Ngày 16-7, BV Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) tiếp nhận bé trai CPTT (1 ngày tuổi, ngụ Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) nhập viện trong tình trạng khó thở, tím tái, lơ mơ, hôn mê.
Bệnh sử ghi nhận trẻ sinh thường, đủ tháng, cân nặng lúc sanh 3,7 kg tại một BV chuyên khoa sản tỉnh. Sau sinh, bé tím tái, thở rên, co kéo, rút lõm ngực nặng, lơ mơ, ghi nhận nước ối vàng đặc, màu ối nhuộm da. Bé được điều trị hỗ trợ hô hấp thở ôxy, sau đó đặt nội khí quản giúp thở, kháng sinh, chuyển BV Nhi đồng Thành phố.
Tại đây, bé được các BS thăm khám làm các xét nghiệm, chẩn đoán suy hô hấp nặng, viêm phổi do hít phân su, được xử trí tiếp tục thở máy, kháng sinh, dịch truyền tĩnh mạch. Tuy nhiên, diễn tiến suy hô hấp ngày càng nặng.
|
Bé trai được điều trị tại BV Nhi đồng Thành phố. Ảnh: BVCC |
Các BS đã hội chẩn với ê kíp ECMO tiến hành đặt cannula mạch máu và gắn nối với hệ thống máy ECMO để cung cấp ôxy qua màng ngoài cơ thể. Từ đó chuyển máu có ôxy vào hệ tuần hoàn trong cơ thể để cung cấp ôxy cho mô và các cơ quan trong cơ thể trẻ.
Kết quả sau gần một tuần chạy ECMO, phối hợp với các điều trị hỗ trợ tích cực khác, tình trạng suy hô hấp cải thiện dần. Bé được cai máy ECMO, tình trạng cải thiện rõ rệt, tổn thương phổi phục hồi, chức năng trao đổi ôxy của phổi rất tốt, chức năng các cơ quan ổn định. Bé đã được rút nội khí quản, tự thở khá qua hỗ trợ ôxy, ăn sữa hoàn toàn. Hiện bé được 25 ngày tuổi và đang được theo dõi chăm sóc tích cực tại khoa Hồi sức sơ sinh.
Phương pháp sử dụng tuần hoàn và trao đổi ôxy màng ngoài cơ thể giúp hỗ trợ chức năng sống ở các bệnh nhân suy tuần hoàn hoặc suy hô hấp nặng, đáp ứng kém hoặc không đáp ứng với các biện pháp hồi sức thông thường. Đây là trường hợp trẻ sơ sinh đầu tiên được thực hiện ECMO tại bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cũng là trường hợp sơ sinh đầu tiên tại miền nam Việt Nam.
|
Các bác sĩ bệnh viện can thiệp đặt máy ECMO trênhững mạch máu li ti của bệnh nhi. Ảnh: BVCC |
Các BS khuyến cáo, khi thấy ra nước ối có màu xanh đậm sản phụ cần báo ngay cho BS để được theo dõi sát nhịp tim thai, tình trạng suy thai, từ đó có những biện pháp can thiệp sớm tránh tai biến. Trẻ hít ối có phân su vào phổi có thể gây viêm và nhiễm trùng nặng. Phân su cũng có thể chặn đường thở, vỡ hoặc suy phế nang, không khí từ bên trong phổi có thể tích tụ trong khoang ngực và xung quanh phổi gây tràn khí màng phổi, gây khó khăn cho việc tái tạo phổi...