệnh bạch tạng bẩm sinh. Cũng phải nhờ sự giải thích của cán bộ y tế, chính quyền và già làng mà dần dần dân làng không ép chị phải mang con vào rừng chôn sống nữa.
Nhưng càng lớn, Y Sol càng có biểu hiện lạ. Cháu không thể chịu được ánh sáng mặt trời, đôi mắt luôn đỏ ngầu như mắt cá chày. Y Sol lại đặc biệt thích nghi với bóng tối, có thể nhìn được trong bóng tối. Vì lẽ đó mà những lời dị nghị về việc Y Sol là “ma cà rồng” lại tiếp tục ám ảnh dân làng. Nhiều người thường kéo đến nhà chị Y Bal để ngó nghiêng Y Sol và dùng sức ép bắt vợ chồng chị phải từ bỏ đứa con trong rừng sâu. Mỗi lần như thế, chị Y Bal như đứt từng khúc ruột, nhưng chị cương quyết bảo vệ con mặc dù nhận được nhiều lời đe dọa của những người cuồng tín, thiếu hiểu biết.
Sau nỗi đau Y Sol, chị Y Bal sinh thêm bé Y Hil, nhưng bầu trời như sụp đổ với người mẹ này khi bé Y Hil có tình trạng bệnh giống hệt chị gái. Vượt qua sự nghi ngại của dân làng, vợ chồng chị Y Bal lặng lẽ làm thuê cuốc mướn nuôi các con, lặng lẽ khóc mỗi khi màn đêm buông xuống, lặng lẽ với những ánh nhìn kỳ thị của nhiều người.
Theo già làng Y Vai, hiện cuộc sống của Y Sol và Y Hil đã ổn định hơn. Các cháu đã vượt qua quãng thời gian khủng khiếp khi bị dân làng xa lánh, ghẻ lạnh. Nhưng do không thể tiếp xúc với ánh sáng, mọi sinh hoạt của các cháu chỉ khép kín trong bốn bức tường, trong điều kiện không ánh sáng. Cũng vì thế mà các cháu không thể tới trường học như các bạn cùng trang lứa.
Tìm hiểu của chúng tôi, do nhận thức của người dân vùng sâu, vùng xa còn hạn chế nên nỗi ám ảnh về “ma cà rồng” còn hiện hữu ở không ít buôn làng Tây Nguyên. Nhiều người bị nghi là “ma cà rồng” phải chịu sự ghẻ lạnh, hắt hủi. Chính quyền các cấp cơ sở đang tích cực tuyên truyền để người dân rời xa nỗi ám ảnh này.
Ông A Za, cán bộ y tế xã Đăk Mar cho biết: “Ban đầu dân làng phản ứng rất gắt gao, bắt gia đình Y Bal phải bỏ cháu bé. Chúng tôi đã nhanh chóng thăm khám, giải thích cho người dân về chứng bệnh nan y mà cháu gặp phải. Các bác sỹ ở tuyến trên cũng vào cuộc kiểm tra và kết luận cháu bé bị bệnh bạch biến toàn phần bẩm sinh. Từ đó, dân làng hiểu chuyện không còn gây áp lực với gia đình của bé nữa”.