Mắc bệnh hen suyễn nặng và từng bị tai nạn giao thông xẹp cột sống, ông Nguyễn Văn T. (H.Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) lại phải sống cảnh vô gia cư, túng quẫn, khi thuê trọ, khi ở nhờ nhà bạn.
Đã bốn năm ròng, ông theo đuổi vụ kiện tranh chấp tài sản với con gái ruột Nguyễn Ngọc Thiên N. (bài viết Con lừa đảo chiếm nhà, ngược đãi cha? đăng báo Phụ Nữ TP.HCM ngày 25/9/2017).
Do chung sống không hạnh phúc, muốn ly hôn êm xuôi, ông T. và vợ thỏa thuận về phân chia tài sản, không nhờ tòa. Các hợp đồng được ký kết tại phòng công chứng, theo đó, căn nhà lớn ở mặt tiền đường quốc lộ do ông bà đứng tên sẽ đem tặng cho con gái ông bà là chị N. và ông sẽ nhận căn nhà nhỏ, trên đường nội bộ do chị N. đứng tên, cùng khoản tiền bù vài trăm triệu đồng để ông dưỡng già, điều trị bệnh.
Ông T. cho biết: “Sau khi làm được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất - căn nhà lớn qua tên mình, N. nhiều lần thách thức, không thực hiện đúng giao ước ban đầu: không trả khoản tiền bù chênh lệch nhà nhỏ đổi nhà lớn và đưa đơn ngăn chặn việc tôi đăng ký sang tên căn nhà nhỏ. Vợ cũ và con gái đã liên kết để lừa tôi. Tôi đang có nhà để ở, để dưỡng bệnh, để thờ cúng tổ tiên, nay nhà cửa bị chiếm đoạt hết. Thực ra cả hai nhà đó có nguồn gốc từ tài sản riêng của tôi. Một ngày tôi đi trị bệnh, xuất viện về thì thấy ổ khóa đã bị đổi. Con tôi vứt hết đồ đạc của tôi ra đường, kể cả máy thở, khiến tôi phải sang nhà hàng xóm ở nhờ, đến nhà bạn bè tá túc. Những người xung quanh phản đối hành động bất hiếu, con tôi đều phớt lờ. Không thể để mặc con ngang nhiên chiếm đoạt tài sản, ngược đãi cha, tôi đã nộp đơn khởi kiện vào năm 2016”.
|
Ông Nguyễn Văn T. mong mỏi được xét xử và rồi thất vọng vì phiên tòa lại hoãn |
Những đợt bệnh nặng, dù phải đến tòa trên xe đẩy, ông T. vẫn luôn có mặt đúng giờ, mang theo đống giấy tờ cùng bịch thuốc cắt cơn. Ai cũng cảm thương cho ông trong cảnh già yếu khổ sở, càng xót xa khi đối tượng mà ông đòi nhà chính là con gái ruột. Ông có nhiều con, một số sinh sống làm ăn ở xa, số còn lại ở địa phương, nhưng bỏ mặc ông từng ấy năm. Bệnh tật nhập viện, ông nhờ bạn bè nuôi giúp. Những khi tòa triệu tập, chị N. không đến, chỉ nhờ luật sư và người đại diện, đôi khi chẳng có ai.
Nguyện vọng của ông là vô hiệu hóa những hợp đồng đã công chứng, của ai trả lại nấy vì con đã thất tín. Bốn năm vụ xử dằng dai chưa ra bản án sơ thẩm, mà ông T. sức tàn lực kiệt, quỹ thời gian không còn nhiều với tình trạng bệnh tật nặng nề, và điều kiện ăn ở, sinh sống thiếu thốn.
Đường đi hồ sơ của ông rối như canh hẹ. Đầu tiên, vào giữa năm 2016, đơn khởi kiện của ông đã được Tòa án nhân dân (TAND) H.Trảng Bom thụ lý. Trong quá trình giải quyết vụ án, do đương sự có yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên tòa huyện chuyển hồ sơ lên tòa tỉnh vào cuối năm 2016.
