Mới đây, Bộ Y tế ban hành Thông tư 13/2019/TT-BYT sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư số 39/2018/TT-BYT quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp.
Đồng thời, Bộ Y tế cũng ban hành Thông tư số: 14/2019/TT-BYT quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp.
Các thông tư này khiến người bệnh không khỏi lo lắng về mức tăng viện phí; đặc biệt là nhóm đối tượng không tham gia BHYT và mắc bệnh hiểm nghèo, bởi khi khám chữa bệnh không có BHYT người bệnh phải thanh toán 100% mức tối đa khung giá dịch vụ khám chữa bệnh.
Câu hỏi nhiều người lo lắng đặt ra là viện phí sẽ tăng ở loại hình dịch vụ nào, các mức tăng ảnh hưởng thế nào đến người bệnh tham gia BHYT và người bệnh chưa tham gia BHYT. Điều khiến nhiều người đặc biệt quan tâm là chất lượng dịch vụ y tế có đi đôi với tăng viện phí hay không?
Tất cả các vấn đề đó sẽ được giải đáp chi tiết trong chương trình giao lưu trực tuyến với chủ đề: “ Viện phí tăng, chất lượng dịch vụ có tăng?” được tổ chức vào 14h ngày 16/11/2019 tại tòa soạn Báo điện tử Kiến Thức – tầng 5 Tòa tháp Star Tower – Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội, với các khách mời:
- Bà Hoàng Thị Bích Ngọc – Phó phòng Tài chính - Vụ Kế hoạch Tài chính – Bộ Y Tế
- Bà Đinh Thị Lan Oanh – BS CK II – Phó Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh
|
Bà Nguyễn Thị Mai Hương - Tổng biên tập Báo điện tử Kiến Thức chụp ảnh cùng Bà Hoàng Thị Bích Ngọc (áo đen bên trái) cùng Bà Đinh Thị Lan Oanh (áo trắng bên phải) trong buổi giao lưu trực tuyến.
|
Nội dung buổi giao lưu trực tuyến:
- Bộ Y tế ban hành Thông tư số 13/2019/TT-BYT và Thông tư số 14/2019/TT-BYT thống nhất giá dịch vụ khám, chữa bệnh giữa các bệnh viện; theo đó có hiệu lực từ 20/8/2019, tăng 2-10% phí các dịch vụ khám bệnh, ngày giường bệnh, xét nghiệm... Đây chỉ là đợt 1 của lộ trình tăng viện phí? Quy chuẩn tính toán mức tăng cụ từng loại hình dịch vụ như nào?
Bà Hoàng Thị Bích Ngọc: Căn cứ vào lộ trình thực hiện giá dịch vụ KBCB theo lộ trình giá dịch vụ sự nghiệp công quy định tại Nghị định 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ như sau: Đến năm 2016 giá tính đủ chi phí trực tiếp và tiền lương; Đến năm 2018 tính đủ chi phí trực tiếp, tiền lương và chi phí quản lý; Đến năm 2020 sẽ tính đủ các yếu tố chi phí trên bao gồm cả khấu hao.
Cơ sở ban hành TT 13-14: do từ ngày 01/7/2019, mức lương cơ bản điều chỉnh từ 1,39 triệu lên 1,49 triệu theo Nghị định số 38/2019/NĐ-CP ngày 09/5/2019 của Chính phủ. Vì vậy, phải xem xét điều chỉnh giá dịch vụ y tế cho phù hợp. So với lộ trình quy định của Chính phủ thì việc điều chỉnh này còn bị chậm. Xin thông tin lại mức giá điều chỉnh tăng bình quân như sau: giá khám bệnh, ngày giường tăng bình quân 4,4%, giá các dịch vụ kỹ thuật y tế tăng bình quân 1,1%.
Mức giá quy định tại các Thông tư này không thay đổi cơ cấu giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà chỉ thay đổi mức lương cơ sở tính vào giá dịch vụ từ 1.390.000 đồng (theo quy định tại Nghị định số 72/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 sang mức lương cơ sở 1.490.000 đồng (theo quy định tại Nghị định số 38/2019/NĐ-CP ngày 09/5/2019).
- Thông tư số 13/2019/TT-BYT điều chỉnh tăng mức giá dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm bảo hiểm y tế áp dụng cho từng hạng bệnh viện. Chế tài phân hạng bệnh viện để đưa mức giá tăng dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm thế nào?
Bà Hoàng Thị Bích Ngọc: Luật BHYT giao cho Liên bộ (hiện nay là Bộ Y tế thống nhất với Bộ Tài chính) để ban hành Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thống nhất giữa các bệnh viện cùng hạng trong toàn quốc. Vì vậy khi ban hành Thông tư quy định giá dịch vụ KBCB, liên Bộ đã trình Chính phủ ban hành giá KBCB như sau:
- Giá khám bệnh theo hạng bệnh viện (có 05 mức giá cho 5 hạng và trạm y tế xã).
- Giá ngày giường bệnh theo hạng bệnh viện (có 41 loại giá nhau theo 5 hạng bệnh viện và trạm y tế xã).
