Khám sức khỏe tiền hôn nhân phát hiện mắc ung thư cổ tử cung

Google News

Theo các chuyên gia, ung thư cổ tử cung là bệnh phổ biến ở chị em phụ nữ. Dấu hiệu ban đầu thường mờ nhạt, dễ nhầm với các bệnh phụ khoa khác nên khiến nhiều chị em chủ quan, chẩn đoán muộn dẫn tới tỉ lệ tử vong cao.

Suýt không thể mang thai vì ung thư cổ tử cung

BVĐK MEDLATEC mới đây đã tiếp nhận trường hợp nữ bệnh nhân 24 tuổi ở Hà Nội mắc ung thư cổ tử cung. Bệnh nhân đến khám sức khỏe tiền hôn nhân và trước đó có đi khám phụ khoa ở một phòng khám, bác sĩ kết luận viêm lộ tuyến cổ tử cung và đặt thuốc âm đạo vài lần.

Vào viện, bác sĩ quan sát cổ tử cung bằng mắt thường, bác sĩ thấy lộ tuyến khá rộng, không có gì bất thường. Với lý do bệnh nhân đã quan hệ tình dục cách đây 4 năm, là người trực tiếp thăm khám, BS Nguyễn Thị Hiền - Chuyên khoa Sản phụ khoa, BVĐK MEDLATEC đã tư vấn bệnh nhân thực hiện sàng lọc sớm ung thư cổ tử cung bằng bộ đôi xét nghiệm tế bào cổ tử cung và xét nghiệm HPV.

Kết quả xét nghiệm tế bào cổ tử cung là ASCUS - tế bào vảy không điển hình, ý nghĩa chưa xác định và nhiễm HPV type 16. Do HPV 16 là type có nguy cơ gây ung thư cổ tử cung rất cao nên bệnh nhân được chỉ định soi cổ tử cung. Hình ảnh soi cổ tử cung cho thấy có lớp sừng hóa ẩn dày, bác sĩ đã bấm sinh thiết cổ tử cung. Kết quả giải phẫu bệnh cho thấy là ung thư biểu mô tế bào vảy tại chỗ.

Vì bệnh nhân còn trẻ và chưa sinh con nên đã được chuyển tuyến nhập viện Phụ sản Trung ương và được chỉ định khoét chóp cổ tử cung với hy vọng giữ được cổ tử cung giúp để có thể sinh con sau điều trị và theo dõi. May mắn là bệnh nhân được phát hiện kịp thời nên vẫn có khả năng mang thai sau này.

Kham suc khoe tien hon nhan phat hien mac ung thu co tu cung

Ung thư cổ tử cung phát hiện sớm sẽ có cơ hội chữa khỏi. Ảnh TL

BS Hiền khuyến cáo, ung thư cổ tử cung là bệnh phổ biến ở phụ nữ. Nhiều trường hợp chị em đến khám khi đã có biểu hiện bất thường nên có không ít trường hợp phát hiện ra bệnh ở giai đoạn muộn đã phải hối tiếc vì bỏ qua "giai đoạn vàng" điều trị bệnh.

Việc nhập viện trong giai đoạn muộn khiến việc điều trị trở nên khó khăn và bệnh nhân phải phẫu thuật cắt bỏ một phần hay toàn bộ tử cung, tước bỏ quyền làm mẹ của người phụ nữ. Thậm chí có những bệnh nhân phát hiện ở giai đoạn cuối tỉ lệ tử vong cao.

Điều cần làm để tránh ung thư cổ tử cung

Theo báo cáo của HPV Information Center năm 2018, ung thư cổ tử cung phổ biến thứ 3 ở phụ nữ. Ở nước ta, mỗi năm khoảng 4.177 ca mắc mới và 2.420 ca tử vong do căn bệnh này, tức mỗi ngày có 7 phụ nữ tử vong do ung thư cổ tử cung. Những con số này là lời cảnh báo cho chị em phụ nữ cần quan tâm đến sức khỏe của mình hơn.

Theo các chuyên gia, đa phần các trường hợp mắc ung thư cổ tử cung đến khám và điều trị khi bệnh đã ở giai đoạn muộn. Do bệnh ung thư cổ tử cung diễn ra âm thầm, lặng lẽ, hầu như không có biểu hiện và triệu chứng rõ ràng khi ở giai đoạn sớm. Ở giai đoạn muộn hơn, bệnh nhân có thể thấy mệt mỏi, quan hệ tình dục ra máu, kém ăn, sụt cân nhưng ít người nghĩ đến ung thư cổ tử cung nên không đi khám sớm.

Ung thư cổ tử cung là bệnh có thể chữa khỏi khi phát hiện sớm và điều trị ở giai đoạn đầu. Điều này cũng giúp cho việc điều trị hiệu quả, nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. Bởi vậy, chị em nên đi khám sức khỏe định kỳ. Đừng vì cảm thấy khỏe mạnh, quan hệ tình dục an toàn nên không có nguy cơ mắc bệnh mà chủ quan.

Để phòng ngừa và bảo vệ phụ nữ khỏi ung thư cổ tử cung, BS Hiền khuyến cáo:

- Các bé gái trong độ tuổi từ 9 đến 26 tuổi nên tiêm phòng ung thư cổ tử cung;

- Những người trẻ tuổi nếu quan hệ tình dục trên 3 năm nên thăm khám phụ khoa sàng lọc tế bào cổ tử cung và làm xét nghiệm HPV định kỳ theo chỉ định của bác sĩ;

- Phụ nữ trên 30 tuổi cũng cần thường xuyên thăm khám phụ khoa và sàng lọc tế bào CTC, HPV định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ.

Theo Phương Thuận/Giadinh.net

>> xem thêm

Bình luận(0)