TAND tỉnh Đồng Nai rất nhiều lần đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm rồi lại tạm ngừng phiên tòa với các lý do: cần xác minh, thu thập chứng cứ bổ sung liên quan đến yêu cầu khởi kiện bổ sung của nguyên đơn; để thực hiện thủ tục kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận và công khai tài liệu, chứng cứ…
Bất ngờ, vào tháng 3/2019, tòa tỉnh lại chuyển ngược về tòa huyện để giải quyết vụ án theo thẩm quyền. Tại đây, vụ án tiếp tục kéo dài do phía bị đơn xin hoãn phiên tòa, nhiều lần thay đổi thẩm phán từ sự phân công sắp xếp của tòa. Phiên tòa nhiều lần tạm ngừng và tạm đình chỉ giải quyết vụ án. Lý do: cần xác minh, thu thập bổ sung tài liệu, chứng cứ; mà nếu không thực hiện thì không thể giải quyết được vụ án, và không thể thực hiện được ngay tại phiên tòa; trên diện tích đất đang tranh chấp có người đang sinh sống cần phải đưa vào tham gia tố tụng trong vụ án, với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan…
Triệu tập đến để xét xử, nhưng khi ông T. đến chỉ nghe thông báo hoãn kèm lý do a, b, c và lại ngóng lịch xử lần sau cách xa cả tháng. Vì quá phiền toái, bất bình vụ án kéo dài ở cả tòa huyện và tòa tỉnh với mấy chục lần đi tới lui hòa giải, nộp chứng cứ, xét xử, ông T. đã làm đơn gửi nhiều nơi để thúc đẩy tòa án giải quyết rốt ráo.
Vào tháng Bảy, TAND H.Trảng Bom trả lời ông rằng do vụ án có tính chất phức tạp nên việc thu thập tài liệu, chứng cứ, tống đạt, niêm yết các văn bản tố tụng cần phải đảm bảo thời hạn theo quy định của bộ luật tố tụng dân sự. Đồng thời cho biết phiên tòa sẽ mở vào ngày 31/7/2020.
Tuy nhiên, đúng ngày giờ xét xử, ông T. nôn nao đến dự thì chờ mãi bên bị đơn không ai tới. Cán bộ tòa đưa ông một thông báo đính chính địa chỉ của các bên đương sự. Do sai sót ở khâu đánh máy, các văn bản tố tụng in sai địa chỉ ấp, cụ thể chữ “Đà” bị đánh nhầm thành chữ “Hòa”. Cán bộ bảo ông về nhà chờ.
Nhà đâu mà về? Tay cầm giấy mời xét xử sẽ diễn ra cuối tháng tám, ông T. thở dài ngán ngẩm. “Ngày ấy chốt chưa hay lại đến và nhận một thông báo hoãn với những lý do toàn “đúng quy trình”. Còn cần bổ sung gì không, còn sai sót gì không để chỉnh luôn một thể…” - ông T. tần ngần ở cổng tòa. Đây mới là xử sơ thẩm mà đã bốn năm chưa ra bản án. Nếu các bên đương sự kháng cáo lên phúc thẩm vì cảm thấy không thỏa đáng hoặc vì cố tình chơi chiêu “ầu ơ ví dầu” thì đến bao giờ mới kết thúc, trong khi cuộc sống hằng ngày của ông T. cơ khổ, bệnh tật, không còn sức lao động, không chốn nương thân.
Về pháp luật, cần sớm có một phán quyết thấu tình đạt lý cho vụ tranh chấp cha con đau lòng này. Về pháp luật lẫn đạo lý, dù mâu thuẫn đến mức nào, người cha cũng phải mở lòng; người con cũng phải gác bỏ tất cả để phụng dưỡng, chăm sóc, quan tâm cha mẹ già, người ít nhiều có công sinh thành, nuôi nấng mình khôn lớn. Một bản án công tâm, nhân văn cùng lời khuyên răn kịp thời sẽ tránh khoét sâu thêm mâu thuẫn gia đình, để cứu lấy tình phụ tử dưới móng vuốt của đồng tiền và sân hận.