Câu chuyện được TS Nguyễn Quang – Giám đốc Trung tâm Nam học (Bệnh viện Việt Đức) chia sẻ tại Hội thảo “Cập nhật tiến bộ mới trong điều trị rối loạn cương dương” ngày 21.5. TS Quang cho biết, cặp vợ chồng này mới ngoài 20 tuổi, trẻ trung, khoẻ mạnh. Người chồng rất đau khổ vì anh yêu vợ nhưng lại không thể “yêu đương”. Dù hai vợ chồng cưới nhau đã 2 năm, họ hàng nội ngoại đều giục dã sinh con. Tuy nhiên, không ai biết rằng, anh chồng không “mần ăn” gì được nên 2 năm, vợ vẫn còn con gái.
Chẩn đoán cho thấy anh bị rối loạn cương dương toàn phần nên không thể hoạt động được. Anh chồng đi khám nhiều nơi, được điều trị nhiều liệu pháp nhưng không có kết quả. Sau khi thực hiện nhiều chẩn đoán, TS Quang thấy người chồng có Prolatin trong máu nên nghi ngờ anh chồng mắc u tuyến yên (não). Quả thật, kết quả chụp CT đã cho thấy người chồng bị u tuyến yên nên bác sĩ đã khuyên anh đi phẫu thuật lấy khối u. Giống như được “giải thoát”, người chồng sau phẫu thuật đã hoàn toàn “hô phong hoán vũ” trên giường. Hiện hai vợ chồng cũng đã có hai con, cuộc sống lứa đôi hạnh phúc.
|
Điều trị rối loạn cương dương càng sớm thì hiệu quả càng cao (Ảnh minh hoạ IT) |
“Nhiều người vẫn nghĩ “hỏng đâu chữa đó” nên khi bị rối loạn cương dương thì thường tập trung điều trị loanh quanh vùng "thắt lưng". Tuy nhiên, rối loạn cương dương liên quan nhiều đến yếu tố tâm lý, sức khoẻ. Một người làm việc căng thẳng, đang vay nợ đầm đìa thì chẳng có cách nào hưng phấn được. Hoặc một người vừa uống viagra để sẵn sàng vui vẻ nhưng vợ cằn nhằn, con khóc mếu thì dù đạn đã lên nòng cũng dễ xịt. Đặc biệt, rối loạn cương dương liên quan chặt chẽ đến bệnh tim mạch, đái tháo đường. Do đó, khi điều trị rối loạn cương dương cần tìm cả nguyên nhân "gốc rễ" thì mới có hiệu quả” – TS Quang nhận định.
Theo bác sĩ Nguyễn Bá Hưng - Trưởng Khoa Nam học (Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội), tình trạng rối loạn cương dương hiện nay ngày càng gia tăng và trẻ hoá. Các đối tượng dễ mắc rối loạn cương dương cũng thường là người sống ở thành phố, lao động trí thức, thức khuya, người nghiện thuốc lá, uống nhiều rượu, người mắc các bệnh mãn tính như tim mạch, tiểu đường, tăng huyết áp…
“Người làm việc trí não (nhân viên văn phòng, thương gia) thường bị căng thẳng, stress, thức khuya, ngồi nhiều, ít vận động. Khi cơ thể mệt mỏi, đầu óc cũng không thanh thản, khiến cho lưu thông máu không tốt, dẫn đến việc “trên bảo dưới không nghe”. Ngoài ra tình trạng ít vận động cũng dẫn đến nhiều bệnh mãn tính như béo phì, đái tháo đường, huyết áp cao… Đây là những kẻ thù của “phong độ đàn ông”. Nếu mắc các bệnh này thì đàn ông cũng khó khoẻ khoắn chuyện giường chiếu” – bác sĩ Hưng phân tích.
Bác sĩ Hưng chia sẻ, hiện nay, tỷ lệ đàn ông bị rối loạn cương dương khá cao, tuy nhiên đa số vẫn có tâm lý xấu hổ nên vẫn ít người đến bệnh viện điều trị hoặc tự chạy chữa theo mách nước, theo chỉ định của thày thuốc “google”. Điều này dẫn đến tình trạng bệnh lý ngày càng nặng hoặc chữa “lợn què thành lợn liệt”. “Rối loạn cương dương có nhiều nguyên nhân khác nhau, không ai giống ai. Các bạn càng đến các chuyên khoa nam học khám sớm chừng nào thì bệnh lý nhanh phục hồi chừng đó. Điều này không chỉ liên quan đến chất lượng sống, hạnh phúc lứa đôi mà có thể còn tiềm ẩn nhiều bệnh lý nguy hiểm đến tính mạng” – bác sĩ Hưng nói.
Theo bác sĩ Hưng, nếu như đàn ông bị rối loạn cương dương thì phải thay đổi cả lối sống, tăng cường vận động, thay đổi lối sống (không hút thuốc, lạm dụng bia rượu, ăn ít thức ăn nhanh)… thì năng lực “giường chiếu” mới có thể phục hồi.
GS-TS Đỗ Trọng Hiếu – bác sĩ nam khoa (Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn) cũng cho biết, ông thường xuyên gặp những chàng trai tuổi 20 đã bị rối loạn cương dương. Đối với lứa tuổi này, GS Hiếu cho biết, đa phần nguyên nhân gây nên tình trạng rối loạn cương dương là do tâm lý. Có anh chàng kinh doanh thất bại, có người thi trượt, có người bị người yêu chê “làm ăn không ra gì” nên bị “tụt cảm xúc”. Đối với những trường hợp này chỉ cần điều trị tâm lý là sẽ dần dần phục hồi phong độ.