|
Ảnh minh họa: Corbis |
Số liệu của Tạp chí Y khoa New England tại Mỹ cho thấy, cứ sau 25 phút, một em bé tại Mỹ sẽ chào đời với triệu chứng nghiện heroin, mephedrone, thuốc giảm đau hoặc cocaine mà mẹ của chúng sử dụng trong thời kỳ mang thai.
Vào năm 2004, tỷ lệ trẻ sơ sinh nghiện ma túy là 7/1.000. Nhưng trong năm 2013, tỷ lệ đó tăng vọt lên mức 27/1.000..
Ngày nay các bác sĩ cũng cần nhiều thời gian hơn so với trước đây để điều trị cho những trẻ sơ sinh nghiện ma túy. Nếu như trước đây thời gian trẻ cai nghiện ma túy là 13 ngày thì bây giờ các bác sĩ cần trung bình 19 ngày.
Ảnh hưởng của việc nghiện ma túy có thể hằn sâu vào DNA của trẻ, bác sĩ Paul Winchester - giám đốc Bệnh viện St Francis tại thành phố Indianapolis, bang Indiana, Mỹ - nhận định.
Bệnh viện Francis tiếp nhận ít nhất một trẻ sơ sinh nghiện ma túy mỗi tuần trong mấy tháng qua. Vào năm 2001, họ chỉ nhận một trường hợp tương tự mỗi năm.
Ở bang Kentucky, các cuộc khảo sát trên toàn bang cho thấy số lượng trẻ nghiện đã tăng từ 28 ca trong năm 2000 lên 1.409 trường hợp trong năm 2014.
Những trẻ nghiện ma túy thường khóc to và tỏ ra đau đớn nên các y tá phải trộn sữa của mẹ với morphine để giảm cơn đau của chúng.
Bác sĩ Winchester nói với Sky News rằng tình trạng thai phụ lạm dụng thuốc giảm đau là nguyên nhân khiến số lượng trẻ sơ sinh nghiện ma túy tăng vọt. Ông nói "cuộc chiến giảm đau" mà các hãng dược phẩm phát động khiến hàng nghìn thai phụ, bao gồm những phụ nữ có thu nhập thấp, sẵn sàng dùng mọi loại dược phẩm để giảm cơn đau.
"Khi không có đủ tiền để mua thuốc giảm đau theo đơn mà bác sĩ kê, nhiều người buộc phải bước ra phố để mua heroin và các loại chất gây nghiện khác để giảm đau", Winchester giải thích.