Vì sao bạn bị hôi miệng?
Có một thực tế đó là hơi thở của chúng ta cũng giống như mùi hương cơ thể, khác nhau giữa mỗi người, đồng nghĩa với việc không phải ai cũng có “hơi thở thơm tho” như mong muốn. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra hơi thở khó chịu hay còn gọi là hôi miệng. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ việc vệ sinh răng miệng kém, dẫn tới thức ăn thừa bám lại trên bề mặt lưỡi, giữa kẽ răng hay túi lợi, sau đó các vi khuẩn có trong miệng sẽ phân hủy những phần thức ăn thừa này tạo ra các chất hóa học có mùi.
Các nhiễm khuẩn trong miệng ví dụ sâu răng hay bệnh lý nha chu và ăn các loại thực phẩm như hành, tỏi hoặc hút thuốc... cũng góp phần gây ra hơi thở có mùi.
Ngoài ra, các bệnh lý khác như nhiễm khuẩn mũi, họng, viêm amidal hốc, viêm xoang mạn tính, viêm phế quản mạn tính, viêm phổi hoặc rối loạn hệ tiêu hóa như trào ngược dạ dày thực quản, viêm dạ dày cũng là nguyên nhân gây hơi thở hôi.
Nước bọt có tác dụng làm sạch thức ăn thừa và làm giảm nguy cơ gây sâu răng, vì vậy những người khô miệng cũng có nguy cơ có hơi thở hôi cao hơn những người bình thường.
|
Ảnh minh họa. |
Tác dụng và hệ lụy của nước xịt thơm miệng
Nước xịt thơm miệng có thành phần chủ yếu là các thảo dược có nguồn gốc thiên nhiên, một số thành phần hay gặp đó là bạc hà, bách lý hương, quế, cam thảo... Tuy nhiên, một số loại xịt thơm miệng có thêm cồn để làm tăng khả năng sát khuẩn miệng, họng.
Tinh dầu bạc hà giúp cho người dùng có cảm giác hơi thở thơm mát, sảng khoái, các phần tử mùi hương sẽ kích thích các tế bào khứu giác của cơ thể và gây ra các phản ứng tích cực đối với não bộ. Tinh dầu bách lý hương có chứa thymol có tác dụng khử khuẩn rất tốt, tinh dầu quế có tác dụng chống ôxy hóa, vi khuẩn và nấm... Cồn có tính sát khuẩn cao nhưng lại làm khô niêm mạc miệng họng, do đó cũng làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn miệng họng, tăng nguy cơ gây ra hơi thở hôi, do đó người dùng dễ bị phụ thuộc vào nước xịt miệng.
Thực tế, nước xịt thơm miệng có tác dụng nhanh trong việc làm giảm mùi hôi ở miệng, được dùng trong trường hợp những người có bệnh lý hôi miệng chưa rõ nguyên nhân hoặc sau khi ăn uống thức ăn có mùi, hút thuốc và cần làm giảm mùi khẩn cấp. Tuy nhiên nó không có tác dụng điều trị tận gốc hôi miệng và tác dụng của nó chỉ kéo dài trong khoảng 4-6 giờ. Việc sử dụng nước xịt miệng thường xuyên đôi khi gây ra sao nhãng việc vệ sinh răng miệng và sự phụ thuộc vào nước xịt miệng.
Đặc biệt đối với người có tình trạng vệ sinh răng miệng kém, hệ lụy của nước xịt thơm miệng còn gây ra những bệnh lý răng miệng nặng nề hơn mà người dùng không hề biết.
Lời khuyên của nha sĩ
Trên thị trường hiện nay xuất hiện nhiều sản phẩm nước xịt miệng có nguồn gốc và giá cả khác nhau, dao động từ 50-200 ngàn đồng. Tuy nhiên, không phải ai cũng là một nhà tiêu dùng thông thái để lựa chọn được loại sản phẩm đáng tin cậy để sử dụng. Khi sử dụng nước xịt miệng không rõ nguồn gốc với nồng độ cồn cao, gây khô miệng kết hợp với tình trạng vệ sinh kém, thậm chí có thể gây ra nhiễm khuẩn miệng, họng, thậm chí tạo môi trường cho nấm miệng phát triển.
Mặc dù không thể phủ nhận những tác dụng tích cực của nước xịt thơm miệng, đặc biệt trong giao tiếp, nhưng chúng ta cũng không nên lạm dụng quá mức vào loại nước này. Chúng chỉ nên được dùng trong những trường hợp cần giảm mùi nhanh mà không liên quan đến các tình trạng nhiễm khuẩn miệng hoặc các bệnh lý của đường tiêu hóa. Ví dụ như sau khi ăn các đồ ăn có mùi, hút thuốc lá, liên quan tới giao tiếp nhiều hoặc các trường hợp hơi thở hôi không rõ nguyên nhân.
Để cải thiện được mùi hơi thở, tốt nhất vẫn là vệ sinh răng miệng đúng cách: chải răng 2 lần mỗi ngày vào buổi sáng và buổi tối trước khi đi ngủ, sử dụng chỉ tơ nha khoa làm sạch kẽ răng, nước súc miệng để ngăn ngừa mảng bám răng, cạo lưỡi hàng ngày kết hợp với khám răng định kỳ 4-6 tháng lần để phát hiện và điều trị sớm các vấn đề răng miệng, cũng như điều trị các vấn đề về tiêu hóa...
Đối với trường hợp bắt buộc phải sử dụng nước xịt thơm miệng như hôi miệng không rõ nguyên nhân và liên quan nhiều tới giao tiếp, người dùng cũng cần tìm hiểu rõ về nguồn gốc và thành phần trong các sản phẩm nước xịt miệng. Tốt nhất nên sử dụng các sản phẩm không cồn và tăng cường uống nước để làm giảm bớt tình trạng khô miệng.
BS. Trần Thị Anh Thư (Khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện E Trung ương)/ SKĐS