- Giá các dịch vụ kỹ thuật: ban hành 1 mức giá chung cho tất các hạng bệnh viện. Riêng tuyến xã, đã quy định giá ngày giường bằng 50% mức giá ngày giường thấp nhất của tuyến huyện, giá dịch vụ kỹ thuật bằng 70% mức giá của các bệnh viện (do tiền lương của TYT xã đã được NSNN bảo đảm).
Việc ban hành giá dịch vụ các hạng như nhau do:
- Giá khám bệnh, ngày giường theo hạng bệnh viện, theo loại giường vì chi phí trực tiếp, nhân lực phục vụ cho khám bệnh và các loại giường khác nhau nên giá khác nhau.
- Đối với các dịch vụ cận lâm sàng: do giá mới tính chi phí trực tiếp và tiền lương nên chi phí là như nhau, giá phải như nhau. Nhiều trường hợp như xét nghiệm chẳng hạn, tuyến dưới làm ít dịch vụ hơn nên giá phải cao hơn.
- Đối với các dịch vụ kỹ thuật như phẫu thuật, thủ thuật: về nguyên tắc, cùng một dịch vụ thì số người thực hiện, chi phí về vật tư, hóa chất phải như nhau nên giá phải như nhau. Hơn nữa, dịch vụ kỹ thuật đã có quy trình thực hiện, kết quả đầu ra là như nhau thì không thể giá ở tuyến dưới thấp hơn tuyến trên được.
Nội dung này, Liên bộ đã bàn nhiều, Bộ Tài chính, BHXH Việt Nam đã có văn bản thống nhất nguyên tắc này. Bộ Y tế đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban về các vấn đề xã hội Quốc hội, xin ý kiến thống nhất của các Bộ/Ngành mới quy định mức giá dịch vụ kỹ thuật của các hạng bệnh viện là như nhau.
|
Bà Hoàng Thị Bích Ngọc Phó phòng Tài chính - Vụ Kế hoạch Tài chính – Bộ Y Tế đang trả lời câu hỏi giao lưu trực tuyến. |
- Thông tư số 13/2019/TT-BYT điều chỉnh tăng mức giá dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm bảo hiểm y tế áp dụng cho từng hạng bệnh viện. Vậy, thưa bà Ngọc, chế tài phân hạng bệnh viện để đưa mức giá tăng dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm thế nào? Cụ thể, tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh đang áp dụng bảng giá mới thế nào?
Bà Hoàng Thị Bích Ngọc: Thông tư số 13/2019/TT-BYT điều chỉnh tăng mức giá dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm bảo hiểm y tế áp dụng cho từng hạng bệnh viện. Vì vậy bệnh viện cũng đã cập nhật lại bảng giá dịch vụ mới từ ngày 20/8/2019.
- Giá viện phí mới được tính trên cơ sở những yếu tố nào, công thức nào? Chế tài giám sát từ phía Bộ Y tế với các bệnh viện trung ương, địa phương như nào về tăng viện phí?
Bà Hoàng Thị Bích Ngọc: Mức giá dịch vụ KB, CB quy định tại Thông tư 13/2019/TT-BYT (đối với trường hợp thanh toán từ quỹ BHYT) và Thông tư 14/2019/TT-BYT (đối với trường hợp không thanh toán từ quỹ BHYT) hiện nay bao gồm chi phí trực tiếp và tiền lương theo mức lương cơ sở từ 1.490.000 đồng; chưa tính chi phí quản lý và khấu hao tài sản.
Các yếu tố chi phí được xây dựng và tính toán theo phương pháp định giá quy định tại Luật giá và Thông tư số 25/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn phương pháp định giá chung đối với hàng hóa, dịch vụ. Yếu tố chi phí trực tiếp được tính toán trên cơ sở định mức kinh tế kỹ thuật của các nội dung chi phí trực tiếp để thực hiện dịch vụ, yếu tố tiền lương tính trên cơ sở hao phí lao động để thực hiện dịch vụ. Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Tài chính, BHXH Việt Nam khảo sát, thẩm định và ban hành định mức, làm cơ sở để tính toán chi phí và quyết định mức giá.
Việc thực hiện Thông tư như sau:
1. Thông tư 13/2019/TT-BYT có hiệu lực thi hành từ ngày 20/8/2019. Do chỉ thay đổi mức giá nên các bệnh viện chỉ phải cập nhật lại mức giá theo quy định của Thông tư là có thể triển khai thực hiện.
2. Thông tư 14/2019/TT-BYT thực hiện như sau:
- Đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế và các bệnh viện hạng đặc biệt, bệnh viện hạng I thuộc các Bộ, cơ quan trung ương. Bộ Y tế sẽ quyết định mức giá để các đơn vị thực hiện.
- Đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc địa phương quản lý: Sở Y tế, Sở Tài chính báo cáo UBND cấp tỉnh để trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định mức giá và thời điểm thực hiện.
Bộ Y tế, Bộ Tài chính và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện tại các bệnh viện. Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo thanh tra Bộ Y tế, thanh tra Sở Y tế các tỉnh, thành phố phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội các tỉnh thanh tra, kiểm tra các việc thực hiện.
