Bác sĩ Khổng Trọng Thắng, Trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu một bệnh viện cho biết khi uống rượu bia, lượng cồn trong máu gây ra các biểu hiện về tâm thần kinh cũng như khả năng gây hại của cồn đối với cơ thể. Sau khi uống rượu bia, cơ thể có những phản ứng lần lượt qua nhiều giai đoạn tương ứng với lượng cồn tăng dần trong máu:
Hưng phấn: Lượng cồn trong máu 0,03-0,12%, khi đó mặt có thể đỏ ửng, giảm khả năng tập trung, phán đoán, thường nghĩ gì nói đó, thiếu suy xét.
|
Ngộ độc rượu, bia.
|
Kích động: Lượng cồn trong máu 0,09-0,25%, bạn sẽ phản ứng chậm, dễ mất thăng bằng. Giảm sút chức năng các giác quan như nhìn mọi vật đều mờ ảo, nghe kém.
Lúng túng: Lượng cồn trong máu 0,18-0,30%, bạn hoa mắt, chóng mặt, đi đứng lảo đảo, câu chữ líu nhíu, giọng nói lè nhè. Có những cảm xúc cực đoan như rất hung hăng hoặc nhút nhát.
Sững sờ: Lượng cồn trong máu 0,25-0,35% bạn không thể di chuyển, đi, đứng, lúc tỉnh, lúc mê, ói mửa.
Bất tỉnh: Lượng cồn trong máu 0,35-0,50% làm mất ý thức, hơi thở chậm và yếu, nhịp tim chậm dần.
Tử vong: Lượng cồn trong máu > 0,50%.
Cách hạn chế say xỉn khi uống bia rượu
Bác sĩ Thắng cho hay, cồn được hấp thụ trên toàn bộ phận tiêu hóa bắt đầu ngay từ màng niêm mạc trong miệng, dạ dày, ruột đi thẳng vào máu và chuyển hóa tại gan. Do đó trước khi uống bia rượu bạn không nên nhịn đói, vì lúc này dạ dày trống, không có thức ăn nên khả năng hấp thụ của cồn vào máu nhanh hơn khiến bạn mau say hơn.
Ngoài ra một số chất khi trộn với rượu như nước ngọt có ga làm cồn hấp thụ vào máu nhanh hơn. Do đó bạn không nên trộn rượu bia với thức uống có ga khác. Một số loại thức ăn chứa mỡ có thể hấp thu một phần cồn trong dạ dày nên làm giảm lượng cồn trong dạ dày khi uống rượu bia.
Phân biệt rượu thật giả để tránh ngộ độc
Bác sĩ Thắng cho biết rượu thật chủ yếu là thành phần C2H5OH (cồn Ethanol), rượu giả có thể chứa Methanol (CH3OH) hoặc Ethylene glycol là hai chất rất độc cho cơ thể. Ngộ độc rượu thật và rựợu giả biểu hiện thường giống nhau, nhưng ngộ độc rượu giả thường diễn tiến nhanh hơn, nặng hơn và nguy cơ tử vong cao nếu không phát hiện, chữa trị kịp thời.
Rất khó phân biệt ngộ độc rượu thật và rượu giả nếu chỉ nhìn bằng mắt thường. Để phân biệt hai loại ngộ độc này thường phải có đầy đủ trang thiết bị y tế và các xét nghiệm chuyên sâu mới có thể phân biệt được. Nếu bạn nghi ngờ người thân bị ngộ độc rượu thì phải đưa ngay tới bệnh viện để theo dõi và điều trị khi thấy các dấu hiệu như lơ mơ, gọi không tỉnh, nôn ói nhiều, tay chân lạnh, mạch không đều, nhẹ, thở không đều, ngưng thở.
Biến chứng nguy hiểm nhất trong ngộ độc rượu giả là tử vong nếu không phát hiện kịp thời. Ngoài ra còn các tổn thương nặng nề khác như suy thận cấp, suy gan cấp, tổn thương não. Các tổn thương có thể để lại di chứng rất nặng nề cho người bị ngộ độc rượu nói chung và ngộ độc rượu giả nói riêng.
Cần biết khi uống rượu bia
- Nên chọn rượu, bia rõ nguồn gốc xuất xứ để tránh uống nhầm rượu giả, rượu pha chế không rõ nguồn gốc.
- Không nên uống quá nhiều vì sẽ có nguy cơ ngộ độc.
- Không nên lái xe tham gia giao thông khi có uống rượu bia.
- Khi thấy bất kỳ một dấu hiệu nào bất thường sau khi uống rượu bia thì phải đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị.
- Nếu người thân uống rượu bia xuất hiện các triệu chứng nôn ói nhiều, nói lảm nhảm, lơ mơ bất tỉnh, tay chân lạnh, nhịp thở không đều, cần đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất.