Tôi và chồng mới kết hôn được 3 năm, con trai thì gần hơn 1 tuổi. Vì hai bên gia đình đều ở xa, không thể hỗ trợ được nên lúc nghỉ sinh, hai vợ chồng bàn bạc tôi sẽ nghỉ hẳn vài năm để chăm con cho cứng cáp. Khoảng 2 tuổi thì gửi con đi nhà trẻ, lúc đó tôi sẽ đi làm lại.
Chính vì vậy, sau vài tháng sinh con, khi đã tiêu hết tiền bảo hiểm thai sản và tiền tiết kiệm, kinh tế trong nhà đều một mình chồng tôi gánh vác. Đến lúc này, tôi mới thấm cảnh ngửa tay xin tiền chồng.
Trước anh thoải mái bao nhiêu thì giờ anh khắt khe, tính toán chi li với vợ bấy nhiêu. Mọi khoản chi tiêu anh đều bắt tôi phải ghi rõ ràng để anh kiểm tra, phòng việc tôi tiêu xài hoang phí.
Không những vậy, anh còn “khoán” luôn việc nhà cho vợ. Hễ tôi ý kiến, anh lại bảo:
- Trước hai vợ chồng cùng đi làm thì hai vợ chồng cùng san sẻ việc nhà với nhau. Nay em ở nhà, không làm ra tiền thì phải làm hết việc nhà đi chứ? Ở nhà cả ngày, có mỗi việc trông con thôi mà cơm nấu không xong, nhà không quét nổi à?
Ấm ức lắm nhưng vì không làm ra tiền nên tiếng nói của tôi chẳng có trọng lượng. Cũng vì con mà tôi đành nín nhịn cho êm cửa êm nhà.
Từ khi tôi ở nhà chăm con, không kiếm ra tiền chồng thường xuyên tỏ thái độ coi thường vợ. (Ảnh minh họa)
Cách đây không lâu, khoảng 2 giờ sáng con trai đột nhiên lên cơn sốt. Lo lắng, tôi gọi chồng dậy pha thuốc hạ sốt để tôi cho con trai uống, vì thằng bé quấy khóc quá tôi không thể phân thân được.
Nhưng, chồng tôi hoàn toàn ngó lơ. Thậm chí, anh còn cáu kỉnh quát lớn vì bị vợ đánh thức giữa giấc ngủ:
- Có chuyện gì để sáng hôm sau không được à? Có mỗi việc pha thuốc cho con cũng không làm được, phải gọi chồng dậy thì cô còn làm được cái tích sự gì nữa? Mai cô ở nhà thích ngủ giờ nào thì ngủ, chơi giờ nào thì chơi, còn tôi phải dậy đi làm để nuôi cái nhà này đấy. Tôi nói cho mà biết, tôi mà không được ngủ đủ giấc để mai đi làm, không kiếm ra tiền thì cái nhà này chết đói hết đấy.
Mắng vợ xối xả xong, chồng trùm kín chăn ngủ tiếp, còn tôi ôm con đi pha thuốc. Tay bế con tay pha thuốc, nước mắt tôi cứ thế trào ra. Tôi thật không thể ngờ, con trai ốm mà anh vẫn thờ ơ, có thể thốt ra những lời lẽ như vậy được.
Mọi thứ đã vượt quá giới hạn của tôi. Tôi chợt nhận ra mình phải chấm dứt tình cảnh này, tôi không thể chờ đợi thêm được nữa.
Vừa bế con vừa pha thuốc, nước mắt tôi cứ thế trào ra. (Ảnh minh họa)
5 hôm sau, khi con trai gần khỏi ốm, tôi thông báo với chồng chuyện thuê người giúp việc vào ban ngày. Tôi sẽ đi làm lại, và hai vợ chồng sẽ cùng đóng góp chi tiêu trong nhà, và đương nhiên lúc đó việc nhà hai vợ chồng phải san sẻ với nhau.
Dĩ nhiên, khi nghe đến chuyện này chồng tôi liền giãy nảy lên như đỉa phải vôi. Nhưng tôi cứng rắn, một là thuê người giúp việc, hai là gửi con đi nhà trẻ, ba là anh nghỉ làm ở nhà mà trông con.
Vì con vẫn còn nhỏ nên chồng không nỡ cho con đi học sớm. Từ trước đến nay chồng chưa từng thay cái tã, pha cho con bình sữa nên không thể nghỉ việc ở nhà trông con được. Vì thế, cuối cùng anh đành thỏa hiệp với tôi.
Thuê giúp việc được 1 tháng, chồng tôi mới thấy hối hận, bởi tiền thuê người giúp việc không hề thấp. Anh phải đóng góp nhiều tiền hơn, đã vậy tối về còn phải làm việc nhà và chăm con. Nửa đêm con quấy khóc cũng phải dậy dỗ con, không còn được thảnh thơi, ngủ thẳng giấc như trước.
Đến lúc này, chồng mới nhận ra chăm con, làm việc nhà mệt ra sao. Một tối nọ, anh cúi đầu xin lỗi vợ rồi thuyết phục tôi nghỉ làm thêm thời gian nữa để ở nhà trông con cho đỡ chi phí thuê giúp việc. Nhưng tôi đâu có dại dột thêm lần nữa, tôi vẫn kiên quyết giữ vững quan điểm của mình.
Dần dần, chồng phải chấp nhận thực tế, không còn kêu than khi chăm con, làm việc nhà nữa. Nhờ đó, con trai cũng bám bố hơn, tình cảm bố con thêm thắm thiết.