Đã 6 tháng kể từ ngày anh "hồi tâm chuyển ý" mà quay về với gia đình sau cơn say nắng. Người ta nói biết phục thiện còn quý hơn vàng. Nhưng Linh đang khổ sở vì thứ gọi là vàng này.
Anh say nắng một cô khách hàng, những buổi làm việc chung từ văn phòng sang quán cà phê rồi chuyển sang khách sạn. Anh vẫn ăn cơm nhà, vẫn tròn nhiệm vụ đón con mỗi chiều, lương tháng đưa đủ, ngày lễ ngày kỷ niệm vẫn hoa vẫn quà. Và dù đã “ăn no” mỗi ngày, anh vẫn ngủ ngon trên giường Linh.
Linh không cần biết người thứ 3 đó là ai, nếu chồng không có lòng, thì mười người như cô ấy cũng chẳng làm được gì. Giờ thiếu gì những cô gái muốn tận dụng “vốn tự có”, muốn tiết kiệm thời gian đi bộ, ở nhà trọ, nên thèm xe hơi nhà tầng là chuyện đương nhiên. Linh không khôn cũng không đến nỗi dại nên không thèm hỏi đến người thứ 3. Linh chỉ hỏi anh định thế nào?
Việc anh biến chuyện công thành chuyện tư, biến khách hàng thành bạn chung giường do người công ty anh phát hiện. Linh là người biết sau cùng. Tất nhiên là anh bị cho thôi việc ngay sau đó. Và Linh chẳng tài giỏi để có thể che giấu anh khỏi những tai tiếng.
|
Linh chẳng tài giỏi để có thể che giấu anh khỏi những tai tiếng. (Ảnh minh họa) |
Linh chôn sâu những đau đớn, không nói ra, để anh quên đi "tai nạn" này. Linh đã cố coi đó là “tai nạn”, bởi vì như những người đàn bà khác, Linh cũng mong hai đứa con có đủ cha mẹ. Mong chúng có một gia đình hoàn chỉnh, nhưng trong lòng Linh, vị trí của anh đã bị thu hẹp.
Lấy cớ phải kèm con gái lớn học bài, Linh ngủ luôn bên phòng con. Giờ mà bảo Linh nằm chung giường, Linh không làm được. Buổi sáng anh không đi làm, nên Linh cũng không muốn dậy sớm cắm đầu vào bếp. Linh thấy tiếc những buổi tối cố ninh ít xương hay con gà, sáng ra mắt nhắm mắt mở nấu cho anh tô phở, tô miến, nào ai biết anh ăn rồi chỉ ít phút sau đó đã lại ăn thêm tô nữa ở quán xá nào đó.
Chưa có ý định đi làm lại, suốt ngày anh ở nhà xem phim lên mạng nhưng việc nhà vẫn một tay Linh lo, cơm nước cũng đợi Linh về nấu. Linh hỏi anh khi nào đi tìm việc, anh nói chưa muốn, Linh nói anh ở nhà thì lo nhà cửa, anh nói những việc đó Linh vẫn làm và làm tốt kia mà. Anh không đi làm nhưng trước đó những gì anh mang về cái nhà này đủ cho anh ở nhà ăn chơi cả năm. Linh hỏi, còn hai đứa con thì sao? Khi ấy anh im lặng.
Anh không dám ra ngoài nhìn ai, còn Linh thì sao? Ra đường Linh luôn cảm thấy ánh mắt thiên hạ nhìn mình giễu cợt lẫn thương hại, rằng do ăn ở hay kém cỏi sao mà để chồng tòm tem bên ngoài. Đã thế còn ngậm đắng nuốt cay chịu đựng.
Không có gì thay đổi sau buổi nói chuyện ấy. Anh vẫn làm những gì anh thích. Thậm chí còn không đón con. Anh không nói gì nhưng cứ lì ra như đang muốn hành hạ Linh. Linh nói một thì anh bảo hai, Linh nhờ anh nói chuyện với con, thì anh lặp điệp khúc: “Thứ người như tôi nói giờ ai nghe”.
Linh gọi điện anh không nghe máy, tối về anh nói cô biết anh ở nhà rồi còn gọi làm gì, tính kiểm tra hay giám sát? Không cần phải đề phòng vậy, anh “tởn” rồi. Bất cứ chuyện gì anh cũng có thể lái hoặc bóng gió nhắc đến “tai nạn” kia, như thể Linh mới là tội đồ, là đầu dây mối nhợ.
Anh chỉ quan tâm cảm xúc của mình mà không nghĩ Linh cũng cần lắm sự đồng lòng, chia sẻ, nhưng Linh cố vun vào thì anh lại xới ra. Làm sao Linh quên khi ba ngày năm bữa anh lại nhắc. Anh nhắc mà anh không biết rằng, chỉ nhìn thấy anh Linh lại nhớ chuyện cũ.
Nói tha thứ, lãng quên hay buông bỏ thì dễ lắm, nhưng có thật sự buông được hay không mới là quan trọng. Từ ngày anh ngoại tình, trong nhà không có tiếng cười, mâm cơm không đủ mặt vì anh luôn ăn sau, đừng nói gì đến những chuyến ra ngoài cùng nhau mỗi cuối tuần như xưa…
Cho nên, sau bữa tối hôm qua, anh đề nghị ly hôn, Linh chợt thấy nhẹ nhõm. Có lẽ đó là sự lựa chọn đúng đắn nhất với cả hai ở thời điểm này.