- Hà Nội có 18 bệnh viện thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, có được tự đề xuất mức viện phí tăng hay không? Theo đó, có tình trạng bệnh viện “mạnh ai nấy tăng giá” tuỳ tiện hay không?
Bà Hoàng Thị Bích Ngọc: Tất cả các cơ sở y tế công lập đều phải thực hiện thu và thanh toán chi phí KCB theo mức giá quy định của cấp có thẩm quyền áp dụng cho từng đối tượng:
- Đối tượng BHYT: thực hiện mức giá theo Thông tư quy định của Bộ Y tế
- Đối tượng ko BHYT: Bộ Y tế quy định giá tối đa; trên cơ sở mức giá tối đa, Bộ Y tế quyết định mức giá cụ thể cho đơn vị thuộc Bộ Y tế; UBND trình HĐND quy định mức giá cho các đơn vị thuộc địa phương quản lý. Nhưng về cơ bản mức giá này bằng đối tượng BHYT.
- Đối tượng KCB theo yêu cầu (lựa chọn dịch vụ, thầy thuốc, phòng theo yêu cầu): trong thời gian Bộ Y tế chưa ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện theo quy định tại Nghị định 85/2012/NĐ-CP: Thủ trưởng đơn vị quyết định mức thu theo nguyên tắc bảo đảm đủ bù đắp chi phí hợp lý, hợp pháp, có tích lũy theo quy định tại Điều 18.
Bạn đang nói đến 18 bệnh viện tự chủ ở đây là các đơn vị được phân loại đơn vị tự bảo đảm chi hoạt động thường xuyên. Theo quy định của Nghị định tự chủ (43, 16, 85) thì tất cả các đơn vị đều đã được giao tự chủ nhưng ở các nhóm khác nhau. Các đơn vị này không được phép tự đề xuất điều chỉnh tăng giá do vậy không thể có tình trạng mạnh ai nấy tăng giá như bạn đề cập.
|
Đang giao lưu trực tuyến: Viện phí tăng, chất lượng dịch vụ có tăng? |
- 4 bệnh viện công - là bệnh viện hạng đặc biệt của cả nước thuộc Bộ Y tế, gồm: Bạch Mai, Việt Đức, Bệnh viện K và Chợ Rẫy khi được Chính Phủ phê duyệt tự chủ hoàn toàn thì giá dịch vụ khám chữa bệnh có bị đẩy cao “vô tội vạ” không? Là bệnh viện đầu tàu của cả nước, để tận thu, có nguy cơ các bệnh viện “đẻ” ra loạt dịch vụ khám chữa theo yêu cầu với giá “trên trời”?
Bà Hoàng Thị Bích Ngọc: Như đã nêu trên, do đây là các bệnh viện công nên việc thực hiện giá dịch vụ KBCB phải thực hiện theo quy định nêu trên. Tại Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 19/5/2019 của Chính phủ cũng đã quy định rõ:
+ Đối tượng KCB bảo hiểm y tế vẫn áp dụng theo giá Bộ Y tế ban hành (hiện nay là Thông tư 13/2019/TT-BYT).
+ Giá dịch vụ y tế theo yêu cầu: Bộ Y tế ban hành khung giá, Thủ trưởng quyết định theo nguyên tắc tính đủ các yếu tố chi phí hình thành giá dịch vụ khám chữa bệnh, có tích lũy và phù hợp với mặt bằng giá thị trường trên cơ sở tham khảo giá của các bệnh viện tư nhân và các bệnh viện có vốn đầu tư ở nước ngoài tại Việt Nam.
Việc quyết định danh mục và mức giá theo yêu cầu tại các bệnh viện phải theo quy định của Luật giá và Thông tư quy định của BYT đang chuẩn bị ban hành. Các đơn vị phải theo quy định của Luật giá và Thông tư quy định của BYT đang chuẩn bị ban hành. Các bệnh viện khi quyết định giá cũng phải tham khảo giá mặt bằng các dịch vụ cùng loại trên thị trường, nếu giá cao, chất lượng chuyên môn, phục vụ chưa tốt thì người dân sẽ lựa chọn cơ sở y tế khác.
- Cơ chế áp dụng tăng dịch vụ khám chữa bệnh ở Bệnh viện tự chủ tài chính như Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh thế nào?
Bà Đinh Thị Lan Oanh: Bệnh viện đã thực hiện tự chủ kinh phí thường xuyên. Hiện tại bệnh viện đang áp dụng mức giá mới với ba đối tượng:
- Đối tượng sử dụng thẻ BHYT: Áp dụng Thông tư số 13/2019/TT-BYT
- Đối tượng viện phí: Áp dụng theo thông tư 14/2019/BYT
- Đối tượng chữa bệnh theo yêu cầu: Thực hiện theo thông tư hướng dẫn giá dịch vụ chăm sóc sức khoẻ khám chữa bệnh theo yêu cầu của bộ y tế và hiện tại, bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh chưa tăng giá.
