Bất ngờ phát hiện bị ung thư buồng trứng đã di căn, bà Vũ Thị Nghiêm (72 tuổi ở số nhà 38, hẻm 16, ngách 53, ngõ 68 đường Cầu Giấy, Hà Nội) rất lo sợ. Thế nhưng, bà đã từng bước vượt qua trọng bệnh.
Lá chè xanh giảm đau rát
Gặp bà Nghiêm, quả thật không thể thấy dấu hiệu bệnh tật còn vương dù thời điểm này năm ngoái là thời điểm cam go của bà. Trong khi tiếp khách, bà còn tranh thủ cắm nồi cơm, đặt nồi canh liu riu bởi: “Tôi bận lắm, còn phải chăm ông nhà bị tai biến”.
|
Bà Nghiêm đang cho phóng viên xem các kết quả siêu âm, xét nghiệm mới nhất. |
Khi đã ngơi việc, bà chậm rãi chia sẻ: “Tháng 5/2014, tôi bị đi ngoài phân đen, đi khám, được chẩn đoán viêm dạ dày. Nhưng kết quả nội soi lại không phải vậy. Khi vào viện chụp cắt lớp thì bác sĩ phát hiện ra có khối u ở buồng trứng, bác sĩ Bệnh viện K T.Ư chẩn đoán là ung thư buồng trứng giai đoạn 3, đề nghị mổ và xạ trị...”. Khối u to bằng nắm tay, dài 9cm ở buồng trứng dính đến cả tử cung, dính ruột non đã được cắt bỏ. Sau xạ trị, bà được hẹn 3 tháng sau quay lại khám.
“Xạ không đau. Xạ xong 15 ngày thì phần dưới rất rát. Đến ngày 20 thì kinh khủng. Đến ngày thứ 25 thì phải nói là tột bậc...”, bà Nghiêm nhớ lại. Một người quen của bà làm trong bệnh viện cảnh báo: “Cẩn thận không lở loét suốt đời”. Được bác sĩ nói dùng lá chè xanh để vệ sinh, bà Nghiêm đã làm đúng như vậy. Hằng ngày bà đun nước lá chè xanh đặc, cho thêm ít muối, dùng khăn thấm nước đó đắp vào cửa mình, quả nhiên bà thấy hiệu nghiệm.
“Chỉ đắp chứ không chà rửa, sau xạ 1 tháng mới dùng nước lã và xà phòng để vệ sinh. Sở dĩ như vậy vì xạ xong, phần dưới da yếu, làm vệ sinh không kịp sẽ dẫn đến lở loét”, bà Nghiêm giải thích. Giờ, bà không còn phản ứng của xạ. Đi khám sức khoẻ, làm các xét nghiệm, các chỉ số đã bình thường, tế bào ung thư ở mức khiêm tốn.
|
Kết quả kiểm tra mới nhất. |
Thuốc Nam và thể dục hỗ trợ
Bà Nghiêm cho biết, sau khi xạ trị, bà được bác sĩ kê cho 20 thang thuốc, mỗi ngày uống 2 lần. Sau đó, qua tìm hiểu, bà dùng các thuốc bổ trợ như tam thất (mỗi ngày một thìa), nano tinh nghệ (ngày 4 viên), tảo nâu của Nhật (ngày 6 viên) và men tiêu hoá. Bà giải thích: “Tam thất sẽ làm tăng hồng cầu, thêm máu; nano tinh bột nghệ sẽ hạn chế lở loét, tảo hạn chế tế bào ung thư, còn men tiêu hoá làm hạn chế ảnh hưởng xấu do quá trình phẫu thuật đụng đến ruột non”.
Ngoài uống các thức trên, bà còn chăm tập luyện thể dục với những động tác cơ bản, trong đó có 2 động tác yoga, vừa tập vừa hít thở. Tập xong, bà ngồi thiền và thở. Bà Nghiêm đặt tay lên xương ức và nói: “Đây là đan điền trung, ở rốn là đan điền hạ. Hít ở đan điền trung, thở ra ở đan điền hạ. Cứ mỗi ngày hít thở 50 - 60 lần như thế sẽ thấy khoẻ ra”. Tất cả thời gian tập của bà kéo dài khoảng 45 phút, sau đó bà lại ngồi niệm Phật. Mỗi ngày cứ diễn ra như thế, bà thấy thanh thản, nhẹ nhàng.
- “Mình có bệnh thì đừng sợ sệt, phải đối đầu và tìm cách chiến đấu với nó. Khi xạ trị sẽ có những hệ quả của xạ; xạ diệt cả tế bào ung thư và tế bào lành. Sau xạ, cơ thể rất yếu, tim đập chậm, người mệt kinh khủng. Với bệnh ung thư buồng trứng, sau xạ, khi ngồi còn cảm thấy nóng rát như phải bỏng... Sau khi điều trị theo Tây y, tìm đến thuốc Nam như nghệ, tảo, tam thất sẽ giúp bồi bổ cơ thể, hạn chế sự phát triển của tế bào ung thư. Và đặc biệt cây lá như chè xanh - rất rẻ mà hiệu nghiệm với người bị hậu quả do xạ phần phụ”.
Bà Vũ Thị Nghiêm
- Trong quá trình điều trị ung thư theo Tây y, tuỳ từng bệnh cụ thể mà người bệnh thường gặp một số phản ứng phụ như khó ăn uống, phù nề, đau rát, bí tiểu, táo bón, mất ngủ... Đông y sẽ giúp giảm các triệu chứng, đồng thời cũng có những vị thuốc bổ nâng cao sức đề kháng của cơ thể, dùng cây cỏ ức chế tế bào ung thư.
Lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Việt Nam)