“Tôi thấy nó dẫn trai về nhà, mỗi tuần một người, thậm thà thậm thụt. Chị coi chừng nó bị dụ dỗ, làm chuyện không giống ai rồi rước bệnh vào người”, cô Tư hàng xóm gọi chị ra nói nhỏ như thế vào một buổi chiều muộn, khi chị trở về nhà sau một ngày mệt bã ở cơ quan và ngán ngẩm với núi việc nhà đang chờ.
Vậy là cuồng phong nổi lên, trước khi chị kịp nhận thức mình đang làm gì. Con trai chị, 24 tuổi, tóc nhuộm xanh nhuộm đỏ, ăn xong chỉ biết nằm. Nó thất nghiệp cả năm nay nên không phụ được chị đồng nào.
Chị quen chiều con từ nhỏ, quần quật hết ở nhà rồi đến công ty, chỉ mong nó sớm có việc làm, cưới vợ, ổn định cuộc sống cho chị được nhờ, vậy mà…
Chị thật không chịu nổi. Chị rủa sả con bằng những từ ngữ tệ hại nhất, làm ầm ĩ cả xóm đều nghe. Chị vứt đồ con ra đường và bảo chị không muốn có đứa bẩn thỉu ở trong nhà. Chị la hét cho sướng miệng, cho thỏa những ấm ức, mệt mỏi bấy lâu nay và cả nỗi tuyệt vọng vừa ập đến.
Và nó bỏ đi thật. Điện thoại không liên lạc được. Chị đến nhà người quen, nhà bà con, nhà bạn bè nó… nhưng chẳng ai gặp nó, không ai biết nó đi đâu. Cùng đường, chị báo công an nó mất tích. Vẫn không tìm được con.
Chị gầy rộc đi, mất ngủ rồi ngã bệnh. Những ngày nằm trên giường, nước mắt chảy ướt gối.
Con lên 6 tuổi, chồng chị mất vì tai nạn. Chị ở vậy nuôi con đến giờ. Thương nó mồ côi cha, chị bảo bọc, chăm sóc nó từng li từng tí. Nhà không khá giả nhưng chị nhịn ăn, nhịn mặc, lo cho nó không thiếu thứ gì. Việc gì chị cũng giành làm, để nó có thời gian học, thời gian chơi. Chị hay trách nó vô tâm, không thương mẹ, mà giờ nghĩ lại, hình như cũng tại chị.
Trong những cơn nửa tỉnh nửa mê, chị mơ thấy nó, rồi lẩm nhẩm một mình: “Con về đi, mẹ sai rồi. Con về đi, mẹ sẽ không đuổi con đi nữa”. Nhưng mãi, chẳng thấy nó về. Chị như hóa điên.
Ba tháng sau, nó về nhưng không về một mình. Cảnh sát đưa nó về. Nó hết tiền nên đi giựt đồ của người ta rồi bị bắt. May mà nó chỉ giựt nhầm cái túi đựng thức ăn, giá trị không lớn, nên chưa phải ở tù.
Chị khóc, nó cũng khóc. Chị xin lỗi nó, nó xin lỗi chị, hai mẹ con ôm nhau. Chỉ mới ba tháng thôi mà chị tưởng dài như cả ba năm.
Chị dẫn nó đi đền tiền và xin lỗi người ta, rồi dẫn nó đi cắt tóc, ăn một bữa ngon. Nó về nhà, ngủ suốt hai ngày.
Tỉnh dậy, nó kể chị nghe những ngày lang thang đầu đường xó chợ, ngủ trên ghế đá công viên, ăn cái gì cũng đắt đỏ, hết tiền tiêu thì phải bán dần từng cái quần, cái áo, nó mới thấy ở với mẹ sướng biết chừng nào.
“Con thấy con tệ với mẹ biết bao nhiêu. Con xin lỗi, ngày mai con sẽ đi kiếm việc làm”, nó khóc.
|
Chị biết mình sẽ không bao giờ bỏ rơi con lần nữa, dù con có thế nào. |
Chị cũng khóc: “Không phải lỗi của con, là tại mẹ. Mẹ nuôi con mà không dạy, cũng không để ý tâm tư tình cảm của con. Con tha lỗi cho mẹ. Con có như thế nào, con vẫn là con của mẹ. Mẹ sẽ không bao giờ đuổi con đi nữa”.
Hai mẹ con họ ôm nhau, vừa khóc vừa cười. Người ta hay bảo sau cơn mưa trời lại sáng, có những biến cố trong cuộc đời mà chỉ khi nó xảy đến, ta mới nhận ra những sai lầm mình phạm phải, những điều quý giá mình đang có, để sống tốt hơn ngày hôm qua.