- Có thông tin không chính thức, tùy tình hình cân đối quỹ BHYT, viện phí có thể sẽ được tăng hằng năm theo lương cơ sở. Song, được biết, cứ mỗi lần giá khám chữa bệnh tăng thì người dân lo lắng, khổ sở… Vậy, có chuyện viện phí tăng theo năm không?
Bà Hoàng Thị Bích Ngọc: Việc điều chỉnh giá dịch vụ KBCB là theo quy định lộ trình giá dịch vụ SNC quy định tại Nghị định 16/2015/NĐ-CP. Do vậy, khi mức lương cơ sở điều chỉnh thì giá dịch vụ KBCB cũng phải điều chỉnh theo là hoàn toàn phù hợp với quy định của lộ trình giá dịch vụ SNC. Tuy nhiên việc quyết định thời điểm điều chỉnh giá dịch vụ KBCB phải trên cơ sở các Bộ Ngành có đánh giá tình hình kinh tế xã hội, chỉ số giá tiêu dùng và khả năng cân đối quỹ BHYT.
Giá dịch vụ KBCB điều chỉnh khi yếu tố cấu thành giá thay đổi nên không thể nói viện phí tăng theo năm. Về vấn đề bạn nêu, mỗi lần điều chỉnh giá thì người dân lo lắng, khổ sở… là chưa đúng. Điều chỉnh giá dịch vụ y tế thì quyền lợi của người bệnh, nhất là người là có thẻ BHYT sẽ tăng lên vì BHYT thanh toán cho các bệnh viện theo giá dịch vụ y tế. Nếu giá thấp, BHYT thanh toán với mức thấp, bệnh viện không đủ kinh phí để thực hiện dịch vụ nên phải thu thêm của người bệnh. Nhiều dịch vụ do trước đây giá thấp, thu không đủ chi nên bệnh viện không triển khai, nay được tính đúng, tính đủ nên sẽ triển khai, người bệnh BHYT sẽ được hưởng do hầu hết chi phí đã được BHYT thanh toán.
Khi giá dịch vụ y tế được tính đúng, tính đủ, bệnh viện có điều kiện để mua các loại thuốc, vật tư, hóa chất với chất lượng cao hơn, góp phần làm tăng chất lượng của dịch vụ y tế. Khi giá được tính đủ tiền lương, bệnh viện sẽ phải tuyển dụng viên chức theo đúng định mức nhân lực để phục vụ, chăm sóc người bệnh được tốt hơn. Tất cả những thay đổi trên thì người bệnh đặc biệt người tham gia BHYT là người được hưởng lợi chứ không phải lo lắng, khổ sở như bạn nêu.
- Viện phí tăng, đối tượng nào bị ảnh hưởng nhất? Giải pháp nào giúp những người không tham gia bảo hiểm y tế vẫn “an nhiên” khám chữa bệnh dù viện phí tăng?
Bà Hoàng Thị Bích Ngọc: Khi điều chỉnh giá viện phí thì đối tượng chưa tham gia BHYT sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất vì họ phải chi trả toàn bộ chi phí KCB từ tiền túi. Để giúp họ “an nhiên” trước mỗi lần điều chỉnh giá thì họ cần phải tham gia BHYT.
Bảo hiểm y tế là một trong ba chính sách an sinh xã hội lớn của Đảng và Nhà nước. Luật bảo hiểm y tế cũng đã quy định bảo hiểm y tế là bắt buộc và đặt ra mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân để giảm bớt gánh nặng tài chính của người dân khi không may bị đau ốm. Bộ Y tế rất mong muốn người dân hiểu rõ chính sách ưu việt, nhân văn của bảo hiểm y tế để tham gia bảo hiểm y tế.
- Giá các dịch vụ khám chữa bệnh không thuộc quỹ bảo hiểm y tế chi trả tác động thế nào tới nhóm bệnh nhân tham gia BHYT, mức đồng chi trả 20% chi phí khám chữa bệnh BHYT bị tác động như nào?
Bà Hoàng Thị Bích Ngọc: Đối tượng BHYT và không BHYT chịu sự điều chỉnh giá của 2 thông tư khác nhau. Vì vậy, mức giá của dịch vụ không thuộc quỹ BHYT chi trả khi điều chỉnh sẽ không tác động động đến đối tượng tham gia BHYT trừ một số loại dịch vụ về thẩm mỹ, làm răng giả không thuộc phạm vi thanh toán của BHYT.
Khi điều chỉnh giá dịch vụ thì mức đồng chi trả 20% bị tác động như thế nào? Khi bạn vào viện, phần chi phí bạn phải chi trả cho KCB gồm: thuốc, vật tư tiêu hao thực tế sử dụng và các dịch vụ y tế mà bệnh viện cung cấp cho người bệnh như KB, ngày giường và các dịch vụ y tế như CĐHA, XN, PTTT. Phần dịch vụ này chiếm khoảng 30-40% trong tổng chi phí KCB; khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo lộ trình thì chỉ ảnh hưởng đến phần chi phí này.
