Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, vaccine phòng Covid-19 của AstraZeneca là loại đầu tiên được cấp phép lưu hành tại Việt Nam. Vaccine Covid-19 này có tên gọi là ChAdOx1 nCoV-19 hoặc AZD1222, được Đại học Oxford và hãng dược AstraZeneca của Anh phát triển.
Ngày 30/12/2020, vaccine này được Cơ quan Quản lý Thuốc và Sản phẩm Chăm sóc Sức khỏe (MHRA) chấp thuận sử dụng tại quốc gia này. Ngày 29/1, vaccine này cũng được Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu phê duyệt sử dụng trên 27 quốc gia thành viên của EU.
Hiệu quả
Theo nghiên cứu trên tạp chí y khoa danh tiếng The Lancet, phân tích ban đầu cho thấy vaccine của Oxford/AstraZeneca đạt hiệu quả trung bình 70% trên các tình nguyện viên.
|
Thủ tướng Anh Boris Johnson chứng kiến người được tiêm vaccine Covid-19 đầu tiên tại Bristol, Anh vào ngày 4/1. Ảnh: AP. |
Kết quả trên được đưa ra dựa trên các cuộc thử nghiệm tiến hành ở Anh và Brazil. Trong số những người đã tiêm mà vẫn mắc Covid-19, không có trường hợp nào tiến triển nặng hoặc phải nhập viện.
Điều quan trọng là hiệu quả này của vaccine Oxford/AstraZeneca cũng lạc quan hơn so với vaccine phòng cúm tốt nhất, khoảng 50%.
Do Covid-19 là bệnh mới, nhiều vấn đề chưa rõ ràng, các nhà khoa học chưa tìm ra việc vaccine có tác dụng trong bao lâu. Họ nhận định mọi người có thể cần tiêm phòng hàng năm như bệnh cúm.
Vào tháng 6/2020, hãng dược AstraZeneca cho biết họ có thể sản xuất khoảng 2 tỷ liều vaccine mỗi năm. Khoảng một nửa trong số đó được ký hợp đồng với Viện Huyết thanh của Ấn Độ để sử dụng cho các nước đang phát triển.
AstraZeneca cũng đã ký hợp đồng cấp phép để vaccine được sản xuất ở Brazil, Nam Phi và Trung Quốc.
Tác dụng phụ
Giống mọi loại vaccine, vaccine Oxford/AstraZeneca có thể gây ra các phản ứng phụ. Trong các nghiên cứu lâm sàng với vaccine, hầu hết tác dụng phụ có tính chất nhẹ đến trung bình và hết trong vòng vài ngày hoặc vài tuần sau khi tiêm chủng.
Các tác dụng xảy ra trong quá trình thử nghiệm lâm sàng vaccine Covid-19 của AstraZeneca bao gồm:
- Rất phổ biến (ảnh hưởng 1/10 người): Đau, nóng, đỏ, ngứa, sưng hoặc bầm tím ở chỗ tiêm, cảm thấy mệt mỏi, ớn lạnh hoặc sốt, đau đầu, buồn nôn, đau khớp hoặc cơ.
- Phổ biến (ảnh hưởng 1/10 người): Xuất hiện cục u ở chỗ tiêm, sốt, nôn mửa, triệu chứng giống cúm như đau họng, chảy nước mũi, ho và ớn lạnh.
- Không phổ biến (ảnh hưởng 1/100 người): Chóng mặt, giảm sự thèm ăn, đau bụng, xuất hiện hạch bạch huyết, đổ mồ hôi nhiều, ngứa da hoặc phát ban.
Trong các thử nghiệm lâm sàng, rất hiếm báo cáo về các biến chứng liên quan viêm hệ thần kinh, có thể gây tê, kim châm hoặc mất cảm giác. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn chưa xác nhận được liệu những vấn đề này có phải do vaccine hay không.
Cách thức hoạt động
Theo BBC, vaccine của AstraZenenca được tạo ra từ một phiên bản suy yếu của virus cảm lạnh thông thường (được gọi là adenovirus) từ tinh tinh. Nó được sửa đổi để trông giống virus corona hơn mặc dù không thể gây bệnh. Khi được tiêm vào cơ thể người, vaccine sẽ thúc đẩy hệ thống miễn dịch tạo ra các kháng thể.
Các adenovirus kích hoạt hệ miễn dịch bằng cách bật hệ thống báo động của tế bào. Tế bào phát ra tín hiệu cảnh báo để kích hoạt các tế bào miễn dịch gần đó. Bằng cách nâng cao cảnh báo này, vaccine Oxford/AstraZeneca khiến hệ miễn dịch phản ứng mạnh hơn với các protein đột biến.
|
Vaccine Covid-19 được cấp phép đầu tiên tại Việt Nam do Đại học Oxford và hãng dược AstraZeneca phát triển. Ảnh: MITTechnology. |
Khi một tế bào được tiêm chủng chết đi, mảnh vỡ chứa các protein đột biến có thể được tế bào miễn dịch (tế bào trình diện kháng nguyên) tiếp nhận. Sau đó, các tế bào T trợ giúp phát hiện ra những mảnh vỡ này, chúng có thể báo động và điều khiển tế bào miễn dịch khác (tế bào B) chống lại nhiễm trùng.
Một vài tế bào B có thể "khóa" các protein đột biến. Nếu được kích hoạt bởi các tế bào T, chúng sẽ bắt đầu phát triển và tiết ra các kháng thể nhắm vào protein đột biến. Các kháng thể có thể bám vào gai virus, đánh dấu virus để tiêu diệt, đồng thời ngăn chặn gai bám vào tế bào khác.
Tờ New York Times cho hay vaccine Covid-19 của AstraZeneca yêu cầu tiêm hai liều cách nhau 28 ngày, để tạo cơ hội cho hệ thống miễn dịch chống lại virus. Không giống vaccine của Pfizer (Mỹ) phải được giữ ở nhiệt độ cực lạnh (-70 độ C), nó có thể được bảo quản và vận chuyển ở nhiệt độ lạnh thông thường 2-8 độ C trong ít nhất sáu tháng. Trong quá trình sử dụng, vaccine có thể bảo quản 2-25 độ C.
Ngoài ra, giá vaccine này cũng dự kiến rẻ hơn. Vì vậy, đây là lợi thế giúp nó dễ dàng phân phối, triển khai trên toàn cầu, đặc biệt là ở những nước có thu nhập thấp và trung bình.