Từ lâu, các gia đình vẫn dùng nước muối để sát khuẩn. Đặc biệt, loại nước này cũng được nhiều người dùng để súc miệng khi bị đau họng, ho kéo dài nhằm sát khuẩn.
|
Tự pha nước muối để sát trùng vết thương là thói quen của hầu hết chúng ta. |
Tuy nhiên, điều đáng nói là mọi người pha nước muối theo sở thích của bản thân mà không có quy chuẩn nào. PGS. TS Trần Hồng Côn, khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự Nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: “Muối hay còn gọi NaCl (muối dùng trong nhà bếp), khi hòa vào nước với liều lượng 0,9 % tức 1 lít nước/9 gram muối (nước muối đẳng trương) giúp cho việc sát khuẩn nhẹ, dùng súc miệng, rửa mũi với mục đích làm sạch, sát trùng nhẹ".
Nếu pha nước muối quá mặn khiến cho lúc sử dụng có thể cảm thấy rát cổ họng hay rát đầu lưỡi. Ngược lại, nếu chúng ta dùng nước muối sinh lý với liều lượng 0,9 % thì sẽ không xảy ra hiện tượng đó, do nồng độ muối trong dung dịch ngang với nồng độ muối trong cơ thể nên không cảm thấy rát.
Việc sử dụng dung dịch nước muối pha với liều lượng mang tính ước chừng có gây nguy hiểm gì cho sức khỏe? Chuyên gia cho biết: “Việc pha muối vào nước với liều lượng như thế nào cho chuẩn không yêu cầu phải tuyệt đối chính xác. Liều lượng có thể là 0,8%, 0,9% hay có thể cao hơn thế nữa cũng không ảnh hưởng nhiều trừ khi dùng nước muối quá đặc, khi ấy hàm lượng nước trong dung dịch sẽ thấp.
Khi đưa dung dịch nước muối quá mặn vào trong cơ thể, cơ thể phải tiết nước để cân bằng nồng độ.muối. Nếu nhỏ nước muối quá mặn vào mũi khiến niêm mạc mũi bị khô hoặc nếu súc miệng sẽ làm khô niêm mạc ở họng. Đó cũng là lý do tại sao khuyến cáo không nên dùng muối quá đặc”, chuyên gia nhấn mạnh.
Theo chuyên gia hóa học, nếu dùng nước muối quá đặc (mặn) để súc miệng - họng sẽ rất dễ gây tổn thương các tế bào ở miệng - họng. Nồng độ nước muối không phù hợp có thể làm tổn thương niêm mạc mũi, giảm khả năng tự miễn dịch của mũi.
Chú ý gì khi sử dụng?
Nếu mũi hoàn toàn trong trạng thái bình thường, không nên sử dụng nước muối để rửa mũi, họng thường xuyên vì sẽ vô tình làm mất đi lớp thảm nhầy bảo vệ mũi, họng đồng thời giảm chức năng bảo vệ của lớp thảm này. Khi đó, mũi lại càng dễ bị viêm và tổn thương niêm mạc hơn. Mọi người có thể sử dụng nước muối sinh lý một lần mỗi tuần, đặc biệt là khi làm việc hoặc đi lại ở những vùng nhiều bụi bặm.
Theo chuyên gia Hồng Côn, nồng độ muối tại các cơ quan trong cơ thể là khác nhau. Ví dụ như nồng độ muối trong máu là 0,9%, trong nước bọt mặn hơn một chút, trong nước tiểu mặn hơn nữa. Cho nên việc dùng nồng độ muối trong dung dịch nước muối ở mức vừa phải sẽ không ảnh hưởng đến các bộ phận của cơ thể.
|
Nếu pha nước muối quá đặc khiến mắt, mũi bị khô. |
“Những vị trí bị thương trên cơ thể hoặc vết viêm họng khiến vị trí đó mất khả năng tiết dịch để chống lại vi khuẩn. Chính vì thế, khu vực bị thương là vị trí thuận lợi cho vi khuẩn cư trú và tạo mủ gây nguy hiểm. Nước muối đưa vào sẽ giúp cơ thể có thể tiêu diệt vi khuẩn và các loại bụi bẩn", chuyên gia nói.
Việc dùng nước muối để sát trùng sẽ tạo ra một môi trường giống như huyết thanh trong máu của cơ thể nhằm hạn chế được sự phát triển của vi khuẩn. Tuy nhiên nước muối này chỉ mang tính sát khuẩn nhẹ, chứ không thể tiêu diệt được tất cả các vi khuẩn.