Do vậy, các đối tượng có thẻ BHYT phải đồng chi trả 20% chi phí KCB BHYT thì có bị ảnh hưởng, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng không nhiều: vì các lần điều chỉnh mức lương cơ bản tỷ lệ điều chỉnh giá tăng thêm không nhiều (ví dụ như việc điều chỉnh giá từ mức lương 1.390.000 đồng lên 1.490.000 đồng thì mức tăng thêm 20% của 4,4% đối với ngày giường là 0,88%, tăng thêm 5% của 1,1% đối với các dịch vụ khác là 0,2%).
Mặt khác, với người tham gia BHYT từ 5 năm liên tục trở lên đi KCB đúng tuyến, khi số tiền đồng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì chỉ phải thanh toán tối đa 06 tháng lương cơ sở thì việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo mức lương cơ sở tạo điều kiện cho các trường hợp này được thanh toán chi phí KCB BHYT hơn.
- Viện phí tăng, người làm trong ngành y tế, đặc biệt là nhóm bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên có được hưởng thu nhập cao hơn không? Chi trả thu nhập cho bác sĩ, điều dưỡng ở các bệnh viện công hiện nay thế nào?
Bà Hoàng Thị Bích Ngọc: Việc tính tiền lương vào giá dịch vụ y tế là thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước là từng bước chuyển ngân sách cấp cho các bệnh viện sang hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm y tế gắn với lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế. Do đó, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế không phải là nhằm mục tiêu tăng thu nhập cho nhân viên, cán bộ y tế mà để sử dụng có hiệu quả nguồn ngân sách Nhà nước, ngân sách không bao cấp tràn lan mà chỉ tập trung hỗ trợ cho người nghèo, người cận nghèo và các đối tượng chính sách tham gia bảo hiểm y tế. Trước đây NSNN chi trả toàn bộ tiền lương cho bác sỹ và nhân viên y tế thì nay sẽ chi trả từ nguồn thu dịch vụ KCB.
Hiện nay, các bệnh viện thực hiện tự chủ tài chính nên nếu trong trường hợp bệnh viện thực hiện tốt các giải pháp để tăng nguồn thu, tiết kiệm chi phí hoạt động tạo ra được chênh lệch thu chi thì sẽ có điều kiện để chi TNTT cho bác sỹ, nhân viên y tế.
- Nhiều người lo ngại chữa bệnh đúng tuyến thì chất lượng không cao, lại phải vượt tuyến, mà vượt tuyến thì không phải lúc nào cũng được hưởng BHYT, trong khi viện phí tăng. Nhóm bệnh nào vượt tuyến sẽ được hưởng chi trả BHYT và mức hưởng là như thế nào?
Bà Hoàng Thị Bích Ngọc: Đối với người có thẻ BHYT, cần nắm rõ quy định về chuyển tuyến KCB BHYT, khi bạn có thẻ BHYT không nắm được những quy định này, sẽ dẫn đến tình trạng KCB vượt tuyến, trái tuyến. Điều này không chỉ gây thiệt thòi về quyền lợi của chính bạn, khi chỉ được quỹ BHYT chi trả một phần là 40% hoặc 60% chi phí KCB đối với KCB vượt tuyến hoặc theo mức cố định đối với KCB trái tuyến, mà còn tăng tình trạng quá tải ở tuyến trên. Đối tượng được chuyển tuyến là các trường hợp có tình trạng bệnh vượt quá khả năng chuyên môn của cơ sở KCB đang điều trị (khám chữa bệnh ban đầu).
Quy trình khám bệnh cấp cứu phải tuân thủ theo hướng dẫn về chuyên môn của Bộ Y tế. Trường hợp của bạn khi được bac sỹ xác định không thuộc diện cấp cứu nhưng có xuất trình thẻ BHYT khi KCB thì chỉ được hưởng quyền lợi tuỳ thuộc nơi KCB theo quy định là 40% chi phí điều trị nội trú.
- Trường hợp bệnh nhân nghèo mắc bệnh hiểm nghèo, nhưng không có BHYT, Bộ Y tế hay phía bệnh viện có giải pháp hỗ trợ nào hay không vì giá khám chữa bệnh tăng đồng nghĩa bệnh nhân thà ôm bệnh chịu chết? Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh sẽ xử lý trường hợp này thế nào?
Bà Đinh Thị Lan Oanh: Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh Uỷ, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh Quảng Ninh, với những trường hợp bệnh nhân nghèo, mắc bệnh hiểm nghèo nhưng không có BHYT, bệnh viện sẽ không để ai bị bỏ lại phía sau. Tất cả những trường hợp như trên đều được khám, chữa bệnh miễn phí. Nguồn kinh phí được huy động từ nguồn thu của bệnh viện, hoặc kêu gọi quỹ từ thiện để hỗ trợ cho những bệnh nhân nghèo.
|
Bà Đinh Thị Lan Oanh BS CK II – Phó Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh (áo trắng) đang trả lời câu hỏi của độc giả. |
- Có tình trạng bác sĩ “bắt tay” các công ty dược kê đơn thuốc “quà đà”, thậm chí thực phẩm chức năng cho bệnh nhân để ăn “hoa hồng”. Phí khám chữa bệnh tăng, lại bị “bom” thêm đơn thuốc nhiều loại không cần thiết. Bộ Y tế và chính bệnh viện cần có biện pháp xử nghiêm, ngăn chặn vấn nạn này thế nào?
