Đau lòng trẻ đi bụi rồi sa ngã
“Bất cứ một nghề nào cũng đều có những kỉ niệm buồn vui trong quá trình hoạt động. Nhưng với nghề thám tử thì niềm vui là khi chúng tôi giúp bố mẹ tìm được con cái của mình, nhận ra điều nguyên nhân khiến con cái sa ngã và tất cả cùng ngồi lại với nhau, bàn bạc phương án “hồi sinh” cho đứa trẻ đi bụi tưởng chừng như không thể cứu vãn được nữa. 40% đối tượng các thám tử theo dõi là trẻ vị thành viên, một con số đáng báo động”, Luật sư Minh Long nhận định như thế khi trò chuyện cùng Em Đẹp về công việc “đặc biệt” của mình.
Trước đây, mọi người chỉ lo nghĩ đến cho con cái, gia đình đủ ăn đủ mặc. Còn bây giờ, bố mẹ rất đau đầu nghĩ cách quản lý con, làm sao để con không bị vướng vào tệ nạn xã hội.
|
Phải làm sao khi con "nổi loạn" bỏ nhà đi là câu hỏi khiến bố mẹ đau đầu. Ảnh minh họa. |
Có những vụ việc Luật sư Minh Long phải huy động hầu hết các thám tử vào cuộc. Cho đến khi nhập cuộc rồi thì mới phát hiện ra nhiều vấn đề khuất lấp. Nó không chỉ đơn giản như bố mẹ trình bày hay phán đoán ban đầu của các thám tử dày dạn kinh nghiệm.
Khó nhất là tìm kiếm các em vị thành niên, các thám tử buộc phải nắm vững kiến thức chuyên môn, về tâm sinh lý, hóa trang, bảo mật thông tin. Luật sư Minh Long cho rằng: “Thám tử tựa như một diễn viên đóng thế nhập đủ mọi loại vai diễn, một chú “tắc kè” đổi màu theo từng hoàn cảnh, môi trường cũng như ứng xử hòa đồng với các em như một người bạn”.
Anh cảm thấy chạnh lòng nhất là những vụ việc giám sát các cậu quý tử và phát hiện các em sa ngã. Có những vụ phát hiện rồi lại mất tích các em chỉ trong tích tắc trong các khu xóm bụi.
Có điều, dấn thân vào công việc đi tìm trẻ đồng nghĩa với việc thám tử nắm chắc mình đang đi vào nguy hiểm. “Có những vụ khi thấy các em mua ma túy xong, chúng tôi đã đi theo và nhìn thấy các em trốn vào một hẻm để hít. Nếu không cẩn thận, thám tử sẽ bị “mang vạ” vào thân. Những trường hợp như vậy, một mặt chúng tôi thường tư vấn cho gia đình vận động đi cai, mặt khác nếu cần thiết thì phải đề nghị cơ quan pháp luật nghiêm trị”, Luật sư Minh Long nói.
Nhiều rủi ro khi trẻ tự ý bỏ đi
Bàn về hiện tượng cô gái mới lớn “bỗng dưng mất tích”, PGS.TS TLH Huỳnh Văn Sơn, Phó Chủ Tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam đã cảnh báo: “Hàng loạt rủi ro, hệ lụy sẽ xuất hiện khi trẻ đi theo tiếng gọi của “tình ảo”. Trẻ sẽ quan hệ tình dục sớm, dấn thân vào mối quan hệ không đoạn kết. Chưa kể hậu quả trẻ sẽ dễ có thai ngoài ý muốn, nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục”.
Bên cạnh đó, theo TS. Huỳnh Văn Sơn, điều nguy hiểm nhất là nếu gặp kẻ xấu, việc trẻ bị đẩy vào động mại dâm, bị bán quan biên giới là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Về lâu dài, hành động này làm trẻ mất đi một tương lai, không thể học hành tiếp, không thể tự tin vào đời, khó cân bằng khi trở về với gia đình.
“Chính việc không tìm được tiếng nói chung với cha mẹ, không chia sẻ được tâm tư của mình với cha mẹ là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc mất tích của các em. Cha mẹ bị áp lực của sinh kế, thời gian, công việc nên những dành dành cho con đôi khi chỉ là vật chất, thiếu thốn sự quan tâm, trò chuyện với con”, TS. Huỳnh Văn Sơn nhận định.
Ở một góc độ khác, trẻ “mất tích” đôi khi chỉ để gây chú ý với cha mẹ. “Xét cho cùng, tất cả đều xuất phát từ một sự thật trẻ không thấy được giá trị của tình yêu từ cha mẹ, gia đình đủ sức nặng để trẻ cân nhắc khi ứng xử và hành động dại dột”, TS. Sơn nói.
Để giải quyết tận gốc việc trẻ vị thành niên bỏ đi, TS. Huỳnh Văn Sơn cho rằng cần phải có sự gắn kết gia đình bằng việc trò chuyện, duy trì bữa cơm gia đình thường xuyên.
“Nếu phát hiện con mất tích, hãy thật nhanh chóng liên lạc với con bằng mọi hình thức như nhóm bạn thân, các nơi con hay lui tới. Và cả ngôi nhà nơi con đang “ở” là Facebook để biết những gì đã xảy ra, thậm chí tìm sự hỗ trợ của công an, luật sư để kịp thời kéo con về với tổ ấm”, TS. Sơn nhấn mạnh.