Trước tình hình diễn biến phức tạp và sự lây lan nhanh chóng của dịch Ebola, ngày 9/8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp khẩn cấp với các bộ ngành liên quan nhằm đưa ra các biện pháp hữu hiệu và kịp thời để ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm này vào Việt Nam.
Tại cuộc họp, Bộ Y tế cho biết, bệnh do virus Ebola là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm thuộc nhóm A có khả năng lây lan nhanh và tỷ lệ tử vong cao. Bệnh lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết, bộ phận cơ thể của người mắc bệnh, động vật bị nhiễm bệnh hoặc tiếp xúc với môi trường, dụng cụ bị ô nhiễm bởi dịch tiết của người, động vật mắc bệnh.
Theo báo cáo của cơ quan Đầu mối IHR - Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), số trường hợp mắc và tử vong do virus Ebola tại 4 quốc gia châu Phi gồm: Guinea, Liberia Nigeria, Sierra Leone liên tục tăng; tính đến ngày 6/8/2014 đã ghi nhận tổng cộng 1.779 trường hợp mắc trong đó có hơn 961 người tử vong tại 4 quốc gia Tây Phi.
Đặc biệt tính đến thời điểm hiện tại đã ghi nhận hơn 200 cán bộ y tế đã mắc bệnh do virus Ebola, đa số các cán bộ y tế mắc bệnh đều là người trực tiếp tham gia vào chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân mắc Ebola tại các nước này.
Ở Việt Nam hiện chưa phát hiện trường hợp nào mắc bệnh do virus Ebola, tuy nhiên nguy cơ lây lan dịch bệnh thông qua đối tượng là khách du lịch, người làm việc, học tập và lao động nhập cảnh trở về từ khu vực Châu Phi là hoàn toàn có thể.
Bộ Y tế cho biết, căn bệnh này hiện vẫn chưa có vaccine phòng bệnh và phương pháp điều trị đặc hiệu. Tuy nhiên,người dân không nên quá hoang mang, bởi dịch bệnh có thể được khống chế nếu phát hiện sớm, cách ly bệnh nhân, theo dõi và giám sát người tiếp xúc gần với người mắc bệnh và thực hiện nghiêm ngặt các quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn.
Trước tính chất nguy hiểm của loại dịch bệnh này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu, ngành Y tế, các bộ, ngành liên quan, các địa phương phải nỗ lực cao nhất, chủ động, khẩn trương, thực hiện mọi biện pháp cần thiết để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, với mục tiêu cao nhất là không để lây lan dịch bệnh vào Việt Nam.
Đồng thời nếu phương án xấu là có dịch bệnh xảy ra, phải chuẩn bị sẵn sàng, chủ động xây dựng các phương án, kế hoạch nhằm ứng phó có hiệu quả nhất.
|
Thủ tướng chính phủ yêu cầu phải làm mọi biện pháp nhằm ngăn chặn dịch Ebola vào Việt Nam. |
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng phải chủ động xây dựng kế hoạch, phương án, có hướng dẫn rõ trong ngành về điều trị trị bệnh nếu xảy ra, nếu phát hiện những trường hợp nghi ngờ phải có các biện pháp hiệu quả trong giám sát, xét nghiệm, xác định, cách ly, khoanh vùng, điều trị…
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành hữu quan tập trung trang bị thiết bị máy móc giám sát y tế ở tất cả các cửa khẩu, nếu phát hiện có dấu hiệu, có nghi ngờ về dịch bệnh phải cương quyết cách ly; có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả. Theo đó, Bộ Ngoại giao; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện hiệu quả các biện pháp cần thiết hạn chế công dân di du lịch, làm việc ở các nước có dịch bệnh.
Trước đó, ngày 8/8 Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố tình trạng khẩn cấp đối với dịch bệnh do virus Ebola gây ra, yêu cầu cộng đồng quốc tế có phản ứng phối hợp để ngăn dịch bệnh này lan rộng. “Nếu dịch Ebola lan rộng ra thế giới thì hậu quả là "đặc biệt nghiêm trọng" do tính nguy hiểm của căn bệnh”, WHO nhận định.
Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại ngoài 4 quốc gia châu Phi nói trên còn ghi nhận thêm 2 trường hợp ở Mỹ và 1 trường hợp ở Tây Ban Nha có kết luận của cơ quan y tế là đã mắc căn bệnh này.
Riêng ở châu Á, 2 quốc gia là Thái Lan và Philipine đang tiến hành theo dõi các trường hợp nghi ngờ mắc Ebola. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa thể khẳng định họ có mắc loại virus nguy hiểm này hay không.