Bà Hoàng Thị Bích Ngọc: Nội dung này tôi có ý kiến như sau: Việc chỉ định thực hiện dịch vụ cũng như kê đơn cho bệnh nhân phải theo quy định, quy chế bệnh viện, hướng dẫn về chuyên môn, tùy vào thể trạng, thực tế bệnh tật, các trường hợp chỉ định không đúng sẽ bị xử lý theo quy định. Các bệnh viện cũng có nhiều hình thức để kiểm tra, giám sát việc chỉ định như bình bệnh án, giám định của cơ quan BHXH, cũng phải chịu sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan thanh tra, kiểm toán.
- Từ 1/10/2019, giá phòng dịch vụ tại các bệnh viện - áp theo Thông tư số 14 điều chỉnh: giá ngày giường điều trị theo yêu cầu tối đa tại các bệnh viện hạng đặc biệt và hạng 1 là 4 triệu đồng/ngày với loại phòng 1 giường/phòng… được cho là đắt ngang khách sạn 4-5 sao. Chất lượng dịch vụ có tỷ lệ thuận giá giường bệnh?
Bà Hoàng Thị Bích Ngọc: Về câu hỏi này, độc giả có chút nhầm lẫn, Thông tư 14/2019/TT-BYT có hiệu lực từ 1/10/2019 là áp dụng cho đối tượng chưa tham gia BHYT nhưng đi khám chữa bệnh tại các bệnh viện công. Mức giá của các dịch vụ cơ bản bằng mức giá tại Thông tư 13 quy định cho đốii tượng BHYT.
Giá ngày giường quy định tối đa là 4 triệu đồng/ngày là tại dự thảo Thông tư hướng dẫn về giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh the yêu cầu tại cơ sở y tế công lập. Dự thảo Thông tư có quy định mức giá tối đa là 4 triệu đồng đối loại 1 giường/1 phòng. Nhưng không phải cứ 1 giường/1 phòng là được thu 4 triệu đồng mà các bệnh viện phải xây dựng giá cho từng loại giường mà bệnh viện có khả năng cung cấp, các chi phí để xây dựng giá:
+ Chi phí vật tư, điện, nước trực tiếp chăm sóc người bệnh theo từng loại giường: Giường hồi sức tích cực, giường sau các phẫu thuật loại đặc biệt, .. giường điều trị nội khoa…. Vì các chi phí này rất khác nhau giữa các loại giường.
+ Tiền lương phải tính theo trình độ bác sỹ điều trị và mức độ chăm sóc của điều dưỡng. Người bệnh nặng, phải luôn có 1 điều dưỡng chăm sóc 24/24 giờ, người nhà không phải chăm sóc thì giá khác với giường cũng chăm sóc 24/24 giờ nhưng 1 điều dưỡng có thể phục vụ 2-3 hoặc 4 giường….
+ Các chi phí khác như loại phòng có phòng nghỉ cho người nhà, có ăn theo chế độ bệnh lý …giá khác với phòng bệnh chỉ có buồng bệnh.
+ Chi phí quản lý; Chi phí khấu hao; tích lũy…
Mặt khác, do là giường dịch vụ theo yêu cầu, trên cơ sở tự nguyện của người dân nên các bệnh viện khi quyết định giá cũng phải tham khảo giá mặt bằng các dịch vụ cùng loại trên thị trường, nếu giá cao, chất lượng chuyên môn, phục vụ chưa tốt thì người dân sẽ lựa chọn cơ sở y tế khác.
Bộ Y tế đang nghiên cứu hoàn thiện Thông tư theo hướng quy định cụ thể hơn các tiêu chí để có thể ban hành mức giá tối đa này. Sẽ theo hướng chi tiết hơn các loại giường. Vì mức tối đa 4 triệu đồng chỉ áp dụng cho rất ít loại giường.
|
Bà Đinh Thị Lan Oanh trong buổi giao lưu trực tuyến với Báo điện tử Kiến Thức |
- Viện phí tăng, người làm trong ngành y tế, đặc biệt là nhóm bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên có được hưởng thu nhập cao hơn không? Chi trả thu nhập cho bác sĩ, điều dưỡng ở các bệnh viện công hiện nay thế nào? Bác sĩ, điều dưỡng… của Bệnh viện tự chủ 100% như Sản Nhi Quảng Ninh có thu nhập thế nào?
Bà Đinh Thị Lan Oanh: Thay đổi về lương cơ bản áp dụng theo Thông tư 13/2019/BYT, mức lương từ 1390 lên 1490 để đảm bảo mức lương theo quy định đối với người lao động.
Về việc tự chủ, trước hết là vấn đề quản lý về tài chính được minh bạch, công khai và hiệu quả sẽ giúp thu nhập của các y, bác sĩ của bệnh viện được tốt hơn.
- Đối tượng khám chữa bệnh, điều trị ngoại trú so với điều trị nội trú bị ảnh hưởng mức tăng viện phí tăng thế nào? Có chính sách khám chữa bệnh giảm giá viện phí nếu điều trị dài ngày hay không?
Bà Đinh Thị Lan Oanh: Việc tăng viện phí phải đi đôi với nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của đơn vị. Muốn nâng cao chất lượng khám chữa bệnh thì phải thay đổi, nâng cao chất lượng điều trị. Vì vậy, sẽ không có điều trị dài ngày. Áp dụng tính giá đồng đều cả đối tượng ngoại trú và nội trú. Không có sự phân biệt.
- Có tình trạng bác sĩ “bắt tay” các công ty dược kê đơn thuốc “quà đà”, thậm chí thực phẩm chức năng cho bệnh nhân để ăn “hoa hồng”. Phí khám chữa bệnh tang, lại bị “bom” thêm đơn thuốc nhiều loại không cần thiết. Bộ Y tế và chính bệnh viện cần có biện pháp xử nghiêm, ngăn chặn vấn nạn này thế nào?
Bà Đinh Thị Lan Oanh: Việc ứng dụng CNTT trong quản lý khám, chữa bệnh được thực hiện ở BV sản nhi Quảng ninh rất tốt. Quản lý đơn thuốc trên phần mềm hiện đại, khoc học. Các danh mục thuốc được hội đồng thuốc và điều trị bệnh viện thông qua và theo thầu của Sở Y Tế Quảng Ninh và thầu của Bộ Y Tế.
Hàng tuần, hội đồng thuốc và điều trị sẽ tiến hành bình đơn thuốc, đo đó việc kiểm soát đơn thuốc luôn được thực hiện một cách chặt chẽ, nghiêm ngặt.
- Khi viện phí tăng, điều kiện cơ sở vật chất của bệnh viện có được cải thiện, có thể xóa được tình trạng bệnh viện quá tải, người bệnh phải nằm ghép giường, thậm chí nằm tràn cả ra hành lang?
Bà Hoàng Thị Bích Ngọc: Giá dịch vụ khám bệnh chữa bệnh hiện nay mới kết cấu chi phí trực tiếp và tiền lương, chưa kết cấu chi phí khấu hao, vì vậy, khi điều chỉnh giá dịch vụ khám, chữa bệnh thì không hiểu đơn vị có nguồn lực để xây dựng, cải tạo cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị. Hiện nay, vấn đề đầu tư của các bệnh viện vẫn do ngân sách nhà nước bảo đảm là chủ yếu.
Cùng với việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo lộ trình, thời gian qua Bộ Y tế cũng đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: tăng cường chỉ đạo các bệnh viện cải cách thủ tục hành chính trong khám, chữa bệnh, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ người bệnh, tăng cường giáo dục y đức…; xây dựng đề án giảm tải bệnh viện, đề án bệnh viện vệ tinh để nâng cao chất lượng dịch vụ tuyến dưới, đổi mới đánh giá chất lượng bệnh viện, nghiên cứu để sửa đổi việc xếp hạng bệnh viện trên nguyên tắc gắn với chất lượng, trình độ chuyên môn, bệnh viện nào không nâng cao được chất lượng sẽ bị tụt hạng…nhằm từng bước nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh.
Vì vậy, có thể nói tình trạng quá tải và giảm dần số giường nằm ghép thời gian qua đã được khắc phục rất nhiều; rõ ràng chất lượng dịch vụ y tế đã được cải thiện và nâng lên nhiều.
- Từ 1/10/2019, giá phòng dịch vụ tại các bệnh viện - áp theo Thông tư số 14 điều chỉnh: giá ngày giường điều trị theo yêu cầu tối đa tại các bệnh viện hạng đặc biệt và hạng 1 là 4 triệu đồng/ngày với loại phòng 1 giường/phòng… được cho là đắt ngang khách sạn 4-5 sao. Chất lượng dịch vụ có tỷ lệ thuận giá giường bệnh?
Bà Đinh Thị Lan Oanh: Trong ba đối tượng, Đối tượng có BHYT; Đối tượng viện phí; Đối tượng khám chữa bệnh theo yêu cầu.
Đối tượng nào có nhu cầu tự nguyện sử dụng dịch vụ khám theo yêu cầu thì sử dụng các dịch vụ khám chữa bệnh yêu cầu. Bệnh viện ban hành các loại mức giá để đáp ứng theo yêu cầu của người bệnh.
- Bộ Y tế nhất quán chủ trương “nói không với phong bì”, nhưng ở nhiều bệnh viện công vẫn tồn tại tình trạng người bệnh phải “cảm ơn” để có được dịch vụ tốt, bác sĩ tốt… Tăng viện phí có giúp triệt tiêu vấn nạn này?
Bà Hoàng Thị Bích Ngọc: Thực tế, vấn đề điều chỉnh giá dịch vụ và vấn đề phong bì không liên quan đến nhau. Nội dung này quan điểm cá nhân tôi không có đánh giá. Vì phong bì đôi khi đó là sự cám ơn. Về tình trạng đòi hỏi phải có phong bì mới được phục vụ tốt thì tôi nghĩ hiện tại tình trạng này không còn nhiều vì thời gian qua BYT đã thực hiện rất nhiều giải pháp liên quan như Phong trào thay đổi phong cách thái độ nhân viên y tế, đường dây nóng…
Xin cung cấp thông tin sau: Thông qua Kết quả khảo sát Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2019 cho thấy, thực tế chất lượng dịch vụ y tế thời gian được đánh giá tăng. Cụ thể, chỉ số hài lòng của người dân về y tế công lập tăng từ 1,92/2,5 điểm năm 2017 lên 1,96/2,5 điểm năm 2018; Khảo sát của Tổ chức Sáng kiến Việt Nam: chỉ số hài lòng người bệnh nội trú năm 2018 đạt 80,8% (năm 2017 là 79,6%). Chỉ 0,4% số người sử dụng dịch vụ y tế của bệnh viện công tuyến huyện phải lót tay nhân viên y tế để được chăm sóc tốt hơn (năm 2016 là 17%, năm 2017 là 9%).
- Bệnh viện tồn tài tình trạng bác sĩ, nhân viên y tế có thái độ “bố mẹ bệnh nhân”, vậy viện phí tăng tức thu nhập của đội ngũ y bác sĩ tăng thì thái độ “vì bệnh nhân mà phục vụ”, ôn hòa, dễ chịu với người bệnh có khắc phục được không? Bệnh viện có chế tài nào giám sát và kỷ luận y bác sĩ không chuẩn đạo đức?
|
Trong buổi giao lưu trực tuyến, bà Hoàng Thị Bích Ngọc (áo đen) đã giải đáp rất nhiều thắc mắc của độc giả. |
Bà Đinh Thị Lan Oanh: Thay đổi tác phong, phong cách của nhân viên, cán bộ y tế để làm hài lòng người bệnh là điểm mấu chốt. Việc thay đổi được thực hiện trước khi tăng giá và được thực hiện thường xuyên. Không phải tăng giá mới thay đổi. Chính vì vậy, bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh và các cơ sở y tế cả nước đều phải làm tốt công tác tuyên truyền, giúp nhân viên, cán bộ y tế có thái độ, tác phong tốt hơn, làm hài lòng người bệnh hơn.
Bên cạnh đó, bệnh viện cũng có những chế tài nhất định để giám sát, nhắc nhở và kỷ luật các nhân viên, cán bộ y tế ví dụ như duy trì đường dây nóng, hòm thư góp ý, bộ phận chăm sóc khách hang, thường xuyên thu thập ý kiến, phản ánh của người bệnh, để từ đó bệnh viện có những biện pháp giáo dục, nhắc nhở và xử lý tập thể và cá nhân có những dấu hiệu vi phạm.
- Tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh có kèm theo chính sách tăng chất lượng dịch vụ cụ thể nào không? Đặc biệt ở những tuyến dưới như Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh?
Bà Đinh Thị Lan Oanh: Tiếp tục thực hiện chỉ thị 847/CT-BYT ngày 21/8/2018 của Bộ Y Tế về các giải pháp để đảm bảo và nâng cao chất lượng dịch vụ khi thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh.
Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh mở rộng khoa khám bệnh, cải thiện các điều kiện phục vụ người bệnh, ứng dụng công nghệ thong tin, cải thiện việc thu và thanh toán dịch vụ y tế, cải tiến khâu cấp phát thuốc, cải tiến tiếp đón, bố trí, hướng dẫn người bệnh và người nhà người bệnh khi làm các thủ tục khám, chữa bệnh. Không để tình trạng nằm ghép. Ứng dụng khoa học kỹ thuật trong khám chữa bệnh. Thay đổi tác phong, phong cách cán bộ y tế hướng tới sự hài long của người bệnh.
- Bộ Y tế nhất quán chủ trương “nói không với phong bì”, nhưng ở nhiều bệnh viện công vẫn tồn tại tình trạng người bệnh phải “cảm ơn” để có được dịch vụ tốt, bác sĩ tốt,… Tăng viện phí có giúp triệt tiêu vấn nạn này?
Bà Đinh Thị Lan Oanh: BV Sản Nhi Quảng Ninh, thực hiện nói không với phong bì một cách triệt để. Vì người bệnh đến bệnh viện đã chi trả các chi phí điều trị, chi phí dịch vụ đầy đủ cho dù là các đối tượng BHYT, viện phí hay khám chữa bệnh theo yêu cầu.
MC: Thưa các độc giả, trong buổi giao lưu trực tuyến này chúng ta đã được trao đổi rất nhiều vấn đề liên quan đến chủ đề nóng của ngành y nói chung và của tuyến y tế cơ sở nói riêng là viện phí tăng, chất lượng y tế có tăng. Chương trình nhận được rất nhiều câu hỏi của độc giả, tuy nhiên, do thời lượng có hạn, chúng tôi xin trở lại vào chương trình giao lưu trực tuyến lần sau.
Xin trân trọng cảm ơn các vị khách mời đã đến tham dự chương trình và giải đáp các thắc mắc cho độc giả Báo điện tử Kiến Thức.
Xin cảm ơn Bộ Y tế đã hợp tác cùng Báo điện tử Kiến Thức thực hiện chương trình này.
Xin cảm ơn và hẹn